07/07/2016 07:25 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Sự đổ bộ của hàng loạt phim kinh dị nước ngoài, kinh phí thấp, lãi "khủng" đã kích thích các nhà sản xuất Việt Nam đầu tư vào thể loại này. "Thấy người ta ăn khoai, vác mai đi đào", nhưng kiếm ăn không dễ thế.
Có thể coi năm 2013 và 2014 là thời điểm rạp Việt "mở cửa" với phim kinh dị, thu hút đủ loại kinh dị Mỹ, Thái, Ấn Độ, Đức...Thời của phim kinh dị
Trước đó, chưa bao giờ ngoài rạp nhiều phim kinh dị như vậy. Sau "hiện tượng" phim Thái: Tình người duyên ma (2013) chiếu 10 ngày thu 8 tỉ đồng, năm sau, phim kinh dị được nhập về tới tấp. Đỉnh điểm tháng 7/2014, có 6 bộ phim kinh dị ra rạp.
Trong năm 2013, hai bộ phim kinh phí thấp của đạo diễn James Wan The Conjuring và Insidious: Chapter 2 không chỉ thu lãi khủng trên thế giới mà còn rất ăn khách ở Việt Nam. Hai phim này không kéo khán giả Việt tới rạp mà còn kích thích nhà sản xuất nội địa đầu tư cho thể loại này. Phim của James Wan đã gợi ý cho nhà làm phim Việt phương thức sản xuất tiết kiệm: chỉ sử dụng bối cảnh trong nhà, những thủ pháp nhát ma truyền thống, không phải dùng kĩ xảo.
Đầu năm 2014, Quả tim máu (đạo diễn Victor Vũ) sau 3 ngày ra rạp đã thu được 24 tỷ đồng, một con số cực kỳ ấn tượng mà trước đó chưa một bộ phim kinh dị nào tại Việt Nam làm được.
Những thành công này đã khiến số lượng phim kinh dị Việt tăng lên trông thấy. Nếu năm 2014, cả nước chỉ sản xuất 3 phim kinh dị, thì tới năm 2015 đã tăng lên 7 phim. Năm nay, dù mới được nửa năm, đã có 4 phim, có thể kể tới Ám ảnh, Bệnh viện ma, Ma nữ báo thù, Mặt nạ máu...
Tuy nhiên, số lượng không đồng nghĩa với chất lượng. Nhiều phim kinh dị thực sự đang trở thành "thảm họa" màn ảnh mới.
Phim kinh dị Việt quá... "kinh dị"
Số lượng phim kinh dị Việt Nam được làm chắc tay như Ngôi nhà trong hẻm, Quả tim máu, Đoạt hồn rất hiếm. Đa phần là những phim "lủng củng", dựa dẫm vào thủ pháp nhát ma truyền thống: hóa trang một ma nữ tóc xõa, máu me, thoắt ẩn thoắt hiện trong phim; sử dụng những âm thanh ghê rợn với âm lượng cực lớn.
Khán giả có sợ đấy, nhưng phần lớn thất vọng trầm trọng với câu chuyện, cách kể chuyện.
Rất nhiều phim tâm lý - kinh dị gặp vấn đề về kịch bản và hậu kì. Trong Bệnh viện ma, Trấn Thành vào vai bác sĩ trẻ xin việc ở một bệnh viện có "ma". Đạo diễn để anh tung hoành với lối diễn cường điệu, hài hước suốt 2/3 phim, để đến cuối tiết lộ cái rụp: nhân vật bác sĩ là kẻ có vấn đề tâm thần mới là thủ phạm. Chuyển biến tâm lý từ tỉnh sang "điên" của nhân vật này bị đứt gãy, khó có thể thuyết phục khán giả.
Ám ảnh cũng tương tự. Đạo diễn "úp mở", giấu tình tiết, tung hỏa mù từ đầu đến cuối phim, nhưng cuối cùng chính đạo diễn bị lạc. Cái kết khiến khán giả ớ người chẳng hiểu ra làm sao.
Ma nữ báo thù còn "kinh" hơn nữa. Ma cỏ bay vèo vèo, âm thanh hù dọa dùng vô tội vạ. Vai nam chính, nữ chính đóng kinh dị nhưng mặt trơ không cảm xúc. Phim tạo những tình huống khá buồn cười, khi con cái từ Mỹ về thăm mẹ ốm nhưng suốt ngày leo núi, uống rượu vang. Phim kết thúc rất thô, bằng cách để nhân vật lần lượt khai tuồn tuột tất cả bí mật.
Để thêm mắm dặm muối đạo diễn còn khai thác tối đa yếu tố gây cười từ hình thể diễn viên, từ những vai diễn đồng tính lòe loẹt, cảnh nóng...
Khán giả Việt không dễ chi tiền cho những phim kiểu này. Phần lớn họ chi tiền cho phim nhập khẩu. Nếu chọn phim Việt họ sẽ chọn đạo diễn có tên tuổi. Nên phim kinh dị trong nước dù sản xuất nhiều nhưng số phim có lãi thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất