Phát huy nội lực quốc gia bằng 'sức mạnh mềm văn hóa'

25/11/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Một thông tin quan trọng: lần đầu tiên, trong Văn kiện của Đảng, thuật ngữ “sức mạnh mềm văn hóa” xuất hiện.

Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Phát triển công nghiệp văn hóa góp phần tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa và đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

Cụ thể, Văn kiện Đại hội XIII khẳng định cần phải “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”.

Chú thích ảnh
Đàn bầu là một loại nhạc cụ truyền thống độc đáo của người Việt Nam, được nhiều bạn bè quốc tế yêu thích. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã từng chơi thử nhạc cụ này trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, tháng 3/2019. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN

Phẩm giá con người Việt Nam + di sản văn hóa dân tộc = “sức mạnh mềm văn hóa”

Vậy, nếu hiểu sức mạnh mềm văn hóa quốc gia là sức hấp dẫn của các giá trị văn hóa thì sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam có những gì?

Trả lời câu hỏi này, PGS-TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam được thể hiện ở những phẩm giá của con người Việt Nam, chủ thể tạo nên hệ giá trị văn hóa quốc gia, dân tộc. Đó là những thế hệ người Việt Nam nồng nàn yêu nước nhưng hết sức nhân văn, yêu chuộng hòa bình; là anh hùng trong chiến đấu nhưng tinh tế trong ứng xử; là sáng tạo trong lao động nhưng giản dị trong lối sống; đó là tinh thần cố kết cộng đồng, là lòng khoan dung, cởi mở, giàu năng lực tiếp biến ...

Chú thích ảnh
PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Những giá trị văn hóa ấy đã gắn kết các cá nhân thành cộng đồng, tạo thành sức mạnh vật chất và tinh thần lớn lao để dân tộc Việt Nam vượt thoát khỏi những thời khắc hiểm nghèo của lịch sử cũng như những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên; từ đó cùng chung tay dựng xây đất nước, bảo vệ non sông, chia sẻ những nỗi đau trong thiên tai, địch họa, và hướng về một cơ đồ tươi sáng “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

“Ngoài ra, sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam được kết tinh trong những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng đa dạng, phong phú của 54 dân tộc cùng chung sống trên dải đất hình chữ S” - PGS Hậu nói.

Chú thích ảnh
Lễ hội làng Phù Đổng tái hiện sự tích Thánh Gióng đánh giặc Ân. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Như PGS phân tích, theo thống kê của Cục Di sản văn hoá, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có 28 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh (trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 13 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, 07 di sản tư liệu), 3.560 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (119 di tích cấp quốc gia đặc biệt), 215 bảo vật quốc gia; 364 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hệ thống di sản văn hóa phong phú này chính là những tài nguyên quý giá, là nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội và gia tăng sức mạnh mềm quốc gia”.

“Tấm thẻ căn cước để nhận diện dân tộc”

Đứng trước yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn cả nước tập trung thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, theo bà Hậu cần chú ý các vấn đề như, cần thể chế hóa quan điểm của Đảng thành các chính sách, các kế hoạch hành động cụ thể.

Chú thích ảnh
Ca trù là một trong những loại hình âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Đây là môn nghệ thuật dân gian đang được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Ảnh: Nhật Anh-TTXVN

“Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn khẳng định tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa. Văn kiện của Đảng đã nhất quán khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển. Văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, là động lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng trong phát triển đất nước. Văn hóa là sức mạnh mềm quốc gia” - bà Hậu nhấn mạnh - “Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để các chủ trương, quan điểm hết sức khoa học và đúng đắn đó đi vào trong cuộc sống. Quan điểm “phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam” của Đại hội lần thứ XIII của Đảng phải được chuyển hóa vào trong các chiến lược phát triển, từ các chiến lược văn hóa đến các chiến lược ngoại giao và các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội khác”.

Bên cạnh đó, theo người đứng đầu Viện Văn hóa và Phát triển, cần xác định rõ những tài nguyên nào có khả năng chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, nghệ nhân, sản phẩm văn hóa …. chính là các nguồn lực văn hóa có khả năng tạo nên sức mạnh mềm văn hóa quốc gia. Để phát huy hiệu quả các nguồn lực này, cần đặc biệt chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Chú thích ảnh
Lễ hội Áo dài với chủ đề “Áo dài trên con đường di sản” góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh trang phục áo dài của Việt Nam. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Như lời PGS Hậu, hệ thống di sản văn hóa mà chúng ta đang sở hữu hôm nay chính là kết tinh trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu của lớp lớp cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước. Hệ thống di sản văn hóa ấy phản ánh chiều sâu tâm hồn của dân tộc, tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam - tấm thẻ căn cước để nhận diện dân tộc này trong hành trình hội nhập quốc tế. Thông qua việc quảng bá giá trị di sản văn hóa dân tộc, bạn bè quốc tế hiểu hơn về vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam. Bảo tồn và phát huy tốt hệ thống di sản văn hóa sẽ hướng tới mục tiêu kép: vừa làm gia tăng sức sống cho các giá trị văn hóa dân tộc vừa góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, làm nên sức hấp dẫn Việt Nam.

Cuối cùng, bà Hậu cho rằng, cần tiếp tục đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Công nghiệp văn hóa là biểu hiện tập trung của mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa kinh tế và văn hóa. Việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa từ khi có Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (năm 2016) đến nay đã có những chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, quảng cáo, giải trí kỹ thuật số, phần mềm trò chơi điện tử, … đều đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa khi ra khỏi biên giới quốc gia sẽ không chỉ đơn thuần là những hàng hóa văn hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mà còn là đại sứ thương hiệu quốc gia. Chính vì vậy, cần có các kế hoạch hết sức cụ thể và thiết thực để nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp văn hóa, từ mẫu mã đến nội dung, và đặc biệt lưu ý khả năng chuyển tải tinh thần văn hóa, giá trị văn hóa Việt Nam của các sản phẩm đó.

Chú thích ảnh
Dân ca Quan họ Bắc Ninh - loại hình nghệ thuật được coi là cốt lõi của văn hóa xứ Kinh Bắc ngàn năm văn hiến đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: TTXVN

“Văn hóa là một lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong sự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân, sự vững chắc của mỗi cộng đồng và rộng hơn là sự phát triển của mỗi quốc gia. Sẽ không thể có một sự phát triển nhanh và bền vững nếu không phát huy được nội lực của chính quốc gia đó” – PGS-TS Vũ Thị Phương Hậu kết luận – “Mà nội lực quan trọng nhất của mỗi một quốc gia chính là con người, là những sáng tạo của con người quốc gia đó. Phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay”.

Cần chú trọng phát triển du lịch văn hóa

Thực tế, du lịch chính là cách thức, là con đường để phát huy sức mạnh mềm văn hóa mà nhiều quốc gia đang lựa chọn để đầu tư, phát triển. Du lịch văn hóa mang lại những trải nghiệm hết sức sinh động cho du khách về những nét văn hóa đặc sắc của một cộng đồng, một địa phương, một quốc gia. Nó không chỉ mang lại nguồn thu cho các địa phương, giải quyết công ăn việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tái đầu tư cho bảo tồn các di sản văn hóa mà còn góp phần rất quan trọng trong xây dựng tình cảm, niềm tin đối với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.

Chính vì vậy, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để có thể chuyển tải được tối đa hàm lượng văn hóa vào trong các sản phẩm du lịch. Đồng thời, cần đầu tư để đa dạng hóa các loại hình du lịch và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, cũng như làm tốt hơn nữa công tác quảng bá du lịch trong việc xây dựng hình ảnh Việt Nam - điểm đến thân thiện, hấp dẫn và an toàn.

Phạm Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm