Hội Đền Trần - việc hành chính thành chỗ cầu quan!?

02/03/2011 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - “Qua thời gian, các hội biến đổi là chuyện bình thường nhưng làm biến dạng nó như trường hợp ở đền Trần là điều không thể chấp nhận được. Từ khởi điểm như sự bắt đầu việc hành chính năm mới, hội đền Trần đã bị biến thành chỗ cầu quan”, GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian phẫn nộ.
 
>>> Chuyên đề:  Từ sai văn hóa đến bi kịch văn hóa
 
Bất đồng với chính sử

Theo chính ngôn của trang web của báo điện tử Chính phủ, hội đền Trần được giải thích như sau: “…Dưới thời Trần, Khai ấn là nghi thức mở đầu cho một năm làm việc của bộ máy chính quyền. Tục truyền, hàng năm các vua nhà Trần mở lễ khai ấn đầu năm để thưởng công, phong tước… Sau này, người dân nơi đây tiếp tục duy trì mỹ tục này để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, đồng thời giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc…”.

Không có phản ứng từ phía Ban tổ chức hội đền Trần, những giải thích trên có thể tạm coi là quan điểm của cơ quan này.

Mua ấn ở lễ hội Đền Trần. Ảnh: Tiến Dũng
 
Về những giải thích trên, TS khảo cổ học Nguyễn Hồng Kiên cho biết: “Đọc Đại Việt sử ký toàn thư, tôi thấy nhà Trần rất quy củ trong việc phân quan phong tước. Trong bộ sử này chép rất rõ: Bính Ngọ, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 15 (1246), tháng Ba, xét duyệt các quan văn, võ trong ngoài. Cứ 15 năm một lần xét duyệt, 10 năm thăng tước một cấp, 15 năm thăng chức một bậc. Chức quan nào khuyết thì chức chánh kiêm chức phó. Chánh phó đều khuyết thì lấy quan khác tạm giữ, đợi đủ hạn xét duyệt thì bổ chức ấy”. Chính vì thế, ông Kiên đặt câu hỏi: “Năm nào cũng phong tước thì lấy đâu mà phong?”.

Cùng quan điểm với TS Kiên, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển cho biết: “Lễ Khai ấn là tục lệ cổ mở đầu ngày làm việc chính thức đầu tiên của triều đình trong một năm mới. Thời đó ta ăn Tết không chỉ trong 3, 4 ngày, mà còn tham gia lễ hội, du Xuân... kéo dài đến tận Rằm tháng Giêng. Kết thúc năm cũ là nghi lễ đóng ấn, và lễ khai ấn vào rằm tháng giêng khi triều đình chính thức trở lại với các công việc hành chính”.

“Có thể hiểu nôm na, triều đình xưa nghỉ Tết dài hơn chúng ta bây giờ”, GS Ngô Đức Thịnh nói. “Thường, cứ sau 25 tháng Chạp đóng ấn, sau đó tất cả các công việc nhà nước dừng lại. Tối 14 tháng Giêng lại khai ấn, mở ấn và công việc nhà nước lại tiếp tục. Cũng như chúng ta ngày nay vậy. Ngoài ra, lễ khai ấn còn có ý nghĩa như lễ khai canh, lễ mở cửa rừng. Nó đưa tất cả sự việc vào một trật tự”.

Ông Ngọc cũng cho biết sở dĩ nghi lễ này gắn với đền Trần bởi vùng Tức Mặc chính là kinh đô thứ hai của đất nước dưới triều Trần. Đây là nơi Thái thượng hoàng lui về nhưng vẫn tiếp tục giúp vua trẻ điều hành công việc đất nước. Lễ khai ấn tổ chức ở đây để Thái thượng hoàng - người thực sự vẫn giữ quyền hành cao nhất - chứng kiến việc bắt đầu một năm làm việc mới, cùng hy vọng nhiều thuận lợi và thành công.

Biến đổi, biến dạng và… vô duyên

Ông Ngọc - người từng nhiều lần lên tiếng về bản chất của hội đền Trần, cũng cho biết về sự biến chuyển của hội: “Từ một nghi lễ tương truyền là của triều đình, sau này lễ Khai ấn trở thành phong tục truyền thống của địa phương. Theo đó, 7 làng ở khu vực xung quanh Tức Mặc (làng Vọc, làng Lốc, làng Hậu Bồi, làng Bảo Lộc, làng Kênh, Làng Bái và làng Tức Mặc) rước kiệu các vị thần trở về tụ họp ở đền Thượng để tế các vua Trần. Nghi lễ Khai ấn được tổ chức rất trang nghiêm tại sân đền Thượng. Như thế, theo truyền thống thì chỉ có 7 làng tham gia lễ Khai ấn đền Trần, chứ không phải cả tỉnh Nam Định, càng không phải cả nước như bây giờ và không có tài liệu chính sử nào nói về sự có mặt của quan chức nhà nước trong ngày lễ hội này.”.

Ngất xỉu vì đi hội. Ảnh: Tiến Dũng
 
“Một sự kiện, một công việc hành chính bình thường đã bị biến tướng thành việc cầu quan, phục vụ cho việc thương mại hóa hội đền Trần”, GS Ngô Đức Thịnh phẫn nộ.

Ông Thịnh cũng cho biết việc chuyển hóa văn hóa không phải là chuyện hiếm gặp. Chẳng hạn, bà Chúa Kho vốn dĩ là một bà mẹ lúa, song với sự phát triển của xã hội bà đã trở thành một bà chúa của tài chính, giao thương. Hoặc giả, Thánh Gióng vốn dĩ là một ông thần Sấm của văn hóa nông nghiệp đã chuyển hóa thành ông thần chống ngoại xâm. Nhưng nếu như những biến đổi văn hóa trên được cho là hợp lý thì sự biến dạng văn hóa kiểu hội đền Trần với ông là “không thể chấp nhận được”.

“Theo tôi, quan chức đến lễ Khai ấn đền Trần có thể vì nhiều lý do, nhưng không biết trong đó có chuyện hiểu nhầm đây là lễ hội của ban chức, phong thưởng hay không? Có lẽ vì tin vào lời đồn đại đây là lễ phong chức, thưởng công nên sự có mặt của các quan chức nhà nước trong Lễ Khai ấn đã càng củng cố hi vọng của người dân về khả năng có thể xin được chức tước, có thể thăng quan tiến chức mà các vị là tấm gương chăng?”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho biết. “Tôi thấy lạ là những lễ hội bị biến tướng như thế, nhưng ngành văn hóa - du lịch lại không bày tỏ chính kiến. Còn tôi, cứ nói mãi, nói mãi thành vô duyên. Năm ngoái hội đã chen lấn như thế, năm nay tình hình xem ra còn khủng khiếp hơn. Nhìn những bức ảnh trên báo mạng chụp cảnh người vươn tay qua rào, giẫm đạp lên nhau xin ấn (hay mua ấn nhỉ) vì trong những bàn tay đang cố vươn dài ra kia có cả tiền thật nữa đấy”.

Cũng về cảnh tượng mà ông Ngọc đánh giá là thiếu văn hóa này, ngày 19/2, trả lời báo điện tử Vnexpress, ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VHTT& DL nhìn nhận một may mắn: “Không xảy ra thảm họa như ở Campuchia là may”(!). Cho dù nhiều người có thể đồng tình với ông về may mắn mới chỉ có người ngất mà chưa đến mức chết vì giẫm đạp nhưng vết thương văn hóa vẫn có thể nặng nề với những người phần xác vẫn bình an.

“Lỗi lớn nhất, theo tôi, thuộc về những cơ quan tham mưu, những người tư vấn cho các lãnh đạo. Nếu có những tư vấn chính xác, lãnh đạo sẽ quyết định đúng việc có nên đến lễ hội này hay có thể từ chối lời mời đến lễ hội kia. Đằng này, có khi chính những người tư vấn lại giải thích sai về lễ Khai ấn là lễ phong chức, phong thưởng không chừng?”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhận định.

Cơ quan có trách nhiệm phải lên tiếng

“Việc cần nhất bây giờ không phải chuyện bàn bạc xem có nên đóng ấn, phát ấn hay không. Cũng không phải chuyện bàn xem nên tổ chức thế nào cho khỏi cảnh chen lấn xô đẩy. Việc cần nhất là cơ quan có trách nhiệm phải lên tiếng về bản chất, nguồn gốc của hội đền Trần, rằng nó không hề là lễ ban chức tước như rất nhiều người đã chen chân đến xin ấn nhầm tưởng” - GS Ngô Đức Thịnh


KT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm