11/06/2019 06:26 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - Đạo diễn từng đoạt giải Oscar Ron Howard đã tái tạo chân dung Luciano Pavarotti, giọng ca tenor huyền thoại người Italy trong bộ phim tài liệu vừa ra mắt vào 7/6.
Có tên Pavarotti, bộ phim là sản phẩm mới nhất của đạo diễn này, sau hàng loạt cái tác phẩm điện ảnh và phim tài liệu như Splash, Beautiful Mind, Parenthood, Cocoon hay Solo: A Star Wars Story.
Một cái nhìn nhân văn…
Trước đó, Howard đã có nhiều năm “chế” kịch bản cho các bộ phim. Cho dù với một dự án như Apollo 13, phim được dàn dựng dựa theo những sự kiện có thực hoặc phim anh hùng giả tưởng Willow, ông đều lấy kịch bản làm “đường hướng” cho sản phẩm sáng tạo của mình.
Song, cách làm phim của Howard đã thay đổi từ năm 2013, khi ông bắt đầu thử sức làm phim tài liệu Made In America và tiếp tục với The Beatles: Eight Days a Week – The Touring Years.
Và bây giờ, đến lượt, Pavarotti, bộ phim tài liệu về Luciano Pavarotti, nghệ sĩ opera huyền thoại của Italy vẫn được biết dưới cái tên “Giọng ca tenor của nhân dân”.
So với phim tài liệu về nhóm nhạc Anh huyền thoại Beatles trước đó, Howard có một cách tiếp cận khác khi làm phim Pavarotti. Với phim về Beatles, ông từng hòa trộn lịch sử âm nhạc của ban nhạc Tứ Quái với hồi ức cá nhân của những người đã xem họ trình diễn.
Còn lần này, Howard đã sử dụng nhiều cuộc phỏng vấn và những thước phim chưa hề được thấy trước đó để kể câu chuyện của Pavarotti. Lần lượt, giống như một vở opera 3 hồi, đó là câu chuyện về một giọng ca nam cao, một người đàn ông của gia đình và một huyền thoại của âm nhạc thế giới.
Sự khác biệt lớn nhất giữa cách làm phim điện ảnh và phim tài liệu nằm ở việc phim tài liệu đòi hỏi cách tiếp cận trôi chảy hơn. Và Howard giải thích rằng, những ý tưởng thực sự trong một bộ phim tài liệu phải đến từ các cuộc phỏng vấn đã được thực hiện hoặc đoạn phim được tìm thấy.
“Với những bộ phim tài liệu, bạn phải thu thập sau đó sắp xếp các chất liệu”, Howard nói. “Bạn phải tạo nên các ý tưởng, một số dựa trên những gì bạn đã đọc được hoặc nghiên cứu. Quan trọng hơn, bạn phải tự đặt ra câu hỏi thông qua những cuộc phỏng vấn và thước phim tư liệu được tìm thấy”.
Như lời kể, điểm hấp dẫn với Howard khi làm phim Pavarotti đến từ việc ông đã trở thành một trong những fan “cuồng” khi nghiên cứu về nhân vật này. Howard đã thu thập tài liệu để có cơ hội được hiểu sâu và có cái nhìn đầy nhân văn về một người đàn ông mà nhiều người coi là “vị thánh trong thế giới opera”.
Trong phim, Howard kết thúc bằng cảnh Pavarotti tìm được sự cân bằng giữa sự nghiệp âm nhạc với những vật lộn trong cuộc sống riêng. Đó là một câu chuyện về tình yêu, niềm đam mê, niềm vui, gia đình, sự mất mát, rủi ro và vẻ đẹp – tất cả được kể trên nền nhạc là giọng ca vàng của Pavarotti.
“Tôi hy vọng rằng bộ phim tài liệu này có thể góp phần kéo dài công việc mà Pavarotti đã làm. Pavarotti rất yêu âm nhạc. Ông cũng rất yêu quý mọi người và muốn đưa vẻ đẹp của âm nhạc tới bất cứ ai có thể” - Howard nói.
… về một huyền thoại
Ngày 8/9/2007, khoảng 100.000 người đã tụ hội tại Nhà thờ Modena tại quê hương của Pavarotti. Hai ngày trước đó, giọng ca opera lừng danh thế giới đã qua đời vì bệnh ung thư tụy.
Lễ tưởng niệm Pavarotti đã được truyền hình trực tiếp trên khắp thế giới và kết thúc với màn nhào lộn trên không của Lực lượng Không quân Italy, tạo nên những vệt khói trong màu cờ quốc gia quanh Nhà thờ. “Đây là đám tang của một vị vua”, tất cả các nhà bình luận Italy đều đồng tình như vậy.
Năm 1935, Luciano Pavarotti sinh ra ở ngoại ô thành phố Modena, phía Bắc Italy. Cha ông là một thợ làm bánh, còn mẹ ông làm việc trong một nhà máy sản xuất cigar - giống như nàng Carmen trong vở opera cùng tên của Bizet.
Năm 19 tuổi, Pavarotti từng có thời gian ngắn làm giáo viên tiểu học. Sau đó, ông quyết định theo đuổi âm nhạc bằng những năm học hành nghiêm túc.
Pavarotti bước vào thế giới opera lần đầu tiên năm 1961 với vai Rodolfo trong vở La Bohème. Một năm sau đó, Pavarotti đã tạo bước đột phá quốc tế với vai Edgardo trong vở Lucia di Lammmermoor của in Donizetti, vai diễn đã đưa ông đi lưu diễn ở Mỹ và Australia.
Kể từ thời điểm ấy, ngôi sao này liên tục tỏa sáng và vượt ra ngoài thế giới opera, trở thành nghệ sĩ dòng cổ điển đầu tiên đứng đầu các bảng xếp hạng nhạc pop với các bản thu âm của mình.
Năm 1990, người hâm mộ World Cup còn được thưởng thức màn trình diễn của Pavarotti cùng Placido Domingo và Jose Carreras, vốn được mệnh danh là “3 giọng ca tenor” hàng đầu thế giới. Bản thu âm màn hòa nhạc của 3 giọng ca này ở Roma, một phần trong chương trình ủng hộ FIFA World Cup ở Italy năm đó, trở thành album nhạc cổ điển ăn khách nhất mọi thời.
Nhiều người hâm mộ bóng đá ban đầu có thể nhầm lẫn Pavarotti với Bud Spencer, bởi cả ca sĩ opera và diễn viên này đều để râu quai nón và to béo như nhau. Đầu những năm 1990, tình trạng béo phì của Pavarott bắt đầu gây ra các vấn đề về sức khỏe mãn tính. Nhiều buổi hòa nhạc và màn trình diễn opera của ông liên tục bị hủy bỏ.
Nhưng khi Pavarotti trình diễn trên sân khấu, giọng ca vô cùng đặc biệt của ông vẫn luôn chinh phục được giới phê bình. Ông không ngại sử dụng tài năng opera của mình để cover các bản “hit” của các ngôi sao như Sting, Elton John hay thậm chí Bon Jovi. Tính đến nay, lượng đĩa bán ra của Pavarotti đã đạt hơn 100 triệu bản trên toàn cầu.
Paravotti còn tổ chức nhiều chương trình hòa nhạc từ thiện với các mục đích khác nhau, như các dự án hỗ trợ trẻ em ở Afghanistan, Guatemala hay Kosovo. Tên tuổi của huyền thoại opera này cũng trở thành một thương hiệu, điển hình là nước hoa Pavarotti được ra đời hồi năm 1994.
Năm 2006, Pavarotti cho biết ông đã mắc ung thư tuyến tụy. Ông qua đời vài tháng sau đó, ngày 6/9/2007, ở tuổi 71. Và dù gây ra những tranh chấp sau khi qua đời, di sản âm nhạc mà ông để lại vẫn là vĩnh cửu - như những gì được khẳng định trong phim tài liệu Pavarotti của Ron Howard.
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất