25/12/2024 16:25 GMT+7 | Văn hoá
Bên cạnh những kết quả tích cực, đáng ghi nhận, như trong kỳ 1 đã nêu, hoạt động điện ảnh Việt Nam theo nhiều chuyên gia thì còn gặp phải một số hạn chế và "điểm nghẽn". Điều này có thể nhận thấy ở cả giai đoạn tiền kỳ, hậu kỳ và cả thị trường của một tác phẩm điện ảnh.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức vừa qua cũng đã đề ra một vài giải pháp khả thi cho các "điểm nghẽn".
Nội lực chưa đủ mạnh
TS Ngô Phương Lan (Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương), tại Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, đã nêu rõ: "Mục tiêu để xây dựng công nghiệp điện ảnh là sản xuất nhiều tác phẩm điện ảnh có chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của khán giả và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cần phát triển hài hòa các dòng phim: Phim phục vụ nhiệm vụ chính trị do Nhà nước đặt hàng, dòng phim giải trí - thương mại từ nguồn xã hội hóa và dòng phim nghệ thuật được tài trợ từ các quỹ điện ảnh".
"Để xây dựng công nghiệp điện ảnh, cũng cần phát triển một mảng khá quan trọng là phim hợp tác với nước ngoài. Xu thế trên thế giới là một bộ phim có nhiều quốc tịch, có nghĩa nhiều nền điện ảnh hợp tác/đồng sản xuất. Ở Việt Nam chưa phát triển mảng phim này, điều này cũng làm chậm quá trình phát triển của công nghiệp điện ảnh".
TS Ngô Phương Lan đưa ra con số rằng, hệ thống rạp chiếu phim ở Việt Nam phát triển bùng nổ, nhất là từ khi công nghệ chiếu phim chuyển hẳn từ phim nhựa 35 ly sang kỹ thuật số, nhưng nguyên nhân không phải do việc thay đổi công nghệ chiếu phim, mà do các công ty nước ngoài như CJ CGV và Lotte Cinema (đều của Hàn Quốc) đầu tư vào việc trang bị rạp chiếu phim tại hầu khắp các tỉnh thành và tập trung lớn nhất ở TP.HCM, Hà Nội.
Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam chiếm hơn 70% tỷ lệ rạp chiếu phim và thị phần, cụ thể CJ CGV chiếm tỷ lệ khoảng hơn 40%, Lotte Cinema hơn 20%. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 35%, trong đó có 2 công ty lớn là Galaxy (Galaxy Cinema) và BHD (BHD Star Cineplex). Về rạp chiếu phim của Nhà nước, hiện chỉ còn Trung tâm Chiếu phim quốc gia ở Hà Nội là hoạt động tốt, còn hệ thống rạp chiếu phim ở hầu hết các địa phương (trừ một số tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Lâm Đồng...) chưa được tái trang bị các phòng chiếu phim đạt chuẩn kỹ thuật, nên hoạt động kém hiệu quả.
Mặc dù thị trường điện ảnh phát triển mạnh, nhưng thị phần chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài và phần lớn doanh thu từ phim nhập khẩu (chiếm khoảng hơn 70% tổng doanh số). Nội lực của điện ảnh Việt Nam chưa mạnh, thị phần phim Việt mới chiếm gần 30%.
Phim nước ngoài chiếm lĩnh phần lớn thị phần chiếu phim tại Việt Nam là một sự bất cập lớn, mà nguyên nhân sâu xa là khi ký kết Hiệp định thương mại của WTO, Việt Nam đã cam kết không quy định hạn ngạch phim nhập. Phim nước ngoài áp đảo phim Việt về tỷ lệ phim ra rạp. Hàng năm, khoảng 40 phim Việt Nam phải "đương đầu" với khoảng 200 phim ngoại nhập. "Điều này dẫn đến tâm lý chuộng phim ngoại, nhất là đối với khán giả chủ lực của các rạp chiếu phim ở độ tuổi từ 16 - 25. Tâm lý này sẽ ảnh hưởng lớn đến giáo dục và thẩm mỹ của thế hệ trẻ" - theo TS Ngô Phương Lan.
TS Đỗ Quốc Việt (Phó cục trưởng Cục Điện ảnh) cũng cho rằng, hiện nay, cơ chế, chính sách khuyến khích cho hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực điện ảnh còn chưa được chú trọng. Ngoài ra, việc chưa đạt các chỉ tiêu về đầu tư trang bị kỹ thuật, đặt hàng sản xuất phim, đào tạo điện ảnh theo mục tiêu chiến lược và quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do một số thay đổi trong chính sách quản lý, đặc biệt là thiếu vốn ngân sách, cũng khiến điện ảnh gặp nhiều khó khăn.
"Bên cạnh đó, hệ thống các rạp chiếu phim do địa phương quản lý và khai thác sử dụng không được đầu tư kinh phí để nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật nên ảnh hưởng đến việc tiếp cận các bộ phim mới có sử dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Chính sách về đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động điện ảnh chưa thu hút được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Công tác lý luận phê bình với lực lượng nhà nghiên cứu chuyên sâu mỏng, mai một dần, chưa tạo được sức lan tỏa trong đời sống xã hội... Do vậy, phim Việt Nam hoàn toàn yếu thế trong thế giới tràn ngập thông tin" - TS Đỗ Quốc Việt nhấn mạnh trong tham luận.
TS Đỗ Quốc Việt còn chỉ ra một thực tế: "Mục tiêu xây dựng trường quay tại thành phố Hà Nội và TP.HCM khoảng từ 100 đến 150ha, tại thành phố Đà Nẵng khoảng 50 đến 70ha vẫn chưa được thực hiện. Hiện tại, chỉ có Trường quay Cổ Loa (đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch 15,7ha để xây dựng và mở rộng. Tuy nhiên, dự án mới dừng lại ở giai đoạn 1 với khoảng 400m2 trường quay, nhưng thiếu hệ thống ánh sáng và các thiết bị kỹ thuật đồng bộ phục vụ việc quay phim trong trường quay. Trong khi đó, ở khu vực kinh tế tư nhân, cả nước hiện có khoảng 50 trường quay, nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ, thiếu đồng bộ, chưa được đầu tư công nghệ cao, chủ yếu cung cấp dịch vụ cho các hoạt động quy mô nhỏ và vừa như làm phim truyền hình, video ca nhạc, sân khấu…".
Hàng năm, khoảng 40 phim Việt Nam phải "đương đầu" với khoảng 200 phim ngoại nhập. Điều này dẫn đến tâm lý chuộng phim ngoại, nhất là đối với khán giả chủ lực của các rạp chiếu phim ở độ tuổi từ 16 - 25.
Quảng bá và vấn đề bản quyền còn bất cập
Trong công nghiệp điện ảnh, việc quảng bá, tiếp thị tác phẩm điện ảnh - bộ phim cũng quan trọng không kém việc sáng tạo và sản xuất ra nó. Thông thường, kinh phí quảng bá cho một bộ phim rạp ở các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển chiếm tối thiểu 1/3 kinh phí sản xuất, thậm chí có trường hợp lên đến 1/2.
Ở Việt Nam, các phim thuộc dòng giải trí - thương mại của các hãng phim tư nhân cũng có kinh phí quảng bá tiền tỷ. Tuy nhiên, theo TS Ngô Phương Lan, với các phim Nhà nước đặt hàng, hiện còn bất cập là chỉ có kinh phí sản xuất mà chưa có kinh phí quảng bá. Bởi vậy, phim đặt hàng rất khó đến với người xem.
TS Ngô Phương Lan dẫn chứng: "Trường hợp phim Đào, phở và piano tạo được cơn sốt phòng vé một phần là nhờ "ăn may". Hãng phim và cơ quan quản lý quyết định đưa phim ra rạp vào đúng mồng 1 Tết mà không hề có "chút quảng bá" nào. Cả tuần, phim chỉ bán được một vài chục vé cho đến trên dưới trăm vé/ngày, với số tiền thu được vài triệu đồng! Chỉ đến khi một TikToker đưa hình ảnh và bình luận về phim lên mạng, không ngờ "viral" khủng khiếp, tạo hiệu ứng mạnh chưa từng thấy! Đến ngày chiếu thứ 10, khi "cơn sốt" đã lan rộng, mới xuất hiện trailer - điều mà các nhà sản xuất và phát hành tư nhân phải làm nhiều tháng trước khi đưa phim ra rạp! Nhờ hiệu ứng quảng bá "ăn may" đó mà Đào, phở và piano tạo một hiện tượng lạ đối với dòng phim đề tài chiến tranh cách mạng do Nhà nước đặt hàng. Điều đáng mừng là "cơn sốt" này đem lại niềm tin là khán giả, nhất là khán giả trẻ vốn được cho là chỉ thích phim giải trí tầm phào, không quay lưng với lịch sử, không xa lánh phim chiến tranh cách mạng, mà ngược lại, sự nhiệt tình và hưởng ứng của họ có thể được khơi dậy mạnh mẽ ngoài sức tưởng tượng".
PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú (Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam) thì cho rằng việc sử dụng tư liệu của nhau còn tương đối nhiều, thực trạng vấn đề bản quyền ở ta còn bị coi nhẹ, chưa phát huy hết tác dụng. Trong công tác kỹ thuật, việc in, sao chép, lưu trữ còn gặp rất nhiều vấn đề về bảo mật. Các văn bản pháp lý về bản quyền cần theo kịp tốc độ phát triển của điện ảnh, bởi hiện nay Nhà nước vẫn chưa cho kết hợp kinh phí từ ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa để làm phim, vì chưa có văn bản rõ ràng về bản quyền, lợi ích của 2 bên.
Hiện nay, cũng theo PGS Hùng Tú, vấn đề khai thác và bảo vệ bản quyền trong nền công nghiệp điện ảnh cần được hiểu, làm cho đúng với pháp luật quy định là cả một vấn đề to lớn, cần được phổ biến sâu rộng trong cộng đồng xã hội.
(Còn tiếp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất