02/10/2015 12:49 GMT+7 | Phim
(lienminhbng.org) - Các quốc gia Đông Nam Á nằm trong nhóm "chịu khó" gửi phim đi tranh giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, với các tác phẩm cũng rất đa sắc, đa dạng. Tuy nhiên thành tích của khu vực lại chẳng có gì nhiều để kể.
Ở khu vực Đông Nam Á, Philippines đã gửi phim đi tranh giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất ngay từ khi giải này xuất hiện lần đầu vào năm 1956, với chiến thắng sau đó thuộc về phim La Strada của Italy.
Đua giải ngay từ đầu
Giai đoạn 1956 tới 1982, các đơn vị thuộc Philippines như: Hiệp hội Điện ảnh, Học viện Điện ảnh, Viện Hàn lâm Nghệ thuật và khoa học điện ảnh và Hiệp hội Các nhà sản xuất phim đã gửi đi 4 phim tranh giải. Đáng buồn là cả 4 phim này đều chẳng gây nên tiếng vang nào.
Từ năm 1982, Viện Hàn lâm điện ảnh Philippines được thành lập và đều đặn gửi phim đi tranh giải. Tác phẩm gần đây nhất Philippines mang đi so tài là Norte, Hanggananng Kasaysayan (Norte, hồi kết của lịch sử). Đây là một bộ phim chính kịch với thời lượng dài kỷ lục, lên tới hơn 4 giờ, bàn tới các chủ đề tội phạm, đẳng cấp xã hội và gia đình.
Nhưng dù nhận được lời ca ngợi vì lối kể chuyện và phong cách làm phim độc đáo, dù đã được trình chiếu để tranh giải tại hạng mục Un Certain Regard danh giá ở LHP Cannes 2013, đã xuất hiện tại các LHP Toronto 2013, LHP New York và LHP châu Á San Diego 2013, bộ phim lại "chìm nghỉm", chẳng để lại tăm hơi nào ở cuộc đua tranh giải Oscar.
Singapore cũng là một trong những nước Đông Nam Á sớm đua giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, khi gửi đi tác phẩm The Kingdom And The Beauty từ năm 1959. Nhưng khác với Philippines, Singapore không thường xuyên tham gia tranh giải.
Mãi đến năm 2005, Singapore mới gửi tiếp bộ phim thứ hai là Be With Me, nhưng phim bị loại do dùng quá nhiều tiếng Anh. Cũng chỉ vài năm trở lại đây, nước này bắt đầu gửi phim thường xuyên để tham gia. Tuy nhiên, chưa có phim nào lọt vào vòng đề cử.
Thành tích chỉ là hai đề cử
Ở Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia độc lập thứ 2 của khu vực (khi gửi phim đi thi, Singapore vẫn là thuộc địa Anh) gửi phim đi tranh giải ở hạng mục Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, vào năm 1984.
Tới nay, Thái Lan đã gửi đi 18 phim, song đều không lọt vào vòng đề cử. Tác phẩm tranh giải hồi năm 2014 của Thái Lan là Teacher's Diary (Nhật ký của thầy), xoay quanh một cựu võ sĩ chuyển nghề giáo viên tại một vùng nông thôn hẻo lánh. Ở nơi đây, anh lấy cảm hứng làm việc từ một cuốn nhật ký mà người thầy trước kia, vốn rất yêu nghề, để lại. Phim này rõ ràng là không "gai góc" và hợp thời bằng How To Win At Checkers, tác phẩm mang đề tài tình yêu đồng tính đại diện cho điện ảnh Thái Lan tranh giải Oscar năm nay.
Về phần mình, Indonesia tham gia tranh giải từ năm 1987 và đều đặn gửi tác phẩm theo tần suất gần như mỗi năm một phim từ năm 1999. Nhưng cũng như các quốc gia kể trên, phim của Indonesia không để lại dấu ấn gì. Đây cũng là tình cảnh của Malaysia, quốc gia tính tới năm 2015 đã đưa 3 phim đi tranh tài.
Trong các phim của Malaysia, The Princess Of Mount Ledang (Công chúa của núi Ledang) là tác phẩm điện ảnh đắt đỏ nhất trong lịch sử nước này. Đây là bộ phim thuộc thể loại lãng mạn - thần tiên, dựa trên một câu chuyện dân gian của Malaysia. Song tác phẩm này cũng không thu được kết quả gì.
Trong bối cảnh ảm đạm ấy, Campuchia đã gây ngạc nhiên khi dù vào cuộc muộn nhưng lại có tác phẩm lọt vào vòng đề cử giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Campuchia là quốc gia thứ sáu ở Đông Nam Á tham gia tranh giải Oscar, bắt đầu từ năm 1994 với phim Rice People. Năm 2013, bộ phim tài liệu The Missing Picture nói về thời Khmer Đỏ do Rithy Panh đạo diễn đã được đề cử tranh giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Nhưng The Missing Picture được xem là hiện tượng đặc biệt. Bộ phim đã được trình chiếu tại hạng mục Un Certain Regard ở LHP Cannes 2013 và giành giải cao nhất năm đó. Nó cũng được chiếu ở hạng mục Điện ảnh thế giới tại LHP Quốc tế Cinemanila và giành giải Nhất.
Bộ phim tài liệu này gây ấn tượng với lối làm phim sử dụng các nhân vật bằng đất sét để mô tả chuyện xảy ra tại Campuchia, khi Pol Pot lên nắm quyền. Nhưng nó cũng chỉ đủ để phim lọt vào vòng đề cử.
Một bộ phim khác của Đông Nam Á cũng đi xa như The Missing Pictures là Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng. Phim của anh đại diện cho Việt Nam tham gia tranh giải ở hạng mục Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất vào năm 1993 và lọt vào vòng đề cử. Như thế, cho tới nay, hai bộ phim trên đang nắm thành tích tốt nhất của khu vực Đông Nam Á trên sân chơi Oscar.
Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Không tìm thấy bài viết phù hợp!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất