Phim 'Sài Gòn, anh yêu em': 5 mối tình trẻ dựng xây 1 tình già

05/10/2016 06:55 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Phim Sài Gòn, anh yêu em vừa có suất chiếu ra mắt báo giới TP.HCM chiều 4/10, mà dư vị với nhiều người là giàu cảm xúc, dù câu chuyện ngôn tình này hơi bề mặt, chưa thật sâu sắc. Nhưng điểm ưu trội nhất, như tên gọi, phim đã khơi gợi được tình yêu về một Sài Gòn đa diện, thoáng mở, nghĩa tình.

Điều gây băn khoăn nhất đối với phim này có lẽ là “khu vực đạo diễn”. Trước đây, trong các đợt truyền thông, ngoài Lý Minh Thắng là tổng đạo diễn, La Quốc Hùng là đồng đạo diễn, thì Huỳnh Lập là đạo diễn thứ ba. Đến hôm nay thì thấy chú thích khác, ngoài Lý Minh Thắng là tổng đạo diễn, đồng đạo diễn lại là Tài Đỗ và Võ Đỗ Minh Hoàng. Nghĩa là trong quá trình sản xuất đã có những thay đổi quan trọng, đột xuất, rất may không để lại nhiều di chứng cho phim.

Tình già lấy nước mắt

Phim kể về 5 câu chuyện độc lập, mà trọng tâm có lẽ là đôi tình nhân Việt Phương (Huy Khánh thủ vai) và Thiên Kim (ca sĩ Maya). Tiếp theo là vợ chồng Yên Khuê (ca sĩ Đoan Trang) và James (Johan Wicklund), đôi tình đồng tính Đức (Brian Trần) và Khánh (Cường Đinh), tình mẹ con Mỹ Tuyền (Phi Phụng) và Mỹ Mỹ (Huỳnh Lập). Cuối cùng mới là tình già - tình nghệ sĩ cải lương của ông Sáu (NSƯT Thanh Nam) và bà Ba (NSND Ngọc Giàu).


“Tình trẻ” Huy Khánh - Maya ...

Thế nhưng, điều bất ngờ đã xảy ra, khi cặp tình già ông Sáu bà Ba (vai thứ chính) mới trở thành điểm thu hút, lấy nước mắt của người xem. Họ làm được điều này có lẽ do rơi vào tình huống “cá gặp nước”, đó là phải hát cải lương trong phim - một nghề riêng và là đẳng cấp của họ.

Phim muốn nói về lối sống, về diện mạo của Sài Gòn, tự nhiên cải lương trở thành một yếu tố không thể tách rời trong đó. Nay cải lương đang thời thoái trào, mà Thanh Nam và Ngọc Giàu cũng đang ở “tuổi hưu” của nghề cải lương, tự nhiên chuyện phim thành chuyện đời, người xem thấy gần gũi, dễ tin.

Câu chuyện của ông Sáu bà Ba vì thế mà trở nên sâu lắng, dễ thu hút hơn. Nhìn vào các câu chuyện còn lại, của những người trẻ tuổi hơn ông bà, tự nhiên nó như hồi tưởng lại một quãng thời gian đã qua của Sài Gòn. Những thách thức, hờn giận, lãng mạn của 5 tình trẻ trong hiện tại trở thành nguồn cảm hứng để dựng xây cho 1 tình già.

Đây là chưa nói, xét về diễn xuất, dù từ sân khấu bước sang, nhưng Ngọc Giàu và Thanh Nam vẫn ở đẳng cấp trên, nếu so với các diễn viên còn lại. Chuyện tình Việt Phương và Thiên Kim dù được dày công xây đắp, nhiều đất diễn và nhiều cung bậc, nhưng nó lại khá quen thuộc trong bể phim ngôn tình ngày nay. Chuyện tình của ông Sáu bà Ba cũng chân chất, quen thuộc, nhưng nhờ cái nền cải lương và sự diễn xuất tinh tế, thành ra nổi trội hơn.


... chưa vượt nổi “tình già” Thanh Nam - Ngọc Giàu

Sài Gòn đáng yêu

Đã có nhiều phim cả chiếu rạp lẫn truyền hình mà tựa đề có chữ Sài Gòn, nhưng rất ít phim khắc họa được lối sống, tính cách của thành phố đông dân nhất nước. Chưa thật sâu sắc và tinh tế, nhưng Sài Gòn, anh yêu em đã gợi cảm hứng cho nhiều khán giả nhận ra vài nét đáng yêu của thành phố này.

Có thể vô tình hoặc hữu ý, nhưng 5 câu chuyện tưởng chừng ít liên hệ trong Sài Gòn, anh yêu em lại có liên quan với cả đời sống bên ngoài. Nó cũng như thành phố này, đèn nhà ai nấy sáng, chuyện của ai nấy biết, nhưng trong sâu xa, đời sống lại có mối dây liên hệ và có nghĩa tình với nhau.

Ít ai gọi Sài Gòn - TP.HCM là quê cha đất mẹ, dù người đó có thể sinh ra trong một gia đình 4 - 5 đời tại đây. Những ngày cuối năm ra bến tàu bến xe, thấy lượng người rời thành phố này để về quê cũ rất đông, thế nhưng đầu năm đa phần thường quay trở lại. Thông điệp này đã được tái hiện một phần qua nhân vật chàng trai Việt kiều về Sài Gòn tìm cha ruột.

Phim sẽ phát hành toàn quốc từ ngày 7/10/2016.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm