15/09/2015 13:56 GMT+7 | Đọc - Xem
(lienminhbng.org) - Những người nổi tiếng đều có một quá khứ đáng để ghi lại, giúp người đọc soi vào đó rút ra bài học cho bản thân mình. Con đường họ đã đi qua của tác giả Phạm Xuân Trường vừa được NXB Trẻ ấn hành là một cuốn sách đã “ghi lại” như thế.
Hầu hết các nhân vật trong sách này đều được Phạm Xuân Trường gặp gỡ trực tiếp hoặc thông qua lời kể của nhân chứng sống. Tác giả chọn mỗi nhân vật một lát cắt về cuộc đời họ để từ đó khái quát nên nhiều điều thú vị nhưng ít được biết về người nổi tiếng.
Lính thời bình viết về thế hệ trước
Con đường họ đã đi qua có các nhân vật: Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Văn Khiêm, Trần Quốc Hương, trung tướng Lê Nam Phong, anh hùng Võ Thị Thắng, nhà báo Hữu Thọ, phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy.
Giới nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh có đạo diễn Đặng Nhật Minh, Phạm Thị Thành, Thế Anh, Trà Giang. Giới văn chương có Lê Văn Thảo, Phạm Tiến Duật, Phan Thị Thanh Nhàn, Chu Lai, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Nhật Ánh đến các nhà văn thế hệ sau Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Ngọc Tư. Giới âm nhạc có Trần Tiến, Ánh Tuyết, Thu Hiền, Thế Hiển.
Con đường mà những nhân vật lừng danh đã trải qua góp phần phản ánh hành trình của dân tộc. Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, khi đọc cuốn sách này, đã nói: “Gian khó rồi sẽ qua. Một bình minh ngời rạng cho đất nước và dân tộc rồi sẽ đến.
Ngày vinh quang ấy không còn xa. Trên hành trình tiến tới một ngày mai tươi đẹp, chúng ta cùng nhìn lại con đường của mỗi người nổi tiếng đã đi qua. Nó như hành trang giúp chúng ta thêm niềm tin sức mạnh, thêm nghị lực kiên đường”.
Tác giả Phạm Xuân Trường sinh năm 1974 tại Hải Phòng, từng học trường Sĩ quan Lục quân 2 nay là ĐH Nguyễn Huệ, tốt nghiệp thạc sĩ triết học, từng đứng trên giảng đường, anh hiện làm trưởng chi nhánh NXB Quân đội Nhân dân tại TP.HCM.
Chính vì “ăn cơm nhà binh”, Phạm Xuân Trường luôn quan tâm tìm hiểu những nhân vật trong quân đội. Con đường họ đã đi qua dành nhiều trang viết và tình cảm của tác giả cho những nhân vật: Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Trần Quốc Hương (Mười Hương), Lê Nam Phong… cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng thông qua đó, Phạm Xuân Trường thể hiện trách nhiệm của một người lính sinh trưởng trong hòa bình nhớ về thế hệ đi trước trong gian khó đạn bom, tù đày. Tác giả dù kìm nén cảm xúc, song không thể không bộc lộ sự cảm phục của mình với lớp tiền bối tài giỏi, kiên trung vì lý tưởng độc lập và hòa bình cho dân tộc.
Nhạc sĩ Trần Tiến: Đất Sài thành không dành cho người yếu đuối
Tiếp xúc ngoài đời, Phạm Xuân Trường luôn chứng minh anh là người nhiệt thành và trong sáng. Có lẽ vì điều này nên người nổi tiếng nhưng kín tiếng đến mấy đều sẵn sàng trải lòng với anh.
Khi anh hỏi nhạc sĩ Trần Tiến tại sao lại chọn mảnh đất phương Nam làm nơi sinh sống? Trần Tiến trả lời: “Những đàn chim phương Bắc bay vào phương Nam, bay sang các châu lục khác cũng là lẽ tự nhiên của giống loài tìm vùng đất hứa. Riêng đất Sài thành vui vẻ mà khắc nghiệt. Đất này không dành cho người yếu đuối, những kẻ hủ lậu, nói nhiều làm ít. Lữ khách sông Hồng, sông Lam vào đây mà chảnh chọe là “ăn đòn” ngay. Có tài cũng “húp cháo” mà thôi. Có khi còn phải xin tiền lên tàu về lại chốn quê xưa”.
Phải chăng cùng suy nghĩ với nhạc sĩ Trần Tiến khi cất bước vào Nam, Phạm Xuân Trường làm việc rất chăm chỉ. Anh rất chịu khó gặp gỡ, lắng nghe, ghi chép và viết lại những cuộc tiếp xúc của mình.
Cuốn sách Con đường họ đã đi qua, tác phẩm đầu tay in lần này là một chứng minh cho sự lao động của anh khi chuyển từ nghề đứng trên bục giảng sang làm xuất bản.
Tình tiết lý thú về bài thơ "Hương thầm" Đọc Con đường họ đã đi qua có nhiều thông tin “hậu trường” lý thú, chẳng hạn như nhà thơ Xuân Quỳnh sửa thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Bài thơ Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn viết vào cuối những năm 1960 từ hình ảnh người em trai của bà ra trận. Hương thầm từng đoạt giải Nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1969 và được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ thành ca khúc nổi tiếng. Khi Hương thầm ra đời, Phan Thị Thanh Nhàn có đưa Xuân Quỳnh xem, trong đó có câu: “Cô gái như chùm hoa nhỏ bé/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu”. Xuân Quỳnh nói: “Bài Hương thầm của nhà ấy mà, tao thấy nên sửa hai chữ “nhỏ bé” thành hai chữ khác mang đậm chất kín đáo, ý tứ của mày cơ”. Xuân Quỳnh đề nghị Phan Thị Thanh Nhàn sửa lại: “Cô gái như chùm hoa lặng lẽ” và câu thơ này được người đọc nhớ mãi đến hôm nay. |
Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất