Phiên đấu giá nghệ thuật đầu tiên: 'Mở hàng' được giá và những bài học vô giá

30/05/2016 12:05 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - 5 tác phẩm nghệ thuật tham dự phiên đấu giá đều đã bán được. Đôi chóe “hét giá” khởi điểm gần 1 tỉ đã bán được với giá… hơn 6 tỉ đồng. Ở góc độ thương mại, phiên đấu giá nghệ thuật đầu tiên ở Việt Nam đã thành công. Song, phiên đấu giá đầu tiên này cũng để lại nhiều bài học cho việc phát triển thị trường nghệ thuật Việt.

Sự kiện đấu giá các tác phẩm nghệ thuật diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người làm nghệ thuật Việt. Phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đầu tiên tại Việt Nam do Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt tổ chức.

Được giá!

Phiên đấu giá “mở hàng” của nghệ thuật Việt đã đạt được những con số ấn tượng. Cụ thể, bức tranh Hạnh Phúc của tác giả Hoàng Phượng Vĩ đã được mua với giá 65 triệu đồng.

Người sở hữu bức tranh này là một nhà sưu tầm Trung Quốc. Bức Tiên nữ vùng cao của họa sĩ Quách Đông Phương được mua với giá 95 triệu. Còn tủ thờ niên đại cuối thế kỷ 19 của Lê Thiết Cương cũng được một người Trung Quốc mua với giá 143 triệu.

Bức tranh Bên dòng sông đỏ của họa sĩ Đào Hải Phong được bán với mức giá 150 triệu. Đặc biệt, đôi chóe với giá khởi điểm từ 900 triệu tới 1 tỉ của nghệ nhân Phạm Anh Đạo đã được mua với mức giá 6 tỉ 50 triệu.


Đôi chóe được bán với giá 6 tỉ 50 triệu đồng. Ảnh: BTC

Theo ghi nhận, các phiên đấu giá đều diễn ra khá căng thẳng. Ở lĩnh vực hội họa, tranh Việt là tâm điểm “giằng co” giữa các nhà sưu tập Việt Nam và Trung Quốc. Các nhà sưu tập đều ra giá khá sát nhau để thăm dò “đối thủ”. Đặc biệt, trong phiên đấu giá bức Tiên nữ vùng cao đã được một người Pháp tham gia vào lúc căng thẳng nhất. Ông này lý giải, ông muốn giữ bức tranh ở lại Việt Nam.

Còn đôi chóe bạc tỉ là màn đấu giá nghẹt thở của hai đại gia bất động sản Việt. Trong phiên này, các bước giá tăng khá nhanh. Có bước lên tới tiền tỉ. Sau 29 vòng đấu giá, đôi chóe được ấn định ở mức giá 6 tỷ 50 triệu đồng.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh chia sẻ: Nhìn nhận ở góc độ cả 5 tác phẩm lên sàn đều được mua với giá không tệ thì thấy phiên đấu giá mỹ thuật được gọi là lần đầu tiên tại Việt Nam về cơ bản đã tổ chức tương đối tốt.

Điều này cũng chứng tỏ công tác tổ chức và kêu gọi khách hàng có hiệu quả. Nhưng, nhìn một cách tổng thế, phiên đấu giá này vẫn cần điều chỉnh và nâng cao tính chuyên nghiệp.

Và những bài học

Cụ thể, theo ông Vi Kiến Thành, ban tổ chức cần chọn người giới thiệu, tác giả, tác phẩm và người điều hành phiên đấu giá có uy tín hơn. Ông cũng cho rằng, đấu giá nghệ thuật phải có tính văn hóa, sang trọng chứ không thể xô bồ như các sản phẩm khác.

Ông Vi Kiến Thành cho biết thêm: Tôi đánh giá chất lượng tác phẩm ở đây mới ở mức trung bình khá. Điều này tất nhiên còn phụ thuộc vào quan hệ giữa khách hàng của đơn vị tổ chức. Có thể, đối tượng khách hàng của sàn này chỉ ở mức bình dân nên mức hưởng thụ nghệ thuật cũng chỉ ở mức này.

Còn họa sĩ Lê Thiết Cương lý giải: Đương nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, tôi được biết công ty này đang là 1 trong top 10 công ty đấu giá lớn nhất của Việt Nam.

Trước đây họ chỉ đấu giá bất động sản hoặc tàu thuyền… Đây là lần đầu tiên họ đấu giá các tác phẩm nghệ thuật. Họ kinh doanh dựa trên nền và kỹ năng, đội ngũ nhân viên, giá trị pháp lý có sẵn. Song rõ ràng, đấu giá nghệ thuật là bán những hàng hóa đặc biệt. Nên, một vài sơ suất xảy ra trong lần đầu là khó tránh.

Họa sĩ cũng đưa ra những gợi ý cho những phiên đấu giá sau: Đây là lần đầu tiên đấu giá nghệ thuật song tôi thấy mức độ quảng bá là chưa đủ. Theo tôi BTC nên quảng bá các sản phẩm sẽ tham gia đấu giá sớm hơn. Tốt nhất là 3 tháng trước phiên đấu giá. Bên cạnh đó, chất lượng nghệ thuật của catalogue giới thiệu tác phẩm cũng cần nâng cao hơn. Bởi, catalogue trong phiên đấu giá này chưa đạt.

Mỹ Mỹ - Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm