13/03/2013 13:24 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Được phát hiện tình cờ sau 120 năm “phủ bụi” trong một thư viện ở Paris, bản thảo tranh màu Lục Vân Tiên đang được giới thiệu (bản chụp lại một số trang) tại triển lãm Tranh dân gian Việt Nam - Tranh bộ ba (tại IDECAF, TP.HCM) từ nay đến 6/4/2013.
Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa, giá trị của bản thảo này, TT&VH Cuối tuần có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux (Viện viễn Đông bác cổ tại TP.HCM), người đang giám sát việc nghiên cứu và phổ biến bản thảo này.
Nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux tại Phân viện EFEO ở TP.HCM. Ảnh: Văn Bảy |
Bản thảo được tác giả tặng cho viện lưu trữ từ ngày 26/5/1899, khoảng 120 năm qua, gần như chưa có ai đọc hay nghiên cứu nó. GS Phan Huy Lê và chúng tôi rất ngạc nhiên về vẻ đẹp hội họa, tính độc đáo và mức độ bảo quản hoàn hảo. Làm công việc nghiên cứu, dù cố tâm hay tình cờ, bắt gặp một văn bản như Lục Vân Tiên là niềm vui khó tả.
* Tại triển lãm lần này, công chúng Việt Nam mới chỉ được thấy bản chụp một số trang của bản thảo. Vậy cấu trúc của bản thảo như thế nào, thưa ông?
- Trang bên trái là những câu thơ của truyện Lục Vân Tiên, được viết bằng tay khá quy chuẩn và đẹp. Đây là cơ sở để các hình vẽ có tính minh họa dựa vào, đồng thời thể hiện thêm sự sáng tạo của người họa sĩ. Trang bên phải là các hình vẽ (từ 4 đến 6 hình) bao bọc khổ thơ chữ Nôm, với phong cách vẽ mới nhìn tưởng giống Trung Quốc, nhưng xem kỹ thì sẽ thấy sự Việt hóa khá nhiều. Nó mang đậm phong cách tranh dân gian Việt Nam. Cũng có những ý kiến cho rằng nó mang phong cách của tranh vẽ triều Nguyễn. Tôi chưa biết chắc về số tranh vẽ, nhưng có lẽ nhiều hơn 1.200 hình minh họa màu. Đáng chú ý nhất, đây là bản thảo viết và vẽ tay độc bản.
|
- Đến nay chúng tôi vẫn chưa thể nghiên cứu trực tiếp bản thảo này, nó vẫn còn nằm trong kho lưu trữ ở Paris. Quý 1/2012 tôi có đi xem bản thảo hai lần, chủ yếu là xin chụp vài bức hình và trình bày về việc số hóa với giám đốc thư viện. Nói như vậy để thấy đây là công việc còn mới tinh, nên mọi hiểu biết về bản thảo còn khá sơ sài và có thể có sai lạc, nên phải cần thời gian để khắc phục và trả lời cụ thể hơn.
Về tác giả, chúng tôi cũng mới biết ông ấy là một người Pháp tên Eugene Gibert, đến Việt Nam thời tuổi trẻ, trong giai đoạn khoảng 1895 và 1897. Ông này biết đến Lục Vân Tiên qua bản dịch ra Pháp văn năm 1883 của Abel des Michels. Eugene Gibert đến Huế để nhờ một họa sĩ tên là “Le dui trach” (có lẽ là Lê Duy Trạch, hoặc Lê Đức Trạch) vẽ minh họa áng thơ này. Sau 2 năm, Eugene Gibert về Pháp và quyết định tặng bản thảo này cho Viện Hàn lâm Pháp (1899); nó đã nằm im trong kho lưu trữ cho đến ngày “hồi sinh” 30/11/2011.
Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa thể trả lời, ví dụ: Eugene Gibert và “Le dui trach” là ai? Tại sao Eugene Gibert muốn vẽ minh họa tác phẩm Lục Vân Tiên mà không phải tác phẩm nào khác? Tại sao ông lại thuê một họa sĩ ở Huế mà không phải Hà Nội hay Sài Gòn?
Một trang bản thảo tranh màu Lục Vân Tiên. Ảnh: Marcus Durand
* Trong viện lưu trữ còn có nhiều văn bản đã, đang và sẽ còn nằm im, tại sao ông nghĩ bản thảo Lục Vân Tiên cần phải hồi sinh ngay lúc này?
- Khi gặp may như vậy, nhiệm vụ của người làm nghiên cứu không phải là khư khư giữ nó cho riêng mình, mà phải tìm mọi cách để phân tích, chú giải và phổ biến rộng rãi. Lục Vân Tiên là tác phẩm lớn của Việt Nam, nó lại có ý nghĩa văn hóa đặc biệt với văn hóa Nam bộ, nên chẳng có gì phải bí mật, giấu diếm.
Đặt những tranh vẽ này vào bối cảnh cuối thế kỷ 19 sẽ cắt nghĩa được rất nhiều điều, không chỉ là các vấn đề của hội họa Việt Nam.
Hơn nữa, Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) vừa mở phân viện tại TP.HCM (113 Hai Bà Trưng, Q.1), phải làm điều gì đó xứng đáng với vị trí miền Nam của mình. Tôi đã đề nghị sắp xếp vấn đề Lục Vân Tiên là ưu tiên cần nghiên cứu trong thời gian tới. Mới nhìn, chúng ta sẽ thấy đây chỉ là những trang tranh vẽ về truyện Lục Vân Tiên, nhưng nếu đặt nó vào bối cảnh cuối thế kỷ 19, sẽ cắt nghĩa được rất nhiều điều, đơn cử như tiến trình hội họa Việt Nam trước ảnh hưởng của Tây phương và Đông phương.
Sưu tầm, gìn giữ và làm giàu di sản vật chất và phi vật chất của một nền văn minh châu Á nào đó là một trong những lý do thiết yếu để EFEO tồn tại.
* Từ góc độ nghiên cứu, ông đánh giá thế nào về triển vọng khai thác bản thảo này?
- Về mặt nghiên cứu, trước hết phải số hóa tài liệu và xuất bản để nhiều người có thể tham khảo; đây cũng là nhiệm vụ của Phân viện EFEO tại TP.HCM. Sau đó, chúng tôi rất hy vọng nhiều nhà nghiên cứu khác sẽ vào cuộc để khảo sát từ nhiều góc nhìn khác nhau. Rất cần những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp về chữ Nôm, về lịch sử mỹ thuật và kỹ thuật hội họa, về văn học, về lịch sử phiên dịch văn học… để cùng nhau đánh giá chất lượng bản thảo này. Tôi chỉ có thể nói rằng: về mặt lịch sử, tài liệu này rất là thú vị để hiểu thêm về đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt cuối thế kỷ 19.
Bước đầu tiên, EFEO tìm mọi cơ hội để thông báo sự tồn tại của bản thảo này đến công chúng. Những ai có quan tâm thì xin mời đến thư viện IDECAF (TP. HCM) để xem, nếu ở xa, có thể xem tại website của EFEO (http://www.efeo. fr/base.php?code=781). Chúng tôi đang có kế hoạch đưa triển lãm này đến một vài thành phố của Việt Nam và Pháp.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất