25/06/2011 11:42 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Sau khi ra mắt tại Hà Nội, hôm nay, 25/6, tại Bảo tàng cổ vật Champa, Đà Nẵng cuốn Văn minh vật chất của người Việt của họa sĩ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng tiếp tục được giới thiệu tới công chúng. Đồng thời 50 bức tranh minh họa tiêu biểu trong cuốn sách này sẽ được đem ra trưng bày như những họa phẩm độc đáo về đời sống người Việt.
“Tôi bắt đầu cuốn sách Văn minh vật chất của người Việt từ năm 1992, với những nghiên cứu lẻ tẻ” - ông chia sẻ - “cho đến năm 2007 - 2008, mới bắt tay vào viết lại từ đầu một mạch thành cuốn sách. Sách gồm 5 chương, 39 phần nói về đời sống vật chất sinh hoạt thường ngày của người Việt Nam trong xã hội tiền Công nghiệp. Ngày nay, các vật dụng cổ như cày, bừa, rổ rá, ang vại... những gì là hình ảnh của một nền nông nghiệp cổ xưa đang dần chìm vào quá khứ. Lưu luyến với quá khứ và muốn cho những bạn trẻ tìm hiểu về cha ông không phải bằng các lý thuyết Nho Lão Phật mà bằng đời sống rất cụ thể, đó là hy vọng của cuốn sách với gần 1.500 minh họa này”.
Nhân dịp này, TT&VH xin giới thiệu một số trích đoạn về cuốn sách của ông do chính ông tóm lược.
Phụ nữ thời Pháp thuộc. Ảnh: NXB Thế giới
1. Một đất nước có lịch sử lâu dài với nhiều mức độ phát triển ắt có những lớp văn minh vật chất phong phú. Trái lại, nhiều dân tộc đã trường tồn, nhưng rất ít thay đổi so với trạng thái ban đầu, bất chấp thời gian và thời đại, văn minh vật chất không phong phú, (như các dân tộc ít người Tây Nguyên) trong đó mỗi đồ vật đều là tích tụ sâu sắc của tâm hồn và văn hóa.
Người Việt có lịch sử lâu dài, nếu kể cả văn minh Đông Sơn là 4.000 năm, ở mặt này vẫn là dân tộc khá nghèo về vật chất, khi phần lớn chủng loại đồ vật đều chịu ảnh hưởng của người Trung Quốc, ở mặt khác lại là dân tộc có đời sống vật chất phong phú, không thua kém bất cứ dân tộc giàu có nào, khi có một nền sản xuất tự cung tự cấp có chiều sâu.
Nếu ta nhìn một phụ nữ Dao chẳng hạn, với tất cả y phục trang trí sặc sỡ và đồ dùng của mình, cô ta giống như một bảo tàng sống động. Phần lớn những con người của sắc tộc là như vậy, từng người một mang đủ đặc điểm văn minh của sắc tộc đó.
So với một số sắc tộc, người Kinh (người Việt) không như vậy, họ đã tạm tách cái bản thân họ ra khỏi đời sống vật chất cụ thể. Văn minh vật chất của họ được thể hiện bằng cả lối sống, quá trình canh tác, chợ búa. Và điều này cũng giống như một con người thời hiện đại, anh ta đi người không ra đường, nhưng có rất nhiều “thẻ” và “các” trong ví để có thể huy động rất nhiều phương tiện vật chất hỗ trợ cho cuộc sống cá nhân và công việc của anh ta. Cái đó nói lên vai trò của cá nhân trong xã hội hiện đại và khả năng phục vụ lại cá nhân của xã hội rộng lớn, mặt ngược lại của nó, vật chất sẽ mất đi tính đặc thù dân tộc, chỉ còn thuần túy là phương tiện.
2. Khi bà tôi đi chợ, bà bận chiếc áo cánh, quấn quanh cạp váy cái ruột tượng xanh trong đó có bao tiền, đầu đội nón thúng rộng vành, hông cắp cái rổ, chân đi guốc gỗ cao. Hình ảnh này là một đời sống vật chất đặc trưng cho người đàn bà Việt khi đi ra đường, mà mỗi đồ vật người ấy mang trên mình có tác dụng nhất định trong sinh hoạt, cũng như có ý nghĩa nào đó của một dân tộc.
Tại sao như vậy, có lẽ vì rất nhiều người đàn bà khác đi chợ cũng ăn vận như vậy, cũng ngần ấy đồ dùng có cùng chức năng, và hình dáng đồ dùng cũng cùng một khoa tạo dáng được đúc kết thành khuôn mẫu trong văn hóa dân gian. Đấy chỉ là nói về một người bình dân, mà người bình dân thì không có quá nhiều vật chất có tính chất sang trọng hay tượng trưng lớn cho đời sống tinh thần.
Nếu xem xét hình ảnh một ông quan, hay ông vua thì vấn đề khác hẳn, mọi đồ dùng của họ đều vượt lên cái thông thường, mang ý nghĩa lớn lao của đấng bề trên, hay tượng trưng cho quyền lực và sức mạnh của một vương triều, số lượng vật chất bám theo họ cũng nhiều hơn, chế tác tinh tế hơn, đến mức có cả một công xưởng thủ công của triều đình chế tạo và một đội ngũ thị tòng mang vác đồ cho vua khi vi hành. Nhưng sự nghèo nàn của vật chất bình dân mang tính muôn thuở, thì sự giàu sang của một ông vua lại mang tính nhất thời. Ý nghĩa vật chất của giai tầng hoàn toàn khác nhau, cái muôn thuở nhìn chung lại ít giá trị nghệ thuật, cái nhất thời thì tinh túy và diêm dúa vô cùng. Xâu chuỗi chúng lại có thể nhìn thấy cả quá trình phân chia giàu nghèo xã hội hay quy trình thống nhất từ giản đơn đến tinh túy của sản xuất công nghệ.
Xưa kia khi làng Bát Tràng làm gốm, mỗi năm nhặt ra vài mươi món đồ tiến cống dâng vua. Như vậy phần lớn bát đĩa được làm đại trà, một số cũng hình thù như vậy được chế tác cẩn thận tinh tế đưa vào triều đình, gọi là đồ ngự dụng.
Đồ ngự dụng không chỉ là dành những cái tốt đẹp nhất cho vua chúa, mà vì còn đấy là nơi lưu trữ những sản vật tiêu biểu của làng nghề, nên làng nghề cũng muốn giới thiệu những gì tốt nhất. Chiều không gian và chiều thời gian của đời sống vật chất là cái gì đó rất thú vị. Không gian là sự tương đồng về hoàn cảnh của tất cả các đồ vật mà ta đồng thời sử dụng. Thời gian là lớp vật chất của thời nọ, thời kia, mang phong cách của thời đại sinh ra nó, và trong những trường hợp nhất định, con người thời này dùng đồ của thời kia, như những cổ vật hoặc như đồ cũ còn hữu dụng.
Kỳ sau: Sống và chết trên con thuyền
Phan Cẩm Thượng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất