10/12/2013 13:54 GMT+7 | Giáo dục
(lienminhbng.org) - Người soạn sách sai ở đâu khi đưa bài toán “Hai bàn tay em có 10 ngón, do nghịch dao cụt mất 2 ngón, hỏi còn mấy ngón?”, đem câu đó hỏi nhà giáo, PGS Văn Như Cương, ông chẳng còn lời nào, bảo: “Không biết nên nói là do dốt hay sao nữa”.
Không chỉ có bài toán rùng rợn, ngành giáo dục thời gian qua còn có sách đồng dao cho trẻ em với những bài như: “Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng/Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi/Ông Nhăng bảo để mà nuôi/Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro”. Chất lượng sách tham khảo đang khiến các bậc phụ huynh lo lắng.
Về vấn đề này, TT&VH Cuối tuần có cuộc trò chuyện với PGS Văn Như Cương, người sáng lập Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, cũng là nhà soạn sách giáo khoa môn Hình học.
Nhà giáo Văn Như Cương
Không còn gì để tranh cãi
* Trước hết, ông đánh giá ra sao về một số sự việc gây tranh cãi liên quan đến sách tham khảo gần đây: Một, các bài đồng dao thiếu tính giáo dục được đưa vào sách tham khảo của Công ty Đinh Tị; Hai là, bài toán “chặt 2 ngón tay” phản cám trong sách tham khảo mạo danh NXB Trẻ; Ba là, bài toán “bố 14 tuổi mẹ 12 tuổi” trong một bức ảnh lan truyền trên mạng?
- Theo tôi, không có vấn đề gì gây tranh cãi ở đây. Đó là hiện tượng sai hoàn toàn, phản giáo dục cần phải lên án một cách mạnh mẽ. Những sai lầm như thế thể hiện trình độ yếu kém của người soạn sách chứ không có cách lý giải nào khác.
* Từ sự việc trên, có thể thấy hiện nay có nhiều tài liệu giáo dục nhưng phản giáo dục đang được xuất bản và phát hành, nói là tràn lan cũng không quá. Theo khảo sát của một tờ báo, riêng lượng sách tham khảo 2 môn Tiếng Việt và Toán lên đến 500 đầu sách. Tại sao lại có tình trạng này, thưa ông?
- Tại sao ư? Đó là vì người ta tìm kiếm lợi nhuận bất chấp đạo đức, lương tâm. Hiện nay, nhà xuất bản (NXB) nào cũng có thể liên kết để in sách tham khảo Văn, sách tham khảo Toán chứ không riêng gì một NXB về lĩnh vực giáo dục. Một tác giả liên kết với NXB để đăng ký với Cục Xuất bản là có thể ra sách.
Không do dốt thì do đâu!
* Nếu vậy, chất lượng sách tham khảo hiện nay đang ra sao?
- Yếu về cả nội dung và thẩm định, và còn chồng chéo và trùng lặp. Bạn nhắc đến 500 đầu sách tham khảo, nhưng theo tôi con số đó còn chưa đầy đủ. Riêng sách tham khảo môn Hình học 7 thì trên giá sách hiện nay phải đến 50 cuốn, nào là Để học tốt hình học 7, Làm thế nào để giải toán Hình học 7…
Thử hỏi với số lượng đầu sách như vậy thì làm sao để không trùng lặp? Trong khi nội dung môn học thì cũng chỉ có chừng đó. Các bài toán cứ lặp đi lặp lại từ sách này qua sách khác. Với môn số học thì bài toán “vừa gà vừa chó” còn có thể thay bằng các loài khác, nhưng với hình học thì hình tròn phải là hình tròn, hình vuông phải là hình vuông, không thể thay đổi.
* Bản thân ông cũng là người soạn sách giáo khoa và giáo trình, ông nghĩ tại sao tác giả các cuốn sách tham khảo nói trên lại mắc sai lầm trong việc chọn chất liệu cho sách như vậy?
- Không biết nên nói là do dốt hay sao nữa. Nhưng chắc chắn không phải do bất cẩn. Có người đầu óc bình thường nào lại nói chuyện theo kiểu “Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao, nên bị cụt mất đi 2 ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay?”, nói gì đến một tác giả soạn sách. Không có sự thực ở trong đó.
Cái khó là chọn chất liệu soạn sách thế nào cho hay, cho thích hợp với trình độ và lứa tuổi của học sinh. Còn hiện tượng phản giáo dục như vậy thì không bao giờ người viết sách chân chính có thể mắc phải.
Bài toán tính tuổi bố mẹ gây nhiều tranh cãi
Đổi mới hay là… chết?
* Ông là nhà giáo có chủ trương cởi mở với những yếu tố mới mẻ trong giáo dục, không rập khuôn theo những gì có sẵn. Với trường hợp sách đồng dao, dường như nhà làm sách cũng cởi mở, đưa các bài đồng dao quen thuộc trong đời sống vào sách (chẳng hạn “Lăng gì? Lăng Bác. Bác gì? Bác Hồ. Hồ gì?”), nhưng vì chưa sàng lọc nên mới gây phản ứng. Ông nghĩ sao về “cái mới” trong trường hợp này?
- Đổi mới theo kiểu đó là đi nhanh đến cái chết. Đưa đời sống vào sách không khó. Sách giáo khoa thì có thể còn nhiều gò bó nhưng sách tham khảo thì có thể đưa nhiều ví dụ liên quan đến đời sống hơn. Sách Toán thì không dễ lắm nhưng với sách Văn, sách Lịch sử thì hoàn toàn có thể.
Nhưng đưa đời sống vào kiểu như đưa Bà Tưng, Ngọc Trinh vào đề thi Văn thì lại không ổn. Bởi những nhân vật đó có tính đời sống nhưng lại không có tính giáo dục. Đưa đời sống vào sách giáo khoa hay sách tham khảo, để tránh gây tranh cãi, theo tôi chỉ cần chú trọng đến một điều hiển nhiên: Điều đó mang lại lợi ích gì cho con em chúng ta?
* Cũng có những cuốn sách tham khảo không do tác giả hay công ty sách đứng tên trực tiếp biên soạn, mà soạn theo kiểu sưu tầm. Nội dung là cóp nhặt từ những cuốn sách cùng chủ đề đã xuất bản trước đó, rồi có thể bổ sung hình vẽ minh họa. Nói vậy, người làm sách tham khảo cũng không hẳn là những người biên soạn, mà chỉ là người sưu tầm?
- Sưu tầm theo cách đó cũng có thể gọi là ăn cắp.
* Gần đây có không ít vụ tranh cãi và thu hồi sách trong lĩnh vực giáo dục và trong lĩnh vực xuất bản nói chung. Ông nghĩ vấn đề nằm ở đâu?
- Đó là vấn đề quản lý xuất bản, vấn đề thẩm định nội dung và hình thức của cuốn sách, vấn đề đăng ký của các NXB, vấn đề liên kết để xuất bản... và mọi vấn đề khác liên quan đến xuất bản. Tất cả đều phải xem xét lại.
Trong đó, cần nhấn mạnh vấn đề thẩm định nội dung và hình thức. Sách viết ra hiện nay dường như không có thẩm định. Tôi nhớ có một cuốn sách của một tác giả là phó giáo sư nhưng lại sai những lỗi chính tả như “nều chõng” (lều chõng) hay “ăn dỗ” (ăn giỗ)
Các hiện tượng giáo dục gây xôn xao thời gian qua:
* Đồng dao dành cho trẻ em mầm non tập 6do Công ty Văn hóa Đinh Tị ấn hành. Sách đăng những bài đồng dao quen thuộc với thiếu nhi nhiều thế hệ nhưng bị đánh giá là không phù hợp để đưa vào một ấn phẩm xuất bản. Cuốn sách đã bị NXB Mỹ thuật yêu cầu Công ty Đinh Tị thu hồi và tiêu hủy. * Phép cộng trừ phạm vi 100 - Dùng cho lớp 1 (tác giả Hoàng Long). Sách mạo danh đơn vị xuất bản là NXB Trẻ. Trong sách có bài toán “Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao, nên bị cụt mất đi 2 ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay?” khiến dư luận phẫn nộ vì sự rùng rợn. * Một bài toán khác: “Hiện nay Nam 4 tuổi, tuổi của bố Nam gấp bốn lần tuổi Nam. Tuổi của mẹ Nam gấp ba lần tuổi Nam. Hỏi bố Nam bao nhiêu tuổi? Mẹ Nam bao nhiêu tuổi?”. Đáp án “Bố 16 tuổi, mẹ 12 tuổi” khiến bài toán bị chỉ trích vì sự vô lý về mặt đời sống. Bài toán này chưa được xác định là xuất hiện trong ấn phẩm nào mà chỉ mới được đăng trên mạng. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất