22/12/2021 18:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - PGS-TS Văn Giá giỏi vẽ chân dung văn học. Ông có tập Viết khi tâm đắc với “lời đẹp và lòng lành” dành cho các nhà văn Việt Nam. Ông cần cù nghiên cứu, khai thác văn bản lưu trữ để có sưu tập quý hiếm Vũ Bằng mười chín chân dung nhà văn cùng thời. Ông còn viết truyện, làm thơ và… đàn hát.
Chưa hết, trong năm học mới 2021 - 2022 ông làm bạn đọc ngạc nhiên khi viết thật ngọt bài tập đọc cho học sinh lớp 2 học tiếng Việt, đó là bài Tôi là học sinh lớp 2 Trong sách Tiếng Việt 2 (tập 1), bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
“Ngày khai trường đã đến.
Sáng sớm, mẹ mới gọi một câu mà tôi đã vùng dậy, khác hẳn mọi ngày. Loáng một cái, tôi đã chuẩn bị xong mọi thứ. Bố ngạc nhiên nhìn tôi, còn mẹ cười tủm tỉm. Tôi rối rít “Con muốn đến sớm nhất lớp".
Tôi háo hức tưởng tượng ra cảnh mình đến đầu tiên, cất tiếng chào thật to những bạn đến sau. Nhưng vừa đến cổng trường, tôi đã thấy mấy bạn cùng lớp đang ríu rít nói cười ở trong sân. Thì ra, không chỉ mình tôi muốn đến sớm nhất. Tôi chào mẹ, chạy ào vào cùng các bạn.
Chúng tôi tranh nhau kể về chuyện ngày Hè. Ngay cạnh chúng tôi, mấy em lớp 1 đang rụt rè níu chặt tay bố mẹ, thật giống tôi năm ngoái. Trước các em, tôi cảm thấy mình lớn bổng lên. Tôi đã là học sinh lớp 2 rồi cơ mà”.
Viết cho học sinh lớp 2 là cực khó
Chúng tôi có cuộc trò chuyện với tác giả Văn Giá về trang giáo khoa này:
* Thưa ông, “Tôi là học sinh lớp 2” chắc là được viết mới theo yêu cầu của nhóm biên soạn (chứ không trích từ một tác phẩm cũ) nên rất khớp với chủ điểm “Tôi lớn lên từng ngày”? Một người quen viết giáo trình đại học lại nhận viết một trang tiểu học, việc này với ông là khó hay dễ?
- Thưa vâng, quả là bài văn nhỏ này được viết hoàn toàn theo “đặt hàng” của người biên soạn. Họ thấy tôi thỉnh thoảng xuất hiện trong tư cách tác giả viết truyện ngắn, nên họ mời tôi tham gia.
Để viết một bài văn nhỏ thế thôi mà không hề đơn giản. Ban đầu, người biên soạn bàn bạc với tôi rất kỹ về chủ đề, dung lượng, văn phong, chất liệu, ngôn từ sao cho giản dị, chính xác, phù hợp nhất có thể. Thậm chí người biên soạn còn “gà bài” cho tôi nên như thế này thế kia. Cũng phải thôi, họ là người hiểu hơn ai hết phương châm, mục đích của việc biên soạn, và nhất là đối tượng sử dụng. Các em học trò lớp 2 vô cùng bé bỏng, non tơ, đang tuổi đầu đời, đang dần làm quen và tích lũy tri thức về đời sống, về tiếng Việt. Thế nên, viết cho đối tượng này là cực khó. Càng nâng niu, yêu quý các bé thơ lại càng “biết sợ” câu chữ mà mình viết ra cho chúng...
Để có được bài văn khiêm nhường này, công của tôi ít lắm. Từng câu chữ trên văn bản, đến cả cái “hơi văn” trên mỗi câu/đoạn nữa cũng đều được bàn thảo giữa tác giả với người biên soạn, và sau cùng là Hội đồng biên tập, Hội đồng thẩm định. Càng trước trẻ thơ, trách nhiệm phải càng lớn!
* Có gì cần bàn thêm về những hướng dẫn của các nhà biên soạn (phía dưới bài đọc) nhằm giúp học sinh đọc hiểu văn bản? Từ những trao đổi với các nhà biên soạn quanh bài viết của mình, ông có nhắn gửi gì tới các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh học sinh, những người rất quan tâm tới sách giáo khoa?
- Những người biên soạn sách giáo khoa họ có nghề lắm. Về bài văn nhỏ này, trong phần gợi ý, họ tổ chức cho học sinh tập đọc toàn bài, sau đó giúp các em nhận diện, làm quen, hiểu nghĩa và cách sử dụng một số từ; qua đó dạy các em biết chào hỏi bố mẹ, thầy cô khi đến trường, biết yêu quý các bạn, nhất là các bạn lớp 1 - hình ảnh gợi nhớ về năm ngoái của chính lớp 2 hôm nay.
Tất cả các công việc dạy - học trên lớp này được thực hiện một cách nhẹ nhàng, đầy cảm xúc, yêu thương, không bị nghiêm trọng hóa, không bị nặng nề, giáo huấn.
Nếu được nói điều gì với các giáo viên và phụ huynh học sinh, tôi chỉ muốn nói thế này: Làm sao truyền được cảm hứng cho các em khi học, dành thời gian cho các em được bộc lộ những trải nghiệm của chính các em!
Tâm thư của học sinh Nguyễn Thị Tèo
Bàn về chủ đề ngày khai trường, tác giả Văn Giá còn gửi cho người viết bài một “phụ lục” trong ấy ông nhập vai học sinh Nguyễn Thị Tèo viết tâm thư kiến nghị, nhằm tạo điều kiện để các em “bộc lộ những trải nghiệm của chính các em”. Em Tèo viết:
“Ngày mai là ngày khai trường. Chúng con vui lắm. Chúng con được đến trường, được gặp bạn, được vui chơi. Trong khi đó ở rất nhiều trường học trên cả nước, các bạn không được đến trường, phải dự khai giảng qua online. Các bạn ở những nơi ấy thiệt thòi biết mấy”.
Qua bức thư, em bày tỏ 4 nguyện vọng, trong đó Tèo "mong cô Hiệu trưởng nói ngắn thôi, chứ năm nào cô cũng nói dài. Mà con thấy năm nào cô cũng nói giống năm nào. Đã thế lại thầy/cô đại diện giáo viên phát biểu nữa chứ. Chúng con ngày nào chẳng gặp các thầy cô, rất hiểu các thầy cô định nói gì. Cho nên không cần phải nói nhiều đâu ạ". Rồi "cũng đừng bắt chúng con xem văn nghệ nhiều. Con nghĩ không có cũng không sao. Nếu có chỉ cần 3 tiết mục là vừa. Mà xem có tiết mục nào mới mới không chứ, năm nào cũng na ná giống nhau, chán lắm. Sợ nhất là màn đồng ca. Người hát thì đông. Bài hát thì dài. Mà cái hay thì chẳng thấy”.
Nguyện vọng thứ 4 của Tèo rất thấm thía: “Khai giảng xong thì cho chúng con vui chơi, gặp gỡ bạn bè. Chứ đừng bắt chúng con học ngay. Học thì còn cả năm cơ mà. Các thầy cô tiếc gì một buổi. Mà có học, đầu óc chúng con cũng chả để tâm đâu. Ngoài kia còn trời xanh, mây trắng, những hẹn hò mê li lắm mà các thầy cô chẳng biết đâu”.
Lý tưởng nhất là giữ nguyên văn bản
Trở lại chuyện biên soạn sách giáo khoa chúng tôi đặt câu hỏi: Xin ông bàn rộng ra việc chọn văn bản đưa vào sách giáo khoa ngữ văn nói chung!
Văn Giá cho biết: “Tôi cũng theo dõi dư luận về SGK Ngữ văn 1-2 và 6 đã phát hành. Biên soạn SGK là một công việc rất khó bởi nhiều lẽ. Thêm nữa, do SGK là các tri thức phổ thông, nên bất kể ai chỉ cần biết chữ là đã có thể bàn ra tán vào được. Thành ra, cũng như ngành giáo dục nói chung, SGK nói riêng phải hứng chịu búa rìu dư luận khủng khiếp. Các ý kiến thì đủ loại, với nhiều động cơ khác nhau. Tôi chỉ quý trọng những ý kiến góp ý có tính cách trí thức, tức là của những người hiểu biết (về điều mình muốn góp ý) và thiện chí.
Nhân đây, tôi xin được góp ý, khi sử dụng các văn bản là các tác phẩm văn học nổi tiếng để làm ngữ liệu, rất nên thận trọng trong việc xử lý văn bản. Tinh thần lý tưởng nhất là giữ nguyên. Nhưng có một số trường hợp vẫn phải chỉnh sửa để cho phù hợp với đối tượng là học sinh theo các độ tuổi khác nhau. Nếu với tác giả còn sống, hoặc tác giả mất mà người thân tác giả đang còn giữ bản quyền, khi thay đổi trong văn bản nên có trao đổi, thỏa thuận. Tôi còn nhớ, khi cụ Tô Hoài còn sống, cụ có kể với chúng tôi một cách rất vui vẻ rằng tác phẩm Vợ chồng A Phủ khi đưa vào SGK, cụ cũng phải đồng ý cắt bỏ đoạn miêu tả vẻ đẹp của cái nương hoa thuốc phiện. Riêng đối với lớp lớn, thí dụ cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông chẳng hạn, nên khuyến khích các em đối chiếu với văn bản gốc. Xử lý văn bản ngữ liệu là cần thiết, nhưng sao cho thấu đáo nhất có thể.
Vài nét về PGS-TS Văn Giá PGS-TS Văn Giá tên thật Ngô Văn Giá, sinh 1959 tại Bắc Giang, tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội 2 năm 1980. Ông từng dạy Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, Cao đẳng Sư phạm Hà Bắc, Học viện Báo chí và tuyên truyền. Hiện ông giảng dạy tại khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội. Ông vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006, là tác giả của 16 tác phẩm văn học bao gồm chuyên luận, từ điển, chân dung, truyện ngắn. Hiện Văn Giá cư ngụ tại Hà Nội. |
(Còn tiếp)
Lý Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất