19/01/2015 13:47 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Không ai phủ nhận tính tích cực trong việc di dời những con sư tử đá có nguồn gốc ngoại lai ra khỏi nơi thờ tự. Nhưng phía sau cuộc “dẹp loạn” hào hứng ấy, chúng ta đang phải giải quyết những vấn đề gì? Và xa hơn, chừng đó đã đủ để giải quyết tận gốc câu chuyện mà dư luận gọi bằng cụm từ “xâm lăng văn hóa”?
Được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm 2014, việc di dời sư tử đá ngoại lai được ngành quản lý triển khai từ 6 tháng trước. Và, bên lề cuộc họp sơ kết của Bộ VH,TT&DL về vấn đề này, Thể thao & Văn hóa Cuối tuần có cuộc trao đổi với PGS Trần Lâm Biền, người có gần nửa thế kỷ nghiên cứu về di tích và tín ngưỡng tâm linh.
* Hàng trăm sư tử đá được di dời khỏi các đền chùa. Hàng ngàn sư tử đá chưa kịp xuất xưởng đang ùn tắc tại các kho - trong đó chỉ riêng làng đá Non Nước (Đà Nẵng) đã có tới 4.500 con đang... ế. Ông nghĩ sao trước những tranh luận về việc xử lý đàn sư tử này?
- Với những sư tử đã di dời khỏi đền chùa, tôi chỉ tán thành một giải pháp duy nhất: đập bỏ! Chúng ta đừng bàn theo cách tiếc rẻ, mang bày công viên để trẻ con cưỡi hay nhìn ngắm, nhớ về một thời ấu trĩ. Mỗi địa phương gom về một chỗ , biết đâu tới một thời điểm nào đó, lãnh đạo nơi ấy lại không nắm được vấn đề, lại nghe những ý kiến về sự giao lưu văn hóa rồi cho phép “thả” chúng ra.
Những sư tử còn nằm trong xưởng, chúng ta đừng quan tâm quá mà hãy để chủ nhân của nó tự tìm hướng giải quyết. Sự thật, việc đầu cơ tổ chức sản xuất sư tử đá ngoại lai với số lượng lớn để đưa ra thị trường thường đến từ một số cá nhân kinh doanh, chứ các thợ làm trực tiếp vẫn được trả công đầy đủ. Bây giờ, như các nhà điêu khắc phân tích, họ có thể chỉnh sửa, gia công để chuyển số sư tử này sang mẫu hình dạng khác. Còn lại, đừng mong một giải pháp lý tưởng để đảm bảo quyền lợi cho tất cả ở đây.
Hẳn, sẽ có những người nói rằng tôi cực đoan. Hãy hiểu: giới nghiên cứu chúng tôi đã “rát cổ, bỏng họng” cả chục năm nay về những hiện vật kiểu này rồi. Chúng ta đã quyết tâm để thay đổi một thói quen nhận thức, vậy đừng làm mọi thứ theo kiểu nữa vời.
* Với cách nhìn của PGS, dường như những linh vật ngoại lai là một cái gì đó nguy hiểm và có thể lây lan còn nhanh hơn bệnh dịch. Quan điểm ấy liệu có... nghiêm trọng hóa vấn đề quá không?
- Chuyện a dua, chạy theo tâm lý ham của lạ khi dùng những linh vật ngoại lai chỉ là bề nổi. Sâu xa hơn, đó là sự yếu kém về kiến thức, là sự thờ ơ với văn hóa truyền thống. Và, cái gì cứ tồn tại mãi, cứ thẩm thấu dần, thì sẽ tới lúc trở thành thói quen của cả một cộng đồng. Đổ tại dân trí thì dễ. Nhưng thẳng thắn, kể từ khi cải cách mở cửa, chúng ta cũng nhất thời đặt trọng tâm vào việc phát triển kinh tế mà quên đi những biện pháp để phát triển về văn hóa như một bước song hành.
Chuyện di dời sư tử đá chỉ là bề nổi để chúng ta nghĩ tới căn nguyên sâu xa ấy. Xã hội càng phát triển, con người càng nảy sinh nhu cầu tự lục vấn bản thân mình, để rồi tìm những bệ đỡ tâm lý để cân bằng. Thế nhưng, nếu nhìn “tâm” và “trí” là hai khái niệm của một phạm trù thống nhất nhau thì chúng ta mới chỉ có “duy tâm” mà thiếu đi phần trí tuệ đằng sau. Sự lộn xộn về nhận thức, về tâm hồn là cơ hội rất tốt để phát sinh biết bao nhiêu tiêu cực.
Cũng từ chuyện cung tiến sư tử đá vào di tích, tôi muốn đặt một câu hỏi khác: tại sao, khi công đức hiện vật tại các đền chùa, người ta bây giờ lại thường đề tên mình trên đó? Khi xưa, tên những người công đức được khắc trên bia và đặt một cách khiêm tốn ở hậu cung, chứ đâu có phô phang như vậy? Có nghĩa, bây giờ người ta đùa giỡn với thần linh, dùng thần linh như một công cụ khoán ước, đặt cược chứ không còn nhìn ở góc độ tín ngưỡng và văn hóa nữa.
* Nhưng, để giải quyết những câu hỏi mà PGS đặt ra, chúng ta sẽ lại phải nhắc tới một chuyện rất dài và rất khó là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng...
- Trước mắt, chúng ta hãy làm tốt việc giải thích, tuyên truyền về câu chuyện sư tử đá đã. Tôi tin, nhiều chủ cơ sở thờ tự, người chế tác tại xưởng đá hoặc ngay cả khách hành hương, vẫn chưa hiểu vì sao phải bỏ những thứ này ra khỏi chốn linh thiêng. Hoặc chỉ hiểu rằng Nhà nước bắt phải bỏ, nhưng vẫn ấm ức vì ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của họ. Và, tâm lý ấy khiến câu chuyện của những con sư tử vẫn âm ỉ tại đó và có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.
Bây giờ, những hiện vật được sử dụng bừa bãi tại đình, chùa không chỉ có sư tử đá đâu. Tượng Bạch y Quan âm là một ví dụ. Trong nghiên cứu của tôi, tạo hình của người Việt không hề sử dụng loại tượng này. Ngoài ra, hầu hết các bức tượng đang đặt tại các chùa chiền hiện nay không thể gọi là tượng Bạch y Quan âm, mà chỉ là tượng những cô gái mỹ miều bị gán cho danh hiệu ấy. Bởi, theo tín ngưỡng, tay trái của tượng luôn duỗi dài các ngón, đặt ở ngang bụng để kiết ấn Cam Lồ. Và khi kết ấn thì có tịnh bình để vảy nước Cam Lồ xuống cứu độ chúng sinh. Vậy nhưng, vì thiếu hiểu biết, hầu hết các pho tượng hiện nay đều cong ngón tay để bình, nghĩa là không có kiết ấn và làm mất đi hoàn toàn ý nghĩa tâm linh của tượng. Hoặc, một chuyện cực kỳ nhảm nhí khác là con tì hưu, một loại “thần giữ của” của Trung Hoa, lại được đưa vào các ngôi chùa theo đạo Phật - vốn là hệ triết học thoát tục, từ bi và diệt dục.
Người xưa dạy rằng “phi trí bất hưng”. Phát triển, mở mang trí tuệ và văn hóa là cách làm bắt buộc, nếu không câu chuyện muôn thuở vẫn sẽ vậy, dù ở hình thức này hay hình thức khác.
* Bên cạnh việc di dời sư tử đá ngoại lai, nhiều chuyên gia cũng đã từng bước có kế hoạch phát triển các mẫu linh vật thuần Việt như hổ, rồng, hoặc nghê - lân - sấu... để sử dụng thay thế trong đời sống đương đại. Đây có phải là một sự thay thế hợp lý và bền vững không, theo PGS?
- Đó là một ý tưởng hay, nếu để bày ở các văn phòng hoặc công sở. Còn nếu đưa vào di tích, tôi nghĩ đơn giản rằng cứ phải xét theo Luật Di sản đã. Nghĩa là dù linh vật “nội” hay “ngoại” cũng phải có sự bàn thảo và nghiên cứu kỹ lưỡng.
Thêm vào đó, việc lựa chọn những mẫu vật gì, dựa trên nét truyền thống tín ngưỡng nào, là vấn đề phức tạp. Chẳng hạn, hổ và chó là những tạo hình phổ biến nhất trong các tượng canh cửa của người Việt, nhưng tượng chó đá thì thường chỉ sử dụng để canh nhà dân, hoặc canh lăng mộ như lăng mộ họ Đặng ở Quế Võ (Bắc Ninh), lăng Thánh Mẫu ở Lam Kinh (Thanh Hóa).
Riêng tượng con lân xuất hiện khá nhiều trong các đình, chùa dân gian. Tuy nhiên, người Việt thường nhìn nó như một linh vật của bầu trời và là biểu tượng của trí tuệ và sự thông minh. Bởi vậy, lân thường đứng gần bàn thờ - thế giới của tầng thiêng - theo nghĩa là “chầu”, chứ không phải vật canh. Còn lại, ở những trường hợp thuộc không gian phía ngoài, nó lại được đặt lên cao, từ trên mái chùa nhìn xuống sân hoặc trên các đầu cột nhìn xuống cửa với ý nghĩa kiểm soát tâm hồn của khách hành hương. Do vậy, nếu muốn “kéo“ lân xuống đất làm vật canh thì cần bàn thảo kỹ.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Cúc Đường (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất