Phim 'Lôi Báo': Chỉn chu, nhưng không xứng danh Victor Vũ

21/12/2017 07:10 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Phim Lôi Báo (đạo diễn: Victor Vũ) công chiếu từ ngày 22/12 có thể nói là một “bom tấn” kiểu Việt Nam, nhưng có vẻ tiếng vang của nó khó được như mong đợi. So với vài phim gần đây của Victor Vũ, Lôi Báo vẫn rất chỉn chu, nghiêm túc, nhưng bị lép vế một vài khía cạnh.

Lôi Báo là tên một nhân vật trong truyện tranh cùng tên do họa sĩ Tâm trong phim này vẽ. Phim có sự tham gia diễn xuất của Cường Seven, Nhã Phương, Hoàng Sơn, Quách Ngọc Ngoan, NSƯT Nguyễn Chánh Tín, Vũ Ngọc Anh… Theo đạo diễn Victor Vũ: “Truyện tranh là nơi sản sinh ra siêu anh hùng, nên qua hình tượng người anh hùng bước ra từ truyện tranh, phim Lôi Báo mong muốn đánh thức người hùng trong chính mỗi con người chúng ta. Có người thích những siêu anh hùng với sức mạnh phi thường đi giải cứu thế giới, cũng có người xem người trong gia đình mình là người hùng của họ”.

Lưỡng lự về thể loại

Phim có khoảng 30% thời lượng dành cho hành động, còn lại dành cho gia đình và các quan hệ xã hội, nên có thể gọi là phim gia đình - hành động. Đây là một sự kết hợp thể loại quen thuộc, nhưng lúc nào cũng có khả năng lôi cuốn người xem, vì ai cũng cần một gia đình để quan tâm. Câu chuyện của Lôi Báo cũng vậy, nó muốn xoay quanh gia đình một họa sĩ chuyên vẽ truyện tranh, với biến cố lớn nhất là phẫu thuật đổi đầu.

Chú thích ảnh
Cường Seven vào vai họa sĩ Tâm trong “Lôi Báo”, sau khi đại phẫu thuật đổi đầu, họa sĩ này có hành động của một siêu anh hùng

Đáng lý câu chuyện nên bắt đầu tuyến tính một chút, nghĩa là việc gì đến trước thì xảy ra trước, tâm lý của người xem sẽ dễ đồng điệu hơn. Phim lại bắt đầu bởi cảnh hành động có lẽ hoành tráng nhất, sau đó mới lật giở lại câu chuyện của Tâm/Nghĩa, tuy đúng công thức Hollywood, nhưng do thời lượng phim hơn ngắn, mảng miếng hơi thiếu, thành ra khán giả chưa kịp chuẩn bị tâm lý để khóc, hoặc để hồi hộp cùng hành động.

Đáng lý phim nên đứng hẳn về hành động, hoặc về gia đình, để giữ cho được mạch chính, yếu tố còn lại chỉ là mạch điểm tô cho câu chuyện. Có vẻ như Lôi Báo lưỡng lự giữa gia đình và hành động, thành ra đôi chỗ gắng gượng, mất nhịp, phim kết thúc khi hành động chưa thật đã, mà tình cảm gia đình cũng chưa thật đủ.

Chú thích ảnh
Nhã Phương vào vai Linh, vợ của họa sĩ Tâm, người đầu tiên cảm nhận được sự thay đổi của chồng sau phẫu thuật

Vì lưỡng lự như vậy nên hai mảng lật trong câu chuyện - một thế mạnh của Victor Vũ - đã không phát huy được tác dụng. Chú Mã (do Hoàng Sơn thủ vai) là bác sĩ ẩn vai nông dân, kẻ đã tạo ra tố chất siêu anh hùng cho Tâm, kết cuộc là cha ruột của Tâm.

Bác sĩ Tuệ (Vũ Ngọc Anh) có vẻ là người sống lụy tình, liễu yếu đào tơ, kết cuộc là một sát thủ máu lạnh, con gái của ông trùm mafia. Đất để lật chuyện khá nhiều, đánh lừa được khán giả, nhưng khi lật lại không đủ cảm xúc để gây bất ngờ, trầm trồ.

Thiếu sự đột phá

Nếu so với mặt bằng phim Việt trong năm 2017, Lôi Báo vẫn thuộc nhóm các phim bài bản nhất, được làm bởi một đạo diễn và ê-kíp có tay nghề cao. Nhưng so với chính các phim của Victor Vũ, thì Lôi Báo hơi lép vế.

Chú thích ảnh
Cường Seven vào vai họa sĩ Tâm trong “Lôi Báo”

So với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô dâu đại chiến, Thiên mệnh anh hùng… Lôi Báo thiếu sự nhất quán về cảm xúc, về mạch chuyện, nên khó thu hút người xem từ đầu đến cuối. So với Scandal: Bí mật thảm đỏ, Quả tim máu… Lôi Báo chưa có được mảng lật thật bất ngờ, khiến khán giả vỡ òa.

Từ một đạo diễn còn nhiều vụng về trong Buổi sáng đầu năm (năm 2003), Oan hồn (2004), Chuyện tình xa xứ (2009)… 6 - 7 năm qua Victor Vũ đã nhanh chóng khẳng định được mình, trở thành đạo diễn hạng nhất của Việt Nam hiện nay. Trong 7 năm mà Victor Vũ đã có 9 phim công chiếu, 4 - 5 phim đang rục rịch chuẩn bị, con số thật đáng ngưỡng mộ. Chính điều này có lẽ cũng là áp lực khá lớn, làm sao để đột phá, vì vượt lên chính mình không hề đơn giản.

Phim do một chuyên gia tầm cỡ Hollywood là Vincent Wang đảm trách phần hành động, cũng xứng đáng để mong chờ. Dù hành động khá bài bản, nhiều miếng đánh, nhưng không mới mẻ. Những hành động đột phá như dùng thế võ cổ truyền để bay kẹp cổ trong Dòng máu anh hùng đã không xuất hiện trong Lôi Báo.

Đây là chưa nói Lôi Báo đã có được một chiến dịch truyền thông khá bài bản, đúng định hướng, nên sự mong chờ, háo hức từ khán giả không hề nhỏ. Tuy nhiên, sau nhiều phim Việt thất bại về bán vé dịp cuối năm do chất lượng yếu kém, biết đâu Lôi Báo lại làm nên chuyện. Muốn biết kết quả bán vé, chỉ cần đợi đến ngày 25/12/2017 sẽ rõ.

Ý tưởng phim ‘Lôi Báo’ của Victor Vũ giống phim ‘Ráp xác’ của Trần Cảnh Đôn?

Ý tưởng phim ‘Lôi Báo’ của Victor Vũ giống phim ‘Ráp xác’ của Trần Cảnh Đôn?

Ý tưởng phim Lôi Báo có nét tương đồng với phim Ráp xác của Trần Cảnh Đôn, công chiếu các rạp và sân bãi trên khắp Việt Nam trong các năm 1993-1994.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm