23/03/2017 15:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Chuyện ngày hôm qua, một bộ phim tài liệu xúc động về ban nhạc Bức Tường, cũng chỉ trụ được tại rạp tới 9 ngày - dù đã được hỗ trợ tối đa tại rạp “người nhà”. Ngày 26/3 tới đây, phim sẽ ra khỏi rạp.
Hình tư liệu trong phim "Chuyện ngày hôm qua"
Những bước đi thăm dò
Phim tài liệu mấy năm nay ra rạp như đánh du kích. Một năm mới có một phim ra rạp và thường là khá sát ngày công chiếu mới tổ chức truyền thông. Những “tiếng nói” này dẫu lẻ tẻ nhưng đang tạo ra sự cộng hưởng.
Vào thời điểm này, bất cứ phim tài liệu nào ra rạp đều quý. Cộng đồng phim tài liệu ở Việt Nam đang ngày mở rộng, có thêm nhiều nhà làm phim tài năng làm ra nhiều phim hay, nhưng họ gần như không có cơ hội để “lên tiếng”. Trong khi phim tài liệu trên thế giới ra rạp ầm ầm, thì phim tài liệu ở Việt Nam bị mặc định là thể loại chỉ để chiếu trên tivi.
Tình hình thay đổi vào cuối năm 2014, khi bộ phim tài liệu độc lập Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm) tìm được cách phát hành. Phim chiếu gần 3 tháng tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, miền Tây, thậm chí gây sốt vé nhẹ tại các thành phố lớn, sau đó đã khiến “đại gia” CGV mời vào rạp Art House (dành cho phim nghệ thuật). Sự kiện này đã khuyến khích các nhà làm phim độc lập khác như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp mạnh dạn phát hành phim truyện Đập cánh giữa không trung.Kiên trì “phá băng”
Trong 3 năm qua, chỉ có 4 phim tài liệu ra rạp, chưa ai cầm được đồng lãi nào trên tay, nhưng vì sao họ vẫn kiên trì “tấn công” rạp chiếu?
Đạo diễn Đặng Hồng Giang cho biết câu chuyện Lửa Thiện Nhân đã khiến các chủ rạp “mở cửa” cho anh vào năm 2015, giúp anh có niềm tin đưa tiếp Đáng sống ra rạp năm 2016. Lần này anh không mất nhiều công để các chủ rạp tiếp mình.
“Nói ra doanh thu sợ các nhà làm phim trẻ nhụt chí. Nhưng tôi vẫn tiếp tục làm phim tài liệu bởi tôi thấy tương lai của thể loại này tại Việt Nam" - Đặng Hồng Giang nói. "Việt Nam có rất nhiều câu chuyện hay, mà thị trường quốc tế rất mênh mông, có nhiều cơ hội lắm. Như Netflix cũng vào Việt Nam rồi cơ mà, 1/3 phim hãng này chiếu là phim tài liệu."Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm khi phát hành phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng cũng chỉ mong có được giấy phép phát hành, để được chiếu tại các rạp "tử tế", tri ân những người đã giúp đỡ mình hoàn thành bộ phim. Nhà sản xuất Hồng Ánh, chủ hãng phim Blue Productions chưa bao giờ nghĩ sẽ phát hành phim tài liệu, sau khi xem thấy chất lượng Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng quá tốt mới nhận phát hành.
“Sau khi trừ mọi chi phí, chúng tôi huề vốn, chỉ lỗ chút công sức” - Hồng Ánh kể. "Để được như thế toàn bộ nhân viên đã làm việc cật lực suốt 3 tháng, trả lời từng bình luận của khán giả, sẵn sàng đi giao vé cho những ai đặt 5 vé trở lên, bản thân tôi còn làm soát vé tại các rạp. Chúng tôi còn làm teaser, trailer, các clip hậu trường, phỏng vấn cảm nghĩ những người nổi tiếng ở rạp.."Sau kinh nghiệm này, Hồng Ánh cho biết chị hoàn toàn tin phim tài liệu có tương lai, quan trọng là chất lượng phim có đủ tốt để thuyết phục nhà phát hành hay không.
“Phim là hàng hóa, hàng có tốt thì người ta mới mua. Tôi đã được dạy như vậy, nên cá nhân tôi luôn cố gắng làm ra phim tốt" - đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ thêm. "Còn về lâu về dài tôi có nghĩ đến một địa điểm riêng để chiếu phim tài liệu. Nếu có rạp, sẽ cần nhiều phim, nên tôi rất mong có thêm nhiều đồng minh".
"Phim tài liệu không đòi hỏi rạp chiếu tiêu chuẩn, nên có thể phát hành độc lập, không phụ thuộc vào các cụm rạp lớn" (Nhà sản xuất Hồng Ánh). |
Ngọc Diệp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất