Hollywood làm sống dậy quái vật Godzilla

16/05/2014 11:05 GMT+7 | Phim


(lienminhbng.org) - Trong số những quái vật giả tưởng đã từng xuất hiện trên màn ảnh rộng, Godzilla là nhân vật có sức tàn phá khủng khiếp nhất, với sức chịu đựng vô cùng ghê gớm. Phong cho Godzilla là vua của các loài quái vật cũng chẳng sai.

1. Quái vật Godzilla xuất hiện trên màn ảnh rộng lần đầu tiên vào năm 1954 qua bộ phim cùng tên do hãng Toho của Nhật Bản sản xuất. Có lẽ vào thời điểm ấy, họ cũng không thể ngờ rằng con quái thú khổng lồ, cao hơn cả những tòa nhà trọc trời này lại trở nên nổi tiếng trong suốt nhiều thập kỷ tiếp theo.

Godzilla mau chóng đi vào huyền thoại, trở thành hiện tượng văn hóa và là một trong những biểu tượng đặc trưng của đất nước Nhật Bản. Về sau này, Hollywood đã từng đưa con quái thú này lên phim hồi năm 1998. Mặc dù rất ăn khách nhưng phiên bản điện ảnh của đạo diễn Roland Emmerich lại bị chê tơi tả về chất lượng nội dung. Phải mãi đến tận năm nay, người Mỹ mới lần thứ ba làm sống dậy hình tượng quái vật Godzilla.  

Godzilla (2014) vốn là một phiên bản xây dựng lại từ đầu nhưng rất trung thành với phong cách của bộ phim gốc. Từ cách tạo hình, sự xuất hiện của quái vật, không khí phim đều ít bị thay đổi một cách sai lệch như phiên bản năm 1998.

15 năm sau sự cố kinh hoàng diễn ra tại một nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản, tiến sỹ Joe Brody (Bryan Cranston) vẫn không ngừng tìm kiếm nguyên nhân. Ông không cam lòng trước biến cố và cái chết của người vợ vốn bị giấu nhẹm trong suốt một thời gian dài. Cùng với cậu con trai Ford (Aaron Taylor-Johnson), họ phát hiện ra chính phủ đang che đậy một bí mật khủng khiếp. Sự xuất hiện của giống loài quái vật to lớn dị thường có thể làm thay đổi sự cân bằng trên trái đất.

2. Đạo diễn Gareth Edwards quả thực đã tạo nên một bầu không khí bí ẩn, sợ hãi chưa từng có trước đây. Câu chuyện được phát triển từ từ, đủ sức nặng để khán giả phải nghẹt thở theo dõi. Anh không vội vàng đẩy sự việc diễn tiến nhanh lên chỉ để chiều lòng người xem về mặt thị giác, điều có thể dẫn tới việc nhân vật lỏng lẻo, cốt truyện hời hợt.

Tuy nhiên, Gareth Edwards lại làm điều đó hơi quá tay. Bản thân nhân vật Godzilla có quá ít thời gian trên màn ảnh. Nó gần như chỉ có vai trò ở cuối phim, lúc mà mọi chuyện đã rõ ràng. Ở chiều hướng ngược lại, một khi Godzilla đã xuất hiện để đối đầu với loài quái vật Mutu, lập tức chúng ta được trải nghiệm về mặt thị giác ở mức độ không tưởng. Nhờ sự phát triển tột bậc của kỹ xảo điện ảnh ngày nay, người xem thực sự bị shock trước màn “biểu diễn” của quái vật Godzilla và Mutu. Chúng xuất hiện, di chuyển, tàn phá, đánh lộn thực sự … kỳ vĩ. So với các bộ phim lấy đề tài về quái thú trước đây, Godzilla hoành tráng hơn rất nhiều.

Về các tuyến nhân vật loài người. Trừ gia đình nhà Ford Brody, tuy còn theo lối mòn, nhưng vẫn làm khán giả phải xúc động, còn đâu đều chưa thể hiện được vai trò của mình. Đặc biệt nhân vật tiến sỹ người Nhật Ichiro Serizawa khá vô duyên.

Nhìn chung, bản Godzilla của Gareth Edwards là một bước tiến dài cả về mặt cốt truyện, nội dung lẫn hiệu quả hình ảnh so với bản năm 98. Một tác phẩm xem rất sướng dịp đầu mùa phim hè năm nay.

Phim đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Hoàng Phương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm