14/07/2021 16:29 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, không chỉ làm xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với người dân trên toàn thế giới.
Chênh lệch giàu nghèo
Khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo về khả năng chống dịch đang ngày một nới rộng khi việc tiếp cận vaccine phòng COVID-19 không đồng đều giữa các nước. Theo ước tính của hãng tin AFP, hơn 32,5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm tại ít nhất 216 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại những quốc gia được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào nhóm thu nhập cao, trung bình 84 liều vaccine ngừa COVID-19 được tiêm trên 100 dân, trong khi con số này ở 29 nước thu nhập thấp nhất là 1 liều/100 dân.
Theo Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, các quốc gia giàu nhất trên thế giới phải tăng cường nỗ lực để giúp nhóm nghèo nhất thế giới chống chọi với tác động kép của đại dịch COVID-19 gồm khủng hoảng y tế và khủng hoảng kinh tế. Cảnh báo về sự chênh lệch ngày càng sâu cắc giữa các quốc gia giàu và nghèo, bà Georgieva đã kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thực hiện các biện pháp khẩn cấp giúp những nước đang phát triển theo kịp việc triển khai tiêm phòng vaccine COVID-19 và hỗ trợ vốn để khôi phục kinh tế.
Thực tế cho thấy, các quốc gia nghèo hơn đang chịu tác động kép khi vừa đứng trước nguy cơ không thể khống chế được dịch bệnh vừa mất đi những nguồn đầu tư quan trọng giúp củng cố nền móng để phát triển kinh tế. Số liệu của IMF chỉ ra tại các quốc gia châu Phi ở Nam sa mạc Sahara, tỷ lệ tiêm chủng chưa đến 1% trong khi tại các nền kinh tế phát triển, tỷ lệ này là 30%. IMF ước tính các quốc gia thu nhập thấp cần giải ngân khoảng 200 tỷ USD trong vòng 5 năm chỉ dành riêng cho việc ứng phó với đại dịch và thêm 250 tỷ USD để cải cách kinh tế để có thể bắt kịp các nước giàu.
Nạn đói thêm trầm trọng
Nạn đói trên thế giới nghiêm trọng hơn nhiều trong năm 2020 và đại dịch COVID-19 chính là yếu tố chính đến tình trạng này là khẳng định của báo cáo “Tình hình an ninh lương thực và dinh dưỡng trên toàn cầu” của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Báo cáo ước tính gần 10% dân số thế giới bị thiếu dinh dưỡng trong năm 2020. Châu Phi được đánh giá có tốc độ gia tăng nạn đói mạnh nhất với khoảng 21% người dân lục địa này bị thiếu dinh dưỡng. Về tình trạng thiếu dinh dưỡng của nhóm trẻ em, ước tính 149 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị còi cọc vì quá thấp so với độ tuổi, hơn 45 triệu trẻ em quá gầy so với chiều cao và 39 triệu trẻ bị thừa cân.
Khoảng 3 tỷ người không có chế độ ăn uống lành mạnh, phần lớn là do chi phí quá cao. Tại nhiều nơi trên thế giới, đại dịch đã gây ra những cuộc suy thoái nghiêm trọng và đe dọa đến việc tiếp cận nguồn lương thực. Trong tương lai, vẫn còn gần 660 triệu người bị đói và khoảng 30 triệu người có thể ảnh hưởng do tác động lâu dài của đại dịch.
Đe dọa khủng bố và ma túy
LHQ nhận định mặc dù đã có “bước tiến đáng kể” trong cuộc chiến chống khủng bố, song các mối đe dọa khủng bố mới đang gia tăng ở nhiều quốc gia. Các phần tử khủng bố ngày càng trở nên “đổi mới” trong một thế giới chịu tác động mạnh từ đại dịch COVID-19.
Theo LHQ, 4 thách thức chiến lược mà thế giới ngày nay đang phải đối mặt gồm: Sự cần thiết của “các phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng, bao trùm, hướng tới tương lai để xây dựng khả năng phục hồi” khi đối mặt với những tàn dư của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS) ở Iraq và Syria; các mối đe dọa khủng bố ở châu Phi; giải quyết những rủi ro xuyên quốc gia do nhiều hình thức không khoan dung khác nhau gây ra; nhu cầu nâng cấp công nghệ và bí quyết để chống lại mối đe dọa khủng bố.
Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC) cũng đồng thời cảnh báo đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng thêm vấn nạn ma túy trên toàn cầu cũng như diện tích đất trồng bất hợp pháp các loại cây chứa chất ma túy đang gia tăng đáng kể. Giới chuyên gia lo ngại rằng diện tích đất trồng bất hợp pháp các loại cây chứa chất ma túy có thể tăng lên, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đang kéo theo tình trạng thất nghiệp và nhiều vấn đề khác.
Tại quốc gia sản xuất thuốc phiện hàng đầu thế giới Afghanistan, diện tích đất trồng thuốc phiện trong năm 2020 đã tăng 37% so với năm trước đó. Sự bất bình đẳng, nghèo đói và tình trạng sức khỏe tâm thần - vốn là những yếu tố thúc đẩy việc sử dụng ma túy - cũng đang tăng lên. UNODC nêu rõ hậu quả của cuộc khủng hoảng COVID-19 đối với cuộc chiến chống ma túy trên thế giới sẽ còn kéo dài "trong nhiều năm tới".
Minh Trà/TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất