'Tây Du Ký' bị chê nhạy cảm, Hội đồng duyệt phim rút kinh nghiệm

08/02/2017 10:35 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Ra rạp vào 28/1/2017, Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện 2 là một trong những phim nước ngoài hiếm hoi được dán nhán mức P (phổ biến rộng rãi). Tuy nhiên, nhiều gia đình sau khi dẫn con nhỏ đi xem về phản ánh, phim này có nhiều cảnh nhạy cảm, không phù hợp với trẻ em.

Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện 2 là phim hài do Từ Khắc làm đạo diễn, Châu Tinh Trì sản xuất. Bộ phim này cải biên từ tác phẩm văn học Tây Du Ký, nhưng bám vào hệ thống nhân vật chính và hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh của 4 thầy trò Đường Tăng, còn lại sáng tạo lại hoàn toàn kịch bản, xây dựng lại tính cách nhân vật. 

Trong phim, bầy yêu tinh nhền nhện được phục sức rất gợi cảm, mặc áo trễ nải, có một số cảnh khoe ngực, khoe chân. Kết hợp với cảnh bầy yêu nhền nhện tìm cách quyến rũ thầy trò Đường Tăng thì khi phim này được xếp loại P, phổ biến rộng rãi, trẻ nhỏ cũng được xem thì khán giả cho rằng không phù hợp.


Các nhân vật yêu nhền nhện trong "Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện 2" đều rất gợi cảm

Trả lời câu hỏi Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện 2 quá gợi cảm nên để mức P là không phù hợp, ông Vũ Xuân Hưng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định phim truyện (Bộ VH,TT&DL), cho biết: Đây là phim hài giả tưởng có một số cảnh đánh nhau, một số cảnh Trư Bát Giới tán các cô yêu tinh. 

"Sau khi cân nhắc chúng tôi thấy rằng có thể để ở mức P (phổ biến rộng rãi). Việc phân loại phim theo hệ thống phân loại mới bắt đầu từ 1/1/2017, nên chúng tôi đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm, luôn sẵn sàng ghi nhận các ý kiến để điều chỉnh cho phù hợp" - ông Hưng nói thêm.

‘Tây du ký 2’ của Châu Tinh Trì dự đoán sẽ 'bá chủ' phòng vé Tết

‘Tây du ký 2’ của Châu Tinh Trì dự đoán sẽ 'bá chủ' phòng vé Tết

Sau thành công của ‘Tây du ký: Mối tình ngoại truyện’, phần tiếp theo của bộ phim dự kiến sẽ tiếp tục bội thu phòng vé, nhất là khi nó ra mắt vào ngày mùng 1 tết, thời điểm người Trung Quốc cho rằng 'phải xem Tây du ký'.


 






*Bộ phim Chạy đi rồi tính chỉ có một cảnh nữ tướng cướp trèo lên giường một nhân vật nam gọi là nhạy cảm không phù hợp với trẻ em, đã bị gán mức C16. Trong khi Tây Du Ký có cảnh các yêu tinh ăn mặc gợi cảm khoe ngực, khoe chân, quyến rũ thầy trò Đường Tăng lại để ở mức P. Vì sao vậy thưa ông?

- Chúng tôi phải cân nhắc tổng thể cả bộ phim chứ không tách ra như vậy. Chạy đi rồi tính còn có các yếu tố băng cướp, các yếu tố gây căng thẳng cho trẻ em nên xếp loại C16. Phim Tây Du Ký dựa trên tập truyện dành cho thiếu nhi, hiểu theo tinh thần đây là cuộc chiến với yêu ma, là phim thần thoại, yêu tinh biến hình để quyến rũ thầy trò đường Tăng thì nó sẽ khác.

* Nhưng căn cứ theo quy định của mức P, thì những cảnh nhạy cảm trong Tây Du Ký có phù hợp không?

- Sau khi có ý kiến của khán giả, của truyền thông, Hội đồng đã họp để rút kinh nghiệm. Vì chúng tôi mới thực hiện theo quy định được 1 tháng nên trong quá trình thực hiện gặp nhiều phản ánh cũng là điều dễ hiểu. Là những người chịu trách nhiệm phân loại, chúng tôi luôn tiếp thu ý kiến để điều chỉnh hợp lý.

* Các nhà sản xuất trong nước hiện nay cho rằng Hội đồng có vẻ nhẹ tay với phim ngoại hơn là phim nội. Ông nghĩ thế nào về điều này?

- Chúng tôi không phân biệt nội hay ngoại mà chỉ quan tâm đến nội dung và hình thức thể hiện của phim có vi phạm các quy định của pháp luật hay không mà thôi. Các nhà sản xuất trong nước do không nắm được thông tin nên thắc mắc cũng là điều dễ hiểu. Họ không biết đấy thôi, năm ngoái không có phim Việt nào bị cấm nhưng có trên 20 phim nước ngoài bị cấm. Những phim bị cắt sửa nhiều nhất và bị cắt nặng hơn đều là phim ngoại, vì phần lớn là phim bạo lực, kinh dị.

Trong quá trình duyệt phim chúng tôi cũng có một băn khoăn, dù băn khoăn này không thuộc trách nhiệm của hội đồng, đó là phim dành cho thiếu nhi qua ít. Ngoài một ít phim hoạt hình, còn lại ngoài rạp chỉ chủ yếu là phim bạo lực, kinh dị dành cho người lớn. Vào dịp Tết cả gia đình đi xem sẽ khó có thể tìm thấy phim thích hợp. Nên khi phân loại, chúng tôi cũng đã cân nhắc đến yếu tố Tây Du Ký dựa theo bộ truyện dành cho trẻ em, dù có biến đổi hình thức thể hiện, nhưng hội đồng quyết định để loại P.

Việt Nam chính thức phân loại phim cho khán giả đến mức 13 tuổi

Việt Nam chính thức phân loại phim cho khán giả đến mức 13 tuổi

Từ ngày 1/1/2017, điện ảnh Việt Nam sẽ chính thức phân loại phim theo độ tuổi với 4 mức độ, thay vì chỉ phân loại theo tiêu chí 16+ như hiện nay.

*Hệ thống mới phân loại khán giả chi tiết hơn, nhưng có đủ cụ thể, chi tiết để giúp Hội đồng thẩm định phim không?

- Bạn biết đấy, nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng là hoạt động phong phú, sinh động và trừu tượng nên mọi quy định chỉ mang tính tương đối. Hệ thống phân loại phim này không có gì để định lượng chính xác, như cân đong, đo đếm thời gian, thời lượng cụ thể mà chỉ đưa ra yêu cầu mang tính pháp quy thôi. Các thành viên hội đồng căn cứ vào đó và kinh nghiệm hoạt động cá nhân để làm việc.

Việc đánh giá một tác phẩm điện ảnh chưa bao giờ là dễ cả vì ngôn ngữ vô cùng đa dạng, thậm chí trừu tượng. Qua 1 tháng hoạt động chúng tôi đã rút ra rất nhiều kinh nghiệm.

Từ ngày 1/1/2017, điện ảnh Việt Nam chính thức phân loại phim theo độ tuổi với 4 mức độ: P (phim phù hợp với khán giả ở mọi lứa tuổi), C13 (Phim cho khán giả từ 13 tuổi trở lên), C16 (Phim cho khán giả từ 16 tuổi trở lên), C18 (Phim cho khán giả từ 18 tuổi trở lên).

Ở mỗi mức độ phân loại, đều đề cập đến 6 yếu tố: 1. Chủ đề, nội dung; 2. Bạo lực; 3. Khỏa thân, tình dục; 4. Ma túy, các chất kích thích, gây nghiện; 5. Kinh dị; 6. Ngôn ngữ, hình ảnh thô tục. Các yếu tố bạo lực, tình dục, ngôn ngữ, hình ảnh... đều có những quy định cụ thể, để giúp hội đồng duyệt phim căn cứ vào đó xác định dán nhãn cho phim.

Một Hội đồng thẩm định phim truyện mới đã được Bộ VH,TT&DL thành lập. Hội đồng này đã chính thức hoạt động từ 1/1/2017.

Một số hình ảnh trong phim "Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện 2":


















Thể thao & Văn hóa sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến xung quanh sự việc. 

Ngọc Diệp (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm