Tay vợt Li Na quyết định giải nghệ: Tạm biệt Nữ hoàng quần vợt châu Á

20/09/2014 09:41 GMT+7 | Tennis

(lienminhbng.org) - Trong khi những người đồng hương chuẩn bị cho hành trình bảo vệ tấm HCV tại ASIAD 17 thì tay vợt số một châu Á Li Na đã quyết định từ giã sự nghiệp bởi gánh nặng về tuổi tác và chấn thương.

Chắc chắn, sự chia tay của Li sẽ để lại một khoảng trống lớn cho quần vợt Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung. Nên nhớ, cô là tay vợt duy nhất của lục địa này từng chinh phục được danh hiệu Grand Slam danh giá (Roland Garros 2011 và Australian Open 2014).

Đã đến lúc Li Na nghỉ ngơi

Thật ra, đây không phải lần đầu tiên Li nói lời chia tay với trái banh nỉ. 12 năm trước, vì mâu thuẫn với ban huấn luyện và liên đoàn quần vợt Trung Quốc, cô đã theo học tại ĐH khoa học công nghệ Huazhong. Hai năm sau, cô đã trở lại với sự nghiệp quần vợt nhà nghề và tái hòa nhập khá nhanh chóng. Phải đến năm 2009, Li mới tốt nghiệp đại học, với tấm bằng… cử nhân báo chí.

Hôm qua, trên facebook của mình, Li đã viết một bức tâm thư rất dài gửi bạn bè và người hâm mộ để thông báo quyết định giải nghệ. Sau 4 lần phẫu thuật đầu gối (lần gần nhất hồi tháng Bảy), cô cảm thấy rằng mình sẽ không thể thi đấu đúng với 100% phong độ và quyết định nói lời chia tay. Trước đó, Li đã dự định tham dự giải Vũ Hán mở rộng trên quê nhà. Đây là giải đấu quy tụ toàn bộ ngôi sao lớn của làng quần vợt nữ như Serena Wiliams (hạng 1 WTA), Simona Halep (2), Petra Kvitova (3), Maria Sharapova (4), Agnieszka Radwanska (5),…

Trong thông báo của mình, Li bảo rằng cô muốn giành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Các blogger cho rằng Li đã nghĩ đến chuyện sinh con. Li và Shan Jiang (từng là HLV của cô) đã cưới nhau từ tháng 1/2006 nhưng vẫn chưa có con vì bận rộn với những kế hoạch thi đấu. Thật ra, sau những gì đã đạt được (2 Grand Slam, xếp hạng 2 thế giới, vượt mốc 500 trận thắng trong sự nghiệp, kiếm hơn 16 triệu USD tiền thưởng,…), cô hoàn toàn có quyền nghỉ ngơi.

Không tiếc vì thiếu HCV ASIAD

Dù là tay vợt số một châu Á, nhưng Li Na chưa một lần giành HCV cá nhân ở ASIAD. Phải chăng đó là một sự tiếc nuối trong sự nghiệp của cô. Thật ra, đối với một tay vợt đã từng vô địch Grand Slam như Li, giành HCV ở ASIAD chẳng phải là chiến tích gì to tát cho lắm.

Năm 2002, khi ASIAD diễn ra tại Busan, Hàn Quốc, Li không tham dự vì mâu thuẫn nặng nề với các quan chức thể thao nước này về những cơ chế trói buộc hoàn toàn không phù hợp với quần vợt chuyên nghiệp. Ở Doha 2006, cô bất ngờ thua Sania Mirza ở bán kết đơn nữ và chỉ giành HCĐ. Tại Quảng Châu 4 năm trước, dù đang có phong độ rất tốt khi trở thành tay vợt châu Á đầu tiên gia nhập top 10, Li vẫn quyết định không dự nội dung đơn nữ để nhường cho các tay vợt nữ trẻ hơn. Thay vào đó, cô chỉ tham dự nội dung đồng đội và góp công lớn vào tấm HCV của đội tuyển Trung Quốc.

Lịch sử ghi nhận Li là “kẻ nổi loạn” đầu tiên của quần vợt Trung Quốc khi cô quyết định “ra ở riêng” chứ không còn thi đấu theo sự sắp xếp của Liên đoàn quần vợt nước này. Song chính việc tự chủ mọi mặt, từ xếp lịch thi đấu, thuê HLV, cho đến chọn giải đấu, ký hợp đồng tài trợ, đã giúp cô từ một tài năng trẻ trở thành một tay vợt lớn thực sự.

Xu hướng ấy đã được Peng Shuai, Zhang Shuai và Zheng Jie tiếp nối và giúp họ gặt hái được những thành công nhất định. Peng Shuai, nhà vô địch đơn nữ tại ASIAD 2010, vừa lọt vào bán kết US Open, và hứa hẹn sẽ là người kế tục Li Na.  

6 Li Na từ giã sự nghiệp khi đang xếp hạng 6 thế giới. Vị trí cao nhất trong sự nghiệp của cô là hạng 2 thế giới hồi tháng Hai năm nay, ngay sau khi vô địch Australian Open.

9 Số danh hiệu WTA của Li Na, trong đó có 2 Grand Slam (Roland Garros 2011 và Australian Open 2014). Ngoài ra, cô còn có 19 danh hiệu ITF.

503 Số trận thắng trong sự nghiệp của Li Na (trên tổng số 691 trận), đạt hiệu suất 72,79%.


Phương Chi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm