13/03/2016 07:13 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Lẽ ra họ có thể giàu nứt đố đổ vách. Hoặc nổi tiếng. Hoặc cả hai. Nhưng có vẻ như số phận không mỉm cười với tất cả, hoặc không phải ai đứng trước cơ may cũng nhanh tay tóm lấy.
Ông toát mồ hôi
… và cả thấy tức thở vì sợ. Michael Collins nhìn theo hai đồng đội đang trôi vào bóng tối và mấp máy gọi vào điện đài: “Kìa, nói gì đi chứ!” Cả nhóm luyện tập mấy năm trời để chuẩn bị cho khoảnh khắc này, nhưng người ta chuẩn bị ra sao để đón chờ cái không thể hình dung ra được?
Mấy phút sau, cơ trưởng Collins không còn nghe tiếng động nào nữa trong buồng lái của tàu vũ trụ Columbia. Trong không khí im lặng chết chóc, ông ghi vào nhật ký: “Tôi toát mồ hôi vì bị kích động như một cô dâu trẻ.” Collins cô đơn như chưa từng ai cô đơn như thế. Bây giờ thì ông không cần đợi trả lời nữa, vì ở nửa tối phía sau của mặt trăng không có sóng điện đài.
Michael Collins sinh ra ở Rome, lớn lên ở Oklahoma, New York, Puerto Rico, Texas và Virginia. Lúc này ông ở cách xa những địa danh trên chừng 400.000 km cộng với đường kính mặt trăng. Sau chuyến bay này ông đi vào lịch sử chinh phục vũ trụ với nhiều tên khác nhau: “Người thứ ba vô hình”, “Phi hành gia bị lãng quên” v.v. trong khi các đồng đội của ông tắm trong vinh quang.
Vào ngày 20/7/1969 ấy, ở phía nửa sáng của mặt trăng, Neil Armstrong và Edwin Aldrin trở thành hai người đầu tiên đặt chân lên hành tinh hoang vu, những bước đi lẫm chẫm của họ được một tỉ người dưới đất trầm trồ theo dõi, không ai biết là Michael Collins ở gần sự kiện đó hơn bất cứ người nào khác.
Nhưng ông không nhìn thấy và không nghe được gì. Để giữ bình tĩnh, ông ghi tiếp nhật ký: “Nỗi sợ của tôi trong sáu tháng qua là phải bỏ hai người ở lại và quay về trái đất một mình. Nếu vậy thì tôi là người bị đóng dấu lửa lên trán cho đến hết đời”.
Linh tính của Collins không hề sai: khi vào được quỹ đạo Mặt trăng, Armstrong và Aldrin rời tàu mẹ trên khoang hạ cánh “Eagle” trong khi cơ trưởng Collins bay vòng quanh để đợi. Chuyến hạ cánh của “Eagle” là cuộc chạy đua với đồng hồ. Vì trục trặc kỹ thuật, liên lạc kém và vô ý thay đổi đường bay nên Armstrong phải lái bằng tay ở đoạn cuối. Khi “Eagle” chạm đất, trong khoang chỉ còn dư nhiên liệu cho 17 giây!
Tổng thống Richard Nixon
… đã chuẩn bị sẵn bài diễn văn “Phương án B” cho trường hợp sứ mệnh thất bại, với đoạn mở đầu như sau: “Số phận đã ra lệnh rằng những người lên thám hiểm mặt trăng với mục đích hòa bình sẽ tìm thấy sự yên bình của mình trên đó. Người hùng Neil Armstrong và Edwin Aldrin biết là không thể trông chờ giải cứu, nhưng họ cũng biết là trong sự hy sinh của họ chứa hy vọng cho cả loài người.”
Armstrong và Aldrin đã là người hùng trước khi rời bệ phóng. Nixon gửi điện chúc mừng họ lên tận mặt trăng, và quên bẵng Collins! Khi cả ba về đến trái đất, Armstrong và Aldrin trở thành huyền thoại, vì Collins đã không bỏ lại họ trên đó như chính ông từng lo. Ông đón họ về, và dường như ông mới chính là người bị bỏ lại trong quên lãng.
Michael Collins là ví dụ điển hình cho vai diễn phụ trong các sự kiện chấn động thế giới, trong các khoảnh khắc lớn của lịch sử chính trị, kinh tế và văn hoá.
Ông đứng trong cùng danh mục với nhà phát minh Elisha Grey, người nộp bằng phát minh chậm đúng hai tiếng, và hôm nay nhắc đến điện thoại người ta chỉ biết mỗi mình Alexander Graham Bell. Hay Jason Everman, cây guitar của hai ban nhạc Nirvana và Soundgarden huyền thoại, nhưng vì đi nghĩa vụ quân sự nên hôm nay chẳng được ai biết đến nữa.
Hay Ron Wayne: 1976 ông cùng Steve Jobs và Steves Wozniak sáng lập công ty máy tính Apple rồi bán cổ phần của mình cho hai bạn sau 12 (!) ngày với giá 800 USD. 10 phần trăm cổ phần ấy hôm nay sẽ biến ông thành tỉ phú, nhưng ai cầm iPhone trong tay mà còn biết đến tên Ron Wayne? Hay Jacob Davis, người có sáng kiến dập đinh tán vào những chỗ dễ bục của quần bò hồi 1870 nhưng không đủ 68 USD lệ phí đăng ký bản quyền. Ông nhờ một nhà buôn vải hàng xóm đứng tên. Levi Strauss không đợi mời hai lần, và hôm nay quần bò nổi tiếng nhất có tên Levis chứ không phải Davis…
Gần một thế kỷ sau
… các phi hành gia trên tàu Apollo 11 tạo ra đỉnh cao của sự nghiệp du hành vũ trụ có người lái. Chiều 24/7/1969 khoang đỗ của tàu Columbia với Armstrong, Aldrin và Collins đáp xuống Thái Bình Dương và được tàu thủy USS Hornet vớt lên, và trong phòng cách ly họ được tổng thống Nixon đón chào nồng nhiệt.
Người ta chóng quên Collins, ngày ấy tròn 38 tuổi, vì tên ông hầu như không được nêu lên ở đâu. Collins chia tay với sự nghiệp du hành vũ trụ và bỏ lỡ dịp được phóng lên mặt trăng trong chuyến sau. Ông giữ ghế quốc vụ khanh Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, sau đó làm giám đốc Bảo tàng hàng không và vũ trụ quốc gia. Năm 1985 ông lập một công ty tư vấn và sống một cuộc đời rất thầm lặng.
Cho đến tận hôm nay, “Phi hành gia bị lãng quên” đánh giá sự kiện khiến cả thế giới đứng tim hồi 1969 một cách khiêm nhường: “Chúng tôi đã làm việc cật lực, đẩy chất lượng công việc đến gần mức hoàn hảo tuyệt đối. Nhưng đó là lý do để người ta tuyển dụng chúng tôi”. Người ngoài nhìn vào có thể cho rằng Collins không xứng đáng bị đối xử như thế, song thực tế là Collins đã tìm thấy sự bình yên của mình sau chuyến đưa các bạn lên mặt trăng và đón về.
Cũng có thể có một lý do mà ông không bao giờ nói ra: Collins phải chứng kiến Armstrong khốn khổ với vị thế được tôn vinh ngất trời ra sao, cho đến tận khi qua đời năm 2012, và Aldrin không bước được một bước ra khỏi nhà mà không bị mọi người vây chặt, ông trốn tránh sự “vinh quang” ấy bằng cách kết bạn với rượu.
“Tôi biết, tôi sẽ là kẻ dối trá hoặc ngu xuẩn khi cả quyết là có chỗ ngồi tốt nhất trong ba chỗ trên tàu Apollo 11”, Collins có lần tâm sự. “Nhưng tôi có thể nói thật là tôi hài lòng với chỗ của tôi".
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất