12/10/2016 06:55 GMT+7
(lienminhbng.org) - Tôi đã xem rất kĩ clip đang lan truyền trên mạng về việc một cán bộ cao cấp của Bộ Y tế tham dự “hầu đồng”. Rồi theo dõi cả những phản ứng gay gắt của dư luận trước thông tin trên, cũng như lời phủ nhận quyết liệt của người trong cuộc.
Và nếu có gì để bình luận về độ chính xác của thông tin ấy, thì lời khẳng định đầu tiên có thể đưa ra: những cáo buộc đang đặt ra đã có phần thiếu hợp lý ngay ở xuất phát điểm ban đầu.Bởi nghi thức được thực hành trong clip ấy hoàn toàn không có gì trùng khớp với khái niệm “hầu đồng” mà chúng ta thường sử dụng. Không cần tới sự phân tích của những chuyên gia về văn hóa và di sản, bất cứ ai đã từng một lần có dịp tham dự các buổi hầu đồng cũng đủ sức phân biệt sự khác nhau ấy.
Thậm chí, nếu phải đưa ra quan điểm, rõ ràng nghi thức được thực hành trong clip ấy có màu sắc của Đạo giáo – dòng tôn giáo đã vào Việt Nam từ khá sớm và dần bén rễ tại khá nhiều ngôi chùa của Phật giáo, theo lý thuyết “tam giáo đồng nguyên”.
Ở đây, người viết chưa muốn bàn tới chuyện phải trái, đúng sai trong việc tham gia hành lễ của vị cán bộ đang được dư luận nhắc tới. Bởi, đó là vấn đề cần được đặt trong những cảnh huống cụ thể và xét theo những hệ quy chiếu cụ thể. Nhưng rõ ràng, dư luận đang ngày càng đưa cuộc tranh cãi về vấn đề này chệch ra xa so với bản chất sự việc, khi mải phân tích những mặt khác nhau của chuyện… hầu đồng.
Cuốn sách ảnh “Hầu đồng - The spirit mediums of Vietnam” của Tewfic El-Sawy
Đáng nói, câu chuyện trên diễn ra đúng vào thời điểm chỉ còn vài tháng nữa, UNESCO sẽ có quyết định chính thức về việc xét danh hiệu Di sản Thế giới cho Tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam. Và cũng cần nhắc lại, hầu đồng chính là diễn xướng trung tâm, đóng vai trò hạt nhân của dòng tín ngưỡng ấy.
Như giải thích của các chuyên gia trong quá trình lập hồ sơ, tín ngưỡng thờ Mẫu đã hình thành tại Việt Nam từ rất lâu và gắn với hàng chục hình tượng người phụ nữ là nhân vật lịch sử, hoặc được lịch sử hóa như Thánh mẫu Liễu Hạnh, Quốc mẫu Âu Cơ, Vương Mẫu (tương truyền là người mẹ của Thánh Gióng) hay Linh Sơn Thánh mẫu.
Thậm chí, GS Tô Ngọc Thanh từng kể rằng trong một cuộc hội thảo tại Mỹ, cử tọa đã đồng loạt vỗ tay và dành những lời tích cực cho chuyện “đi trước thời đại” của Việt Nam, khi ông thuyết trình về việc tín ngưỡng thờ Mẫu từ xa xưa đã đề cao người mẹ, tôn vinh bà mẹ thiên nhiên sáng tạo ra muôn loài.
Vậy nhưng, bên cạnh sự nhân văn ấy, nhiều chuyên gia lại vẫn bày tỏ sự băn khoăn và dè dặt trước việc Tín ngưỡng thờ Mẫu có khả năng trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể vào cuối năm 2016 này. Bởi trong quá khứ, đã có một thời gian dài, tín ngưỡng thờ Mẫu bị cấm thực hành, do những biến tướng nảy sinh “ăn theo” hầu đồng, diễn xướng hạt nhân của nó.
Và ở thời điểm hiện tại, ngay bản thân những chuyên gia hàng đầu về tín ngưỡng thờ Mẫu cũng thừa nhận: di sản này đang chênh vênh ở tình trạng “lệch chuẩn” khi rất đông trong số những ông đồng, bà đồng lại chưa hề hiểu đúng, hiểu đủ về bản chất của hệ thống giá trị đi kèm.
Nói cách khác, người ta chỉ say sưa với…hầu đồng đơn thuần, và nhìn nó với tâm lý thực dụng, như một nghi thức cầu cúng để mang về tài lộc. Sự đứt gãy của việc thực hành đạo Mẫu trong quá khứ, cũng như tâm lý nóng vội, muốn tìm tới những vấn đề về đức tin (nhưng lại chưa được chuẩn bị kiến thức đầy đủ) của nhiều cá nhân trong nhịp sống hiện đại được xem là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Bởi thế, bên cạnh những hi vọng rằng nếu được vinh danh ở cấp thế giới, tín ngưỡng thờ mẫu (và hầu đồng) sẽ đi vào khuôn khổ vì được dư luận chú ý, thì một số chuyên gia cũng tỏ ý lo lắng: khi được tôn vinh, rất có thể những biến tướng của hầu đồng sẽ tăng theo cấp số nhân?
Ít nhất,với những tranh cãi sai lệch, thiếu hiểu biết về clip “hầu đồng” vừa rồi, cũng như những phản ứng khi nghe tới chuyện “hầu đồng” của một cán bộ nhà nước, chúng ta cũng thấy rõ: hầu đồng và tín ngưỡng thờ mẫu sẽ còn rất nhiều vấn đề cần… giải quyết, để đạt được sự đồng thuận chung của xã hội. “Phép thử” qua vụ việc ấy cũng giống như một bài kiểm tra mà hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu đã không vượt qua.
Anh Bảo
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất