21/11/2018 11:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Phim Thạch Thảo (ĐD Mai Thế Hiệp) sở hữu dàn diễn viên mới, hợp vai các cô cậu học trò phổ thông, nhưng chính những nét diễn hồn nhiên, trong sáng của họ cũng là lý do khiến phim lộ ra sự non nớt, vụng về. Giá như…!
Đây là câu chuyện về tuổi học trò đẹp đẽ của Thạch - chàng trai mới chuyển từ thành thị về sinh sống ở phố núi và Thảo - cô gái Tây Nguyên sống khép kín. Song song với những mẩu chuyện về tình bạn, những rung động thơ ngây của tuổi mới lớn, phim còn đề cập nạn xâm hại tình dục trẻ - vấn đề khá nóng trong xã hội hiện nay.
Đánh thức vùng đất Tây Nguyên
Hòa trong trào lưu săn lùng bối cảnh đẹp đưa lên phim, Thạch Thảo giới thiệu đến người xem mảnh đất còn mới mẻ trên màn ảnh: Kon Tum.
Phố núi Tây Nguyên này hiện lên hết sức trong trẻo, thanh bình qua hình ảnh cây cầu treo Kon Klor yên ả, nối liền hai bờ của dòng sông Đắk Bla huyền thoại. Ngôi nhà thờ gỗ với tuổi đời hàng thế kỷ của đồng bào Ba Na; khu rừng nguyên sinh Măng Đen được bao phủ bởi những đồi thông xanh ngút ngàn. Hoặc ngọn thác Pa Sỹ nguyên sơ, bình dị như một dải lụa mềm nằm giữa núi rừng.
Con người Tây Nguyên cũng hiện lên hết sức đáng yêu qua hình ảnh già làng chất phác, đôn hậu; cô tổng phụ trách Mai Ngor nhiệt tình; cậu học sinh A Rok vui tính, tốt bụng; mẹ của A Rok hiền lành…
Bản sắc Tây Nguyên còn được khắc họa rõ nét, đan xen vào câu chuyện của phim như cảnh một đám tang trên đường với tiếng cồng chiêng đặc trưng của rừng núi. Hoặc món cơm lam muối é đi rừng của A Rok; hoặc món canh cà đắng mà cô Mai Ngor thết đãi.
Nếu Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có công quảng bá du lịch cho vùng đất Phú Yên, có lẽ Thạch Thảo cũng sẽ khiến công chúng tò mò muốn đến những địa danh kể trên để tận hưởng không khí trong lành, hoang sơ của Kon Tum.
Nếu có điều gì là tiếc nuối, đó là phần bối cảnh chính, khi nhà của Thảo - một biệt thự lộng lẫy, kiến trúc Tây - và nhà mà anh em Thạch thuê - mang phong cách hiện đại - chúng như lọt thỏm vào bầu không khí mang hơi thở núi rừng. Nếu chọn hai căn nhà gần văn hóa bản địa, cảm giác gần gũi với thiên nhiên sẽ trọn vẹn hơn.
Thiếu mà thừa
Kịch bản Thạch Thảo có vẻ hơi tham khi cố đưa vào vấn đề xâm hại tình dục nhằm làm tăng kịch tính, tăng sức nặng cho phim. Nhưng do Mai Thế Hiệp chưa có nhiều kinh nghiệm đạo diễn, cộng thêm dàn diễn viên chính còn quá non trẻ và yếu nghề, nên nhiều thước phim khá vụng về, thiếu sự đan cài. Chính vì vậy, câu chuyện học đường và xâm hại tình dục chưa thật sự gắn kết hợp lý với nhau.
Thiếu chăm chút phần nhạc phim, lạm dụng hình ảnh quay theo kiểu video clip ca nhạc, ít dành thời gian làm bật cảm xúc nhân vật, thiếu lột tả mối quan hệ giữa các nhân vật, nhưng lại sa đà vào những chi tiết xâm hại tình dục, khai thác vàng trái phép, phu vàng bỏ trốn… làm tình huống phim hơi ngô nghê, dễ dãi.
Phim lại ra rạp trong thời điểm một phim học trò khác là Năm tháng ấy tôi từng theo đuổi em (Nhật Bản) đang chiếu, nên không tránh khỏi sự so sánh. Thà cứ thuần túy khai thác đề tài học trò, với những rung động đầu đời, vụng dại ngây ngô như Năm tháng ấy tôi từng theo đuổi em, thay vì ôm đồm, thì Thạch Thảo có lẽ sẽ đáng yêu, thu hút hơn.
Phim Việt, nhất là những phim có vốn nhà nước như Thạch Thảo, dường như vẫn còn bị ảnh hưởng với việc phải tăng thông điệp, luận đề… bằng các chủ đề nóng trong xã hội? Hậu quả là luận đề nào cũng làm chưa khéo, chưa tới, khiến phim vừa thừa lại vừa thiếu, biến sở trường thành sở đoản.
Dương Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất