01/12/2016 06:44 GMT+7
(lienminhbng.org) - Theo Nghị định mới của Chính phủ, từ tháng 2/2017, mức phạt đối với hành vi tiểu tiện, vứt tàn thuốc lá không đúng nơi quy định sẽ tăng gấp nhiều lần so với trước đây, lên tới từ 1 đến 3 triệu đồng.
Thậm chí, riêng với nạn tiểu tiện bừa bãi nơi công cộng, chúng ta đã có hẳn một cách chơi chữ - khi mượn một khái niệm của ngành y để gọi đó là căn bệnh "đái đường".
Quả thực, trong cộng đồng, vẫn khá phổ biến cách nghĩ chỉ cần nhà mình sạch, còn ngoài đường hay nơi công cộng bẩn là việc của... ai đó. Ví như ở Thủ đô, hàng loạt sông, hồ thành thùng rác khổng lồ khi mặt nước trở thành môi trường lý tưởng để che giấu những bẩn thỉu, cặn bã một cách dễ dàng.
Tiểu tiện, vứt tàn thuốc lá không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng. Ảnh: Internet
Gần đây nhất, vào một ngày đẹp trời, ở hồ Linh Đàm, người ta mới ngỡ ngàng chứng kiến rác rưởi nhạy cảm như bao cao su, băng vệ sinh bất ngờ nổi lên, lều phều trắng một góc mặt hồ.
Nhưng tính hiệu lực của quy định xử phạt vẫn là điều cần bàn thêm. Bởi việc phạt những người tiểu bậy, hay "đái đường: này vốn đã có từ lâu. Nhưng thực tế, giống như Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhiều người vẫn hút thuốc lá tại nơi công cộng, công sở nhưng rất ít người bị phạt. Quy định vẫn chỉ để tuyên truyền là chính.
***
Ở Hà Nội, trung tâm văn hóa ngàn năm của cả nước, cảnh “đái đường” cũng không hề hiếm gặp. Thậm chí, một cách mặc định, hình ảnh ấy gắn với những khu vực như cạnh bến xe hay góc chợ, trong cách nghĩ của nhiều người.
Vậy nhưng, việc xử phạt người tiểu bậy đến nay là khá hiếm hoi. Gây rúng động nhất là vụ một người đàn ông vạch quần tè bậy giữa thanh thiên bạch nhật tại trung tâm thủ đô... Trong lúc chờ đèn tín hiệu, với bộ vest đen bảnh bao, ông ta ra khỏi ôtô và thoải mái tè vào dải phân cách cứng giữa hai làn xe, giữa lúc dòng người qua lại đông kín.
Vụ việc được “hồi tố” sau khi hình ảnh phản cảm được tung lên mạng xã hội. Từ hình ảnh và biển số xe ôtô được người đi đường ghi lại, cảnh sát giao thông Hà Nội tìm ra chủ xe và người đàn ông mặc vest đen được xác định. Làm việc với nhà chức trách, ông "nhận tội" rằng trên đường có đề nghị bạn dừng xe để đi ra “giải quyết”, nhưng không tìm được chỗ.
Dù ý thức của người đàn ông kia thuộc loại “kinh khủng” nhưng cũng phải thừa nhận, nhiều khi ở Hà Nội, đang đi đường gặp chuyện, lại khó tìm nhà vệ sinh công cộng thì chỉ còn nước... úp mặt vào tường hoặc cố nhịn..
***
Rõ ràng, việc tăng mức phạt chỉ là phần ngọn của vấn đề. Để giải quyết tận gốc, cần làm rốt ráo hai điều. Thứ nhất là tạo “đầu ra” cho những người có nhu cầu. Thứ hai là tăng cường giáo dục ý thức cho cộng đồng.
Thực tế, thành phố đã rất nỗ lực để có được những khu nhà vệ sinh sạch đẹp cho người dân. Nhưng trong cảnh cả chục triệu người chen chúc trong một thành phố, số lượng nhà vệ sinh đủ để đáp ứng được "nhu cầu" giải quyết của người dân còn ở thì tương lai. Không ít tuyến phố tìm mỏi mắt không thấy nơi "giải quyết"- bởi không phải chỗ nào cũng có trung tâm thương mại, hay có một nhà vệ sinh công cộng để chúng ta "xử lý" một cách văn minh.
Còn việc tăng cường giáo dục ý thức? Vẫn có một thực tế: ngay trong chính nhà trường, việc này cũng còn nhiều tồn tại. Như trong Hội nghị Tổng kết năm học 2015 - 2016 của ngành giáo dục, chính Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải yêu cầu các trường từ nay đến năm học 2017 - 2018 phải hoàn thành khu vệ sinh cho trẻ.
Chủ tịch Thành phố đã nói rằng: “Rất nhiều phụ huynh, học sinh nói với tôi, con đến trường nhịn đi tiểu từ sáng đến trưa. Vì sao lại như vậy? Vì bẩn quá. Do đó, buộc các trường phải có khu vệ sinh và nước sạch cho các cháu”.
Việc để người Việt ta đi tiểu đúng lúc đúng chỗ còn xa lắm. Còn không thì phải nhịn. Mặc dù, là nhu cầu sinh lý, không phải ai cũng nhịn được và nhịn không phải bao giờ cũng tốt.
Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất