Bạo động ở Confed Cup đe dọa các sự kiện lớn trong tương lai

26/06/2013 14:57 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(lienminhbng.org) - Cả Brazil đang chìm trong làn sóng biểu tình và bạo động khi người dân nước này kịch liệt phản đối chi phí khổng lồ dành cho công tác tổ chức Confed Cup và mùa Hè sang năm là World Cup. Một câu hỏi lớn được đặt ra: liệu việc tổ chức các giải đấu lớn có đem về cho nước đăng cai lợi nhuận, hay nó lại trở thành một gánh nặng quá lớn cho chính họ?

Hàng trăm nghìn người Brazil đã đổ ra đường trong thời gian diễn ra Confed Cup 2013 để biểu tình phản đối việc chính phủ nước này lãng phí quá nhiều tiền của cho công tác tổ chức World Cup 2014, đặc biệt là chi phí xây dựng các SVĐ trong khi các dịch vụ công cộng như giáo dục, sức khỏe và giao thông dành cho người dân thì ngày một nghèo nàn. Đây được ghi nhận là cuộc biểu tình lớn nhất ở Brazil trong vòng 20 năm qua, và nó cho thấy người dân nước này đang tỏ ra bức xúc như thế nào. Thậm chí trận Bán kết giữa Brazil với Uruguay còn có nguy cơ bị hủy khi hàng trăm ngàn người sẵn sàng gây rối trước khi trận đấu này diễn ra ở Belo Horizonte.


Lực lượng cảnh sát còn đông đảo hơn cả CĐV - Ảnh Reuters

Người dân của Brazil cũng nổi giận khi chính phủ Brazil không giữ lời khi họ từng hứa hẹn rằng sẽ không sử dụng tài chính công cho việc xây dựng các SVĐ, nhưng điều ngược lại đang diễn ra. “Các SVĐ được sử dụng cho World Cup sẽ được xây dựng bằng tiền cá nhân. Sẽ không có một phần trăm nào tiền của người dân được sử dụng vào việc này”, Bộ trưởng thể thao của Brazil Orlando Silva từng nói như vậy năm 2007 khi Brazil giành quyền đăng cai World Cup 2014. Tuy vậy, do thi công chậm tiến độ, chính phủ Brazil và chính quyền các bang phải ra tay giải cứu, tất nhiên là bằng nguồn tài chính công (do người dân đóng thuế).

“Những gì đang xảy ra ở Brazil hiện nay nên là một lời cảnh báo tới FIFA và World Cup”, Simon Chadwick, giáo sư ngành marketing thể thao tại ĐH Coventry (Anh) phân tích. “Các bên cần có tầm nhìn chiến lược hơn để đảm bảo rằng World Cup trong tương lai không chỉ là một sự kiện kéo dài vài tuần mà còn là một chính sách dài hạn cho các nước đăng cai”.


Confed Cup 2013 vẫn có nguy cơ bị hoãn vì biểu tình ngày càng lan rộng

Từ những gì đang xảy ra ở Brazil, các quốc gia khác dường như không còn khao khát được tổ chức một sự kiện thể thao lớn nữa bởi những vấn đề lớn có thể phát sinh. Thụy Sĩ, một trong những quốc gia phồn thịnh nhất thế giới, đã từ chối cơ hội đăng cai Olympic mùa Đông 2022 sau khi đa số người dân ở thành phố dự kiến sẽ tổ chức sự kiện thể thao này phản đối trong các cuộc trưng cầu dân ý. Vì thế, chỉ có 5 thành phố chính thức đệ đơn đăng cai Olympic mùa Đông 2022 là Istanbul, Madrid, Tokyo, Baku và Doha.

Không giống như FIFA, LĐBĐ châu Âu (UEFA) đã nhìn ra những bất cập trong công tác tổ chức các giải đấu bóng lớn và họ đã có giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề này. Theo đó, kể từ năm 2020 , giải vô địch châu Âu (EURO) sẽ được tổ chức trên 13 thành phố trải dài trên khắp châu Âu. Mỗi thành phố sẽ tổ chức 3 hoặc 4 trận đấu. Nhờ đó, thay vì phải xây dựng vài SVĐ để tổ chức các trận đấu, mỗi nơi đăng cai chỉ cần một sân với sức chứa khoảng 30.000 người. Đây là một giải pháp mà FIFA có thể áp dụng cho các kỳ World Cup trong tương lai để tránh gặp phải những vấn đề tương tự như ở Brazil hiện nay.

V.M
Theo Reuters

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm