Cùng khám phá cầu Long Biên

09/07/2010 07:58 GMT+7 | Cầu Long Biên

(TT&VH) - Chiều qua (8/7), tại Hà Nội, báo TT&VH đã phối hợp với Ngôi nhà nghệ thuật Việt Nam phát động cuộc thi sáng tác entry với đề tài “Cầu rồng kể chuyện ngàn năm”. Cuộc thi là sự tiếp nối truyền thống của các cuộc thi viết do báo TT&VH tổ chức từ năm 2007 đến nay, và là dịp để mọi người yêu Hà Nội có thể bày tỏ tình cảm của mình với cầu Long Biên.

Chọn cầu Long Biên là “nhân vật chính”

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trương Lê Kim Hoa - Phó Tổng Biên tập báo TT&VH, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi - nhấn mạnh: “Trong khi chúng ta đang ngồi đây thì thời gian đang nhích dần đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Chỉ còn chưa đầy 100 ngày nữa là chúng ta bước vào một sự kiện ngàn năm mới có một lần. Chắc hẳn tất cả chúng ta, những người con, những cư dân đương thời của Hà Nội đều không muốn khoanh tay đứng ngoài cuộc. Ai cũng muốn làm một cái gì đó, dù rất nhỏ bé thôi để được đóng góp một phần sức lực của mình vào thành công chung của Đại lễ. Và đó chính là những cách thức riêng để mỗi chúng ta có thể thể hiện được tình yêu và sự gắn bó của mình với mảnh đất Thăng Long - Hà Nội”.


Họp báo phát động cuộc thi Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm (Ảnh: Mạnh Tuấn)
Bà Hoa cho biết, xuất phát từ những suy nghĩ ấy, báo TT&VH và Ngôi nhà Nghệ thuật đã có sáng kiến tổ chức cuộc thi sáng tác entry “Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm”. Cầu Rồng ở đây là cầu Long Biên, cây cầu đã trở thành thành một biểu tượng của Hà Nội, từng được ví như một tháp Eiffel nằm ngang trên sông Hồng.


Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc giới thiệu các tư liệu quý về cầu Long Biên (Ảnh: Minh Đức)

Cuộc thi đã vinh dự nhận được sự đồng ý tham gia chấm giải của nhiều nhà chuyên môn có uy tín và có nhiều gắn bó với Hà Nội như: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc; nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội; PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái (Trường ĐHKHXH&NV,ĐHQG HN); Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội; Đạo diễn Phạm Việt Thanh...

Với chủ đề Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm, bài dự thi có thể thể hiện mọi vấn đề xung quanh cầu Long Biên. Đó có thể là những ký ức hoặc những kỷ niệm riêng tư của chính bạn hoặc những câu chuyện mà bạn biết gắn liền với cây cầu này. Đặc biệt là những câu chuyện tình yêu gắn với không gian thơ mộng của cầu Long Biên. Đó có thể là những khám phá về lịch sử hình thành và phát triển của cây câu này trong quá khứ, cũng như khám phá vẻ đẹp và nhịp sống của nó trong ngày hôm nay. Đó còn là ước mơ của chính bạn về tương lai của cầu Long Biên trong không gian chung của sông Hồng và của Hà Nội; và đặc biệt, bạn có thể đưa ra những ý tưởng, sáng kiến cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy giá trị cầu Long Biên như một biểu tượng văn hóa của Hà Nội.


Và như thế, BTC mong muốn các bài dự thi không chỉ là những câu chuyện lịch sử trăm năm của chính cây cầu này, mà thông qua nó còn có thể kết nối được với những cảm thức lịch sử về Thăng Long - Hà Nội ngàn năm qua và ước mơ cho ngàn năm tới.

Cùng chia sẻ những kỷ niệm về cầu Rồng

Bà Nguyễn Nga - Giám đốc Ngôi nhà nghệ thuật chia sẻ : “Tôi sinh ra ở miền Bắc và rời VN từ rất sớm. Tôi sống tại Paris gần 40 năm, ngay cạnh tháp Eiffel. Năm 1989, lần đầu tiên tôi về Hà Nội. Khi tôi đạp xe đạp lên cây cầu ấy và dừng chân, tôi có cảm giác cây cầu đang rùng mình và tôi như đứng trên lưng một con rồng... Cảm giác khiến tôi thấy ấn tượng và tôi nghĩ rằng sở dĩ có cây cầu này là vì có dòng sông, và nhìn xuống dòng sông đó tôi thấy cả một cái nôi của nền văn minh đồng bằng Bắc bộ”.


Cầu Long Biên nhiều lần bị bom Mỹ đánh phá trong chiến tranh phá hoại,
nhưng đã được người Việt Nam kiên cường bảo vệ và hàn gắn
Từ góc độ nghiên cứu lịch sử, nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc hé lộ một quá khứ nhiều đau buồn xung quanh việc xây dựng cầu Long Biên thời thuộc Pháp. Ông cho biết: “Mục đích, kế hoạch làm cầu của Toàn quyền Đông Dương hồi đó là để khai thác, phát triển thuộc địa, đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân vùng Bắc Giang. Trong quá trình làm cầu, thợ Việt Nam chết rất nhiều. Quá trình xây cầu đã được ghi trong quyển sách Đông Dương kỷ niệm (bằng tiếng Pháp) của Toàn quyền Đông Dương, in năm 1903. Về cái chết của người VN khi làm cây cầu này, thì có thể tìm thấy trong cuốn Ca dao ngạn ngữ Hà Nội. Ở đó có cả một bài ghi về những người thợ VN đã hy sinh thế nào khi xuống nước làm cầu... Tôi nghĩ các bạn nên tham khảo các sách này khi viết”.

Hiểu được quá khứ đó, chúng ta càng trân quý những giá trị bồi đắp nên lịch sử cầu Long Biên bởi chính người Việt Nam chúng ta. Dù cây cầu do thực dân Pháp xây dựng với những ý đồ ban đầu là khai thác thuộc địa. Nhưng cây cầu đã được xây nhờ rất nhiều xương máu của người Việt Nam, và ngày hôm nay cây cầu này còn đứng vững là nhờ người Việt Nam đã bảo vệ, hàn gắn, sửa chữa nó trong chiến tranh cũng như trong thời bình. “Tôi nghĩ cây cầu này đã gắn với 3 đất nước: Pháp - xây dựng, Mỹ - bắn phá, và Việt Nam - hàn gắn. Với tôi cây cầu này là niềm tự hào lớn của dân tộc. Nó chứng tỏ tinh thần bất khuất của người Việt Nam, và cây cầu này mang biểu tượng của một dân tộc anh hùng” - bà Nguyễn Nga chia sẻ.

Vài nét về cuộc thi



- Cuộc thi dành cho tất cả những ai (người Việt Nam và cả người nước ngoài) quan tâm tới cầu Long Biên. Bài dự thi không hạn chế về mặt thể loại, loại hình (có thể là tác phẩm viết, ảnh, video clip) với dung lượng dưới 2.000 chữ (nếu là tác phẩm viết). Khuyến khích các tác phẩm viết dưới dạng entry (bài viết trên blog).

- Cuộc thi sẽ trao 1 giải Nhất trị giá 25 triệu đồng, 2 giải Nhì trị giá 8 triệu đồng/giải, 3 giải Ba trị giá 5 triệu đồng/ giải và 8 giải Khuyến khích trị giá 2 triệu đồng/giải. Ngoài ra, Cuộc thi còn trao 2 giải do Cộng đồng bình chọn (trị giá 2 triệu đồng/giải). Tổng số tiền thưởng là 76 triệu đồng.

- Bài dự thi gửi về địa chỉ E-mail [email protected] hoặc về báo TT&VH, 33 Lê Thánh Tông,Hà Nội. Các bài dự thi đáp ứng thể lệ cuộc thi sẽ được đăng tải trên trang web www.thethaovanhoa.vn/longbien.

- Thời gian nhận tác phẩm dự thi: từ 8/7 đến 15/9. Lễ tổng kết và trao giải vào tháng 10/2010 đúng dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.


Hoa Chanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm