Phạm Khải, một tài năng phát triển sớm

09/03/2014 12:08 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - “Nhợt nhạt bông hồng em cài ngực/ Gai chìm lẩn buốt giữa tim anh/ Em che màu ngượng trong son phấn/ Khói thuốc anh tuôn, xóa mặt mình” (Trong tiệc cưới người yêu cũ - Phạm Khải)

LTS: Nhà thơ Phạm Khải hiện là Trung tá, Trưởng ban Chuyên đề Văn nghệ Công an (Báo Công an nhân dân). Là hội viên Hội Nhà văn khi mới 28 tuổi, đến nay, Phạm Khải đã xuất bản được 13 đầu sách, bao gồm nhiều thể loại. Riêng trong một tuần của tháng 12 năm vừa rồi, Phạm Khải đã có 3 cuốn sách được in ra. Đó là các tập: Người về từ chân trời cũ (ký chân dung), Quyền phản biện không của riêng ai (chính luận), Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo (tiểu luận - phê bình văn học).

Nhà thơ Phạm Khải.

Nhà thơ Phạm Khải.

1. Tập thơ đầu của Phạm Khải in khi anh mới 23 tuổi, gồm những bài viết từ 1984 tới 1988, là năm tác giả 16 tuổi đến 20 tuổi. Bài thơ in ở phần mở đầu của tập thơ là Biển nhớ, bài thơ tình yêu thiếu sự hồn nhiên và ít nhiều ước lệ. Bài thứ hai - Nháp - cũng làm khi tác giả 16 tuổi; hoàn toàn sáng tạo và già trước tuổi với những ý nghĩ, những nỗi đau làm ta giật mình: “Bao nhiêu nỗi hồi hộp/ Nháp lên khoảng im lìm/ Bao nhiêu điều đau đớn/ Máu nháp hoài lên tim”.

Thơ Phạm Khải hướng nội ngay từ lúc bắt đầu làm thơ. Khúc quân hành lặng lẽ là một ví dụ, sử thi vẫn là sử thi nhưng đã có những câu tinh tế, riêng của Phạm Khải: “Bó hoa em hái cầm tay/ Theo chiều quân tiến hương bay/ Anh chẳng nhận ra em nữa/ Không như em của những ngày”. Nhưng phần lớn đã là hướng nội, đã là suy nghĩ, suy nghĩ tột cùng ý thức: “Con ruồi sự kiện từ năm nọ/ Trong tôi nay mới động tơ chằng/ Con nhện thời gian tôi vẫn thức/ Giăng đầy muôn nẻo mạng tháng năm” (Thức). Tác giả đã sớm có cảm thức về thời gian và đã có những sáng tạo về tứ: “Ve ăn mòn hết mùa hè/ Khu vườn có một tiếng ve - đã gầy”. Phi Tuyết Ba từng trách: “Sao anh lại ngỏ lời/ Vào một đêm trăng khuyết/ Để bây giờ thầm tiếc/ Một vầng trăng không tròn”. Phạm Khải trẻ hơn nên ngay từ năm 1987, anh đã viết “Vắng em trong đêm nay/ Trăng rằm anh chẳng thiết/ Tình ta sẽ tròn đầy/ Vào một đêm trăng khuyết” (Trăng khuyết). Phút gặp của tình yêu mà so sánh với kim đồng hồ thì chỉ có Phạm Khải: “Kim giờ làm khổ kim giây/ Em đi một bước, anh quay trăm vòng/ Muốn làm kim phút cho xong/ E khi giáp mặt, chuông lòng lại kêu” (Kim giờ kim giây).

Ở tuổi 20 mà đã nghĩ về tình yêu như thế này thì phải có chí lắm: “Giá như có một sợi dây/ Để anh là cánh diều bay ngang trời”. Tuổi trẻ vẫn sợ dây nhưng không có “sợi dây” thì anh lộn nhào mất, chỉ cần em nới dài sợi dây ra nhé!

Giấc mơ ban ngày, tập thơ thứ hai, xuất bản năm tác giả 24 tuổi ít hẳn những ước lệ; những suy nghĩ thông thường mà đã già dặn hơn với những triết lí từ đời sống. Phần thơ sau đó (chưa in) sâu sắc nhất là bài Im lặng: “Sinh ra làm người/ Cả đời tập nói/ Rồi ta tập im/ Tạ từ thế giới/ Tập như trái đất/ Lặng thầm mà quay/ Tập như trăng sáng/ Lặng im mà đầy”. Tôi  nhớ có một danh nhân nào đó nói: “Người ta mất một năm học nói nhưng phải mất 60 năm để học im lặng”. Ngạn ngữ Pháp chẳng có câu: “Im lặng là vàng, lời nói là bạc” đó sao?

Và đây là viết về cái chất của Exênhin (Sergei Yesenin): “Nhưng đời đẹp, và buồn/ Đẹp - buồn khôn chịu nổi/ Một sợi dây thật dài/ Đã kết đời ngắn ngủi”. Tuy nhiên: “Người thơ không có tuổi/ Mắt người thơ nảy mầm/ Tóc bồng bềnh mây nổi/ Vượt trên bờ trăm năm (Người thơ không có tuổi). Thơ tình của Phạm Khải ở phần này cũng khác. Những hình ảnh đối lập tạo nên tứ thơ về nỗi đau thất tình: “Nhợt nhạt bông hồng em cài ngực/ Gai chìm lẩn buốt giữa tim anh/ Em che màu ngượng trong son phấn/ Khói thuốc anh tuôn, xóa mặt mình” (Trong tiệc cưới người yêu cũ). Phạm Khải nắn chuốt đến từng chữ một, để cho chữ có sức mạnh.


Bìa các tập sách xuất bản trong năm 2013 của Phạm Khải

2. Phạm Khải không những sáng tác thơ từ sớm mà viết lý luận phê bình cũng sớm (viết từ trước khi vào đại học). Cuốn lý luận, phê bình đầu tay là tập Người gặp trong ngày, thơ đọc trong đêm, xuất bản năm anh 24 tuổi (gồm các bài anh viết từ năm 20, 21 tuổi). Cuốn thứ hai (cũng xuất bản cùng năm) - Sự sống thật là một cuốn bình thơ (40 bài). Riêng việc chọn thơ để bình đã thấy sự tinh sắc và sự đa dạng trong cảm nhận của tác giả (chưa kể sự cập nhật với thơ đương đại).

Còn đi vào lời bình, hãy nghe PGS.TS Vũ Nho nhận xét: “Phạm Khải tuy chỉ khiêm tốn đặt ra cho mình nhiệm vụ để bạn đọc “nhận chân ra được vóc dáng, tên gọi của những họ đang thưởng ngoạn, nhưng nhờ cách thức của anh, nhiều trường hợp anh đã làm nổi rõ, làm tăng thêm giá trị của những bài thơ anh phẩm bình. Hầu hết những bài thơ được chọn bình, Phạm Khải đã cảm nghe và thấu hiểu được cái “thần” của tác giả”.

Theo tôi, nắm bắt được “thần” của bài thơ là cái khó nhất, quan trọng nhất. Nó đòi hỏi một năng lực cảm thụ nhạy bén và một khả năng tư duy khái quát cao. Phê bình văn học âu cũng là một năng khiếu của Phạm Khải. Ngoài bốn tập lý luận, phê bình văn học đã xuất bản, đến nay Phạm Khải còn có hàng trăm bài phê bình văn học đã đăng trên các báo nhưng anh chưa tập hợp in thành tập. Trong các bài viết của mình, dù là với những tác giả lớn, được công luận lâu nay thừa nhận, bên cạnh việc phát hiện những nét hay, nét lạ, Phạm Khải  cũng không ngại chỉ ra những thiếu sót ở họ. Điều này có khi còn khó viết hơn khen... Phạm Khải còn viết chung với tiến sĩ Lê Hữu Tỉnh cuốn Kể chuyện bút danh nhà văn. Đây là một cuốn sách có ích cho việc học tập, nghiên cứu tác giả văn học vì chuyện bút danh không chỉ là chuyện bút danh...

Phạm Khải năm nay 46 tuổi, sức bút đang dồi dào. Anh hiện đang thu xếp công việc làm báo rất bận rộn để cho ra mắt những cuốn sách mới, mà 4 cuốn sách xuất bản trong năm 2013 vừa rồi là những ví dụ…

Đặng Hiển
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm