Biến thể Delta gây ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 ở nhiều quốc gia

10/07/2021 07:00 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Đến sáng 10/7, thế giới có trên 186,6 triệu người mắc Covid-19, trong đó hơn 4,03 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Cuba thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 cho trẻ em

Cuba thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 cho trẻ em

Bộ Y tế Cuba (Minsap) ngày 29/6 thông báo đã bắt đầu triển khai tiêm phòng ứng cử viên vaccine ngừa COVID-19 Soberana 02 cho 25 trẻ em trong độ tuổi từ 3-11 là tình nguyện viên tham gia giai đoạn I thử nghiệm lâm sàng loại vaccine này.

 

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 34,69 triệu ca mắc và hơn 622.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 17.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Với tỷ lệ tiêm vaccine đạt hơn 70%, thành phố New York, Mỹ đã mở cửa hoàn toàn các dịch vụ. Những yêu cầu về phòng dịch cũng đã được nới lỏng với các du khách. Tất cả là để cứu nền kinh tế vốn dựa chủ yếu vào khách du lịch và cũng là để người dân dần quen với việc phải sống chung với virus.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 9/7, nước này ghi nhận hơn 39.100 ca mắc mới COVID-19 và 1.165 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 30,79 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 407.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Sự xuất hiện của các biến thể Delta và Delta Plus của virus SARS- CoV-2 một lần nữa đặt Ấn Độ vào tình trạng cảnh giác cao độ. Hai tuần sau khi Chính phủ Ấn Độ xếp biến thể COVID-19 Delta Plus vào danh sách "đáng quan ngại", các chuyên gia y tế cho biết, Delta Plus, được đặt tên kỹ thuật là B.1.617.2.1 hoặc AY.1, thực ra là thế hệ tiếp theo của biến thể Delta, vốn được phát hiện lần đầu tại bang Maharastra của nước này hồi tháng 10/2020 và giờ đã có mặt tại ít nhất 96 quốc gia trên thế giới. Ca nhiễm biến thể Delta Plus đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ vào ngày 11/6, đặt ra một thách thức mới, bất chấp việc nước này đang triển khai tiêm chủng đại trà.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 30/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nga ghi nhận 25.766 ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày 7/9. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày tại nước này kể từ đầu tháng 1/2021. Biến thể Delta là nguyên nhân gây ra tình trạng lây nhiễm tăng cao tại Nga trong thời gian qua. Nga đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng thông qua nhiều hình thức, cả khuyến khích và bắt buộc. Theo giới chức Nga, tiêm phòng là cách duy nhất để chống lại đại dịch một cách hiệu quả. Hiện gần 30 triệu người Nga đã được tiêm chủng.

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, ngày 9/7, Bộ Y tế Cuba (Minsap) công bố con số lây nhiễm trong ngày cao chưa từng thấy kể từ đầu mùa dịch với 6.422 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Thông báo cập nhật của Minsap cho biết cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong do dịch COVID-19 là 26 người, cũng là con số kỷ lục ghi nhận trong ngày.

Theo Minsap, hơn một nửa số ca nhiễm ghi nhận trong 24 giờ qua là tại tỉnh miền Tây Matanzas (3.559 ca), tâm chấn mới của dịch bệnh tại đảo quốc Caribe. Ngoài ra, thủ đô La Habana đã có dấu hiệu tăng trở lại tình trạng lây nhiễm sau nhiều ngày ghi nhận các con số giảm.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại La Habana, Cuba. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý dược phẩm, thiết bị và dụng cụ y tế Cuba (CECMED) công bố đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine mang tên Abdala do chính nước này bào chế, trở thành loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được phát triển tại Mỹ Latinh.

Trước đó hồi tháng 6, Tập đoàn công nghệ sinh học và dược phẩm BioCubaFarma, đơn vị sản xuất vaccine Abdala, thông báo loại dược phẩm ngăn ngừa này đã chứng minh đạt hiệu quả 92,28% trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng với 3 mũi tiêm.

* Ngày 9/7, Bộ trưởng Y tế Malta Chris Fearne cho biết nước này sẽ cấm mọi du khách nhập cảnh vào nước này từ ngày 14/7 tới, nếu họ chưa được tiêm đầy đủ vacccine ngừa Covid-19.

Phát biểu họp báo, ông Fearne nói: "Chúng tôi sẽ là nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên làm điều này, song chúng tôi cần bảo vệ xã hội của chúng tôi". Như vậy những giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 sẽ không còn giá trị để được nhập cảnh vào nước này.

Thảo Nhi - P.V/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm