Phải thông báo và nêu rõ lý do nếu người lao động không được hỗ trợ

01/09/2021 11:58 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Ông Trần Triều (TPHCM) là nhân viên làm thuê không có hợp đồng lao động của quán cafe Trung Nguyên Legend tại phường 10, quận Gò Vấp, TPHCM; đăng ký tạm trú tại 401/7 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TPHCM.

Hướng dẫn đăng ký nhận gói hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19

Hướng dẫn đăng ký nhận gói hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19

Người lao động trong trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cần thực hiện các bước sau đây để nhận được gói trợ cấp Covid-19.

Ông Triều hỏi, hồ sơ đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 làm như thế nào? Cần liên hệ với phường nơi tạm trú để làm thủ tục hay hộ kinh doanh lên danh sách? Mẫu đơn như thế nào? Trợ cấp thất nghiệp do COVID-19 có hiệu lực tới bao lâu?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Tại Điểm 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 quy định: Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Chú thích ảnh
Hỗ trợ người dân khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19. Nguồn: TTXVN

Tại Điểm 4.2, Điều 4 Mục IV Công văn số 2209/UBND-KT ngày 1/7/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quy định về thủ tục hỗ trợ đối với lao động tự do bị mất việc làm, cụ thể:

Nhóm 2: Người lao động làm thuê tại hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ), một số lĩnh vực ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố tại Công văn số 1749/UBND-VX ngày 30/5/2021.

- Chủ sử dụng lao động thống kê, lập Danh sách người lao động (tạm hoãn) không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (Mẫu số 4) gửi Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (nơi đặt cơ sở, điểm hoạt động).

- Trong 03 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thông qua Hội đồng xét duyệt gồm: Lãnh đạo cấp xã, cán bộ phụ trách kinh tế, cán bộ phụ trách lao động, công an khu vực, các đoàn thể Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng Sản, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, trưởng ấp/khu phố...; lập Danh sách đủ điều kiện hưởng hỗ trợ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận huyện.

- Trong 02 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận huyện (giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) rà soát, thẩm định, phê duyệt và gửi Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

- Trong 02 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ra quyết định hỗ trợ và chi trả hỗ trợ trực tiếp cho từng người lao động.

Trường hợp người lao động không được hỗ trợ, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thông báo và nêu rõ lý do cho chủ sử dụng lao động, người lao động biết.

Vì vậy, nếu ông có nhu cầu hỗ trợ thì thông báo đến người sử dụng lao động (chủ hộ kinh doanh) để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định tại Công văn số 2209/UBND-KT ngày 1/7/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Chinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm