11/02/2021 05:33 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - Trải qua 23 năm, rap Việt được khơi nguồn từ những chàng trai du học xa nhà cuối cùng cũng đã có cơ hội tỏa sáng được đông đảo công chúng đón nhận.
Chuỗi ngày mang danh “chợ búa, trẻ con và học đòi” (1997 - 2003)
Người trẻ hôm nay sẽ chẳng thể thốt ra hai tiếng “rap Việt” nếu hơn hai thập kỷ trước, Khanh Nhỏ không nặn hình vẽ khuôn cho bài rap đầu tiên có ngôn ngữ thuần Việt mang tên “Vietnamese Gang” vào năm 1997, tại Portland (Oregon, Hoa Kỳ). Cho ra đời đứa con tinh thần đầu tiên, nam rapper cũng tập tành quay MV nhưng thuần túy chỉ lấy chất liệu từ chính thành phố Portland và nhiều cung đường quen thuộc xung quanh nơi hiện ở.
Hơn 23 năm trôi qua, đoạn video vỏn vẹn 3 phút 57 giây ghi lại những đường flow mở màn của lịch sử rap Việt đã đạt hơn 370 ngàn lượt xem. Nhiều người cho rằng mỗi khi cảm thấy choáng ngợp trước những thay đổi đáng kể của âm nhạc thời nay, họ chọn quay về với “Vietnamese Gang” - thời kỳ rap vẫn chỉ là rap, là tuôn ra những câu chữ sơ khai, đơn giản nhưng là cú hích khởi động cho tháng ngày rực rỡ sau này.
Bình minh làng rap Việt Nam đến trễ hơn so với các quốc gia khác nhiều năm, điểm xuất phát cũng có phần bấp bênh bởi chính khởi nguồn nơi nó hình thành. Mang chất đường phố từ những khu ổ chuột của xứ Cờ hoa, hầu hết các rap track thời này là sân chơi, nơi rapper có thể tự do sử dụng ngôn từ tục tĩu và thẳng thắn đả kích nhiều vấn đề xã hội. Họ diện quần thụng và nón beanie, xăm mình, đeo khuyên và luôn “khoác” trên gương mặt loạt biểu cảm bị cho là “hầm hố, bặm trợn”. Cộng hưởng tất cả những phá cách mà chỉ rapper mới có, khi du nhập vào nền văn hóa giàu truyền thống như Việt Nam năm 2002, rap đã vô tình bị che phủ bởi định kiến “màu mè, chợ búa, trẻ con và học đòi”.
“Gà cùng một mẹ chờ dịp đá nhau” (2004 - 2012)
Sau những bước đầu len lỏi vào đời sống người Việt, rap bất ngờ sáng lên như một công cụ để bộc lộ chất hip-hop bên trong bản thân mỗi người. Có bạn trẻ đến vì phong trào rồi mau chóng rời đi, vài kẻ chọn gắn bó dài lâu nhưng cũng chỉ thi thoảng ghé vào dạo chơi như giữ mối quan hệ. Cộng đồng những người đam mê rap Việt Nam cuối cùng cũng có một sân chơi chính thức mang tên Da Rap Club (hay còn gọi là RC) do Xlim thành lập.
Theo thời gian, từ nhóm rap gồm Xlim và đôi ba bạn bè thì nay đã “nhặt nhạnh” được hơn chục cái tên mới như “cây đại thụ” LK, Young Uno, Eddy Việt và Cá Chép,...
Khi Internet và máy tính vẫn là thứ xa xỉ vào những năm 2000, các rapper thế hệ F1 đã trải qua khoảng thời gian “trầy trật” để ngoài việc làm quen với công cụ chưa từng sử dụng còn phải tìm cách kết hợp nhuần nhuyễn với chúng để sáng tác, chỉnh sửa và hòa âm phối khí.
Cộng đồng rapper Việt tồn tại hai phe đối lập là Underground và Overground (Mainstream). Trái với những cậu chàng thoải mái sử dụng ngôn từ và bộc lộ cảm xúc mãnh liệt của Underground, rapper thuộc Mainstream bị gắn mác là mất chất rap vì sản phẩm bị cho là “đại trà”, thiếu câu chuyện mang màu sắc cá nhân của người sáng tác.
Sự tồn tại song song không có điểm chung trong vũ trụ nhạc rap mà dần dần mối quan hệ giữa Underground và Overground rơi vào ngõ cụt, châm ngòi cho hàng loạt cuộc chiến bắt đầu. “Beef” hay “rap battle” (cuộc chiến rap) là món ăn tinh thần không thể thiếu của những người trẻ hoạt động tại các câu lạc bộ rap thời này. Nếu không phải nhằm so kè khả năng của bản thân, một rapper tham gia trận beef nảy lửa ít nhiều cũng mong muốn được thử sức để nhận biết trình độ sáng tác của mình đang ở vị trí nào.
Thời kỳ khởi động, chuẩn bị cho cú hích rap Việt (2013 - 2019)
Từ 1997 đến 2011, rap tại Việt Nam cứ thế phát triển chậm mà chắc, dần dần chiếm được sự tin yêu của người hâm mộ. Thế nhưng ít ai biết rằng, dòng nhạc này khi len lỏi vào Việt Nam đã chậm chạp và lạc hậu hơn rất nhiều so với các quốc gia khác khi mà rất nhiều sản phẩm âm nhạc thời này ra đời dựa trên nền nhạc có sẵn của các nhà sản xuất nước ngoài.
Nhằm khắc phục những hạn chế, năm 2011, SpaceSpeakers được sáng lập bởi DJ Touliver đã tập trung đầu tư nhiều thiết bị tân thời, đáp ứng nhu cầu cơ bản trong lúc sáng tác của rapper. “Trong tương lai, tôi hy vọng các hãng thu âm quốc tế sẽ chú ý hơn tới thị trường châu Á bởi vì có rất nhiều tài năng tại đây chưa được biết tới và phong cách của chúng tôi cũng hoàn toàn khác nghệ sĩ châu Âu hay Mỹ” - Touliver chia sẻ.
Thời gian đó, SpaceSpeakers với đam mê sản xuất âm nhạc đã thu hút sự gia nhập của nhiều cái tên dẫn đầu làng rap như Rhymastic, Justatee, Kimmese và sau này là Binz,... Không chỉ khẳng định thực lực tại nhiều cuộc beef lớn nhỏ, thành viên tổ chức còn năng nổ cho ra hàng loạt sản phẩm đáng chú ý như Forever Alone, She Neva Knows, Xin anh đừng và Ngọn nến trước gió,... Bên cạnh chất lượng âm thanh chẳng thua kém quốc tế, SpaceSpeakers còn dẫn đầu trong xu thế “rap sang”. Họ chú trọng về ngoại hình, phong cách và trang phục, họ trau chuốt từng phân cảnh và góc quay trong MV. Sự chỉn chu đó đã truyền cảm hứng đáng kể đến các rapper cùng thời, tạo cho họ niềm động lực để dám đầu tư và nỗ lực nhiều hơn cho âm nhạc.
Trong khi vũ trụ rap phía Bắc ngày một phát triển vượt bậc, khu vực phía Nam cùng thời kỳ này cũng trải qua không ít biến động. Trong khoảng 2010 - 2013, Wowy và Karik là cặp bài trùng dẫn đầu xu hướng hip-hop ở TP.HCM. Sở hữu nhiều điểm tương đồng trong cuộc sống cá nhân, cả hai còn hợp cạ về tư duy âm nhạc lẫn phong cách sáng tác. Thời ấy, rất dễ để bắt gặp hình ảnh nhiều bạn trẻ hễ rảnh rỗi lại cắm tai nghe vào chiếc MP3 xách tay, luôn miệng lẩm nhẩm theo Hai thế giới và khen ngợi chất đời chảy tràn qua từng đường flow. Hai chàng trai đôi mươi gánh trên mình sức nặng của nền nhạc rap phía Nam tiếp tục phát huy cho đến khi chính thức “đường ai nấy đi” vào năm 2013.
Suốt nhiều năm, người ta bắt gặp rap trong hình hài của một chàng trai gai góc, gồng mình và sẵn sàng “xù lông” chống lại những tiêu cực của xã hội. Mãi đến 2015 với tuyệt tác Đưa nhau đi trốn của Đen Vâu, cuối cùng Rap cũng có thể tháo gỡ lớp mặt nạ xù xì, rèn dũa tính ôn hòa để trở nên thân thiện với người nghe hơn. Nếu gọi rap là thơ, thì hẳn Đen Vâu là một trong những nhà thơ tài hoa nhất ở thời điểm hiện tại. Từ dòng nhạc mang nặng chất đời, từ một công cụ để chiến nhau trên nhiều diễn đàn, Đen Vâu góp công rất lớn trong việc tô điểm thêm cho rap giai điệu thơ mộng và nhiều ngôn từ hoa mỹ.
Qua mỗi thời kỳ, lịch sử rap Việt lại được thổi vào làn gió mới từ không ít nghệ sĩ khác nhau. Người khiến rap trở nên xù xì, thẳng tính hơn, kẻ lại thổi hồn vào nó sự mềm mại, du dương như một cuộc trò chuyện thâm tình. Để rồi đến 2020, các thế hệ rapper cuối cùng cũng có thể mỉm cười trước quả ngọt khi hàng loạt cuộc thi được ra đời, đưa rap trở thành dòng nhạc dẫn đầu xu hướng.
Giữa lúc rapper Việt vẫn sử dụng beat có sẵn từ thế giới, SpaceSpeakers dẫn đầu phong trào tự sáng tác và nâng tầm chất lượng âm nhạc
Đen Vâu và chất nhạc thơ mộng đã “gọt giũa” các gai góc của rap để phù hợp với thị hiếu người nghe hơn
Người đầu tiên có sản phẩm kết hợp với ca sĩ là LK, tạo tiền đề cho đàn em dần tiến lên giới Mainstream
Quỳnh Hương
TT&VH Xuân Tân Sửu 2021
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất