23/11/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - (LTS) Phát triển công nghiệp văn hóa góp phần tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa và đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Nhiều nước quan tâm tới phát triển công nghiệp văn hóa và rất thành công, như: Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á: Thái Lan, Singapore…
Tuy nhiên, sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đến nay còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năm và thế mạnh. Chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam” của báo Thể thao & Văn hóa nhìn lại bài học thành công của các nước, đặc biệt là về chính sách, cũng như giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực này ở Việt Nam hiện nay.
Công nghiệp văn hóa - nhìn từ thành công của Hàn Quốc
Tháng 9/2021, nhóm nhạc nam BTS đã có bài phát biểu trong khuôn khổ phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 76 tại New York. Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã bổ nhiệm BTS là Đặc phái viên ngoại giao công chúng.
Cho tới năm 2021, hơn 8 năm kể từ khi chính thức ra mắt vào năm 2013, BTS đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Hàn Quốc với thế giới. Nhưng trước BTS, “làn sóng Hallyu” - “làn sóng văn hóa Hàn Quốc” thực sự đã “phủ sóng” khắp châu Á nói riêng cũng như toàn thế giới.
Để có được thành công và sự ảnh hưởng toàn cầu như ngày hôm nay, Hàn Quốc đã vạch ra cho mình chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa từ nhiều thập kỷ trước.
Văn hóa Hàn Quốc “phủ sóng” toàn cầu
Người Hàn từng tỏ ra bất mãn vì suốt nhiều thập kỷ, danh tiếng đất nước nàychỉ được thế giới biết tới thông qua các dòng ô tô và thiết bị công nghệ (Samsung, LG hay Hyundai…). Nhưng cho tới thời điểm này, dấu ấn văn hóa Hàn trên đời sống toàn cầu đã có thể khiến người Hàn có thể cảm thấy tự hào.
Thời điểm những năm 1990, phim truyền hình và âm nhạc Hàn Quốc bắt đầu trở nên nổi tiếng ở khu vực châu Á, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam... Năm 1997, bộ phim Tình yêu là gì? sau khi phát sóng trên đài CCTV đã nhanh chóng chiếm vị trí thứ 2 trong danh sách các sản phẩm video nhập khẩu từ nước ngoài được yêu thích nhất trong lịch sử của Trung Quốc, và kể từ đây, thuật ngữ "Hallyu" - Làn sóng văn hóa Hàn Quốc - đã chính thức xuất hiện.
Năm 2003, bộ phim Bản tình ca mùa Đông phát sóng trên kênh NHK gây được tiếng vang lớn. Gần 20 năm đã trôi qua, nhưng những người Hàn làm du lịch ở đảo Nami vẫn giữ lại bối cảnh bộ phim để phục vụ du lịch và trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách nước ngoài khi đến Hàn Quốc.
Năm 2021 này, các ngôi sao K-pop, như: BTS, Blackpink… được yêu thích khắp thế giới. Bộ phim truyền hình dài 9 tập Squid Game (Trò chơi con mực) hay trước đó là Parasite (Ký sinh trùng - phim giành giải Oscar 2020)… đã nổi danh khắp các châu lục. Tầm ảnh hưởng của văn hóa Hàn gần như không có biên giới.
Không chỉ mang lại những giá trị về mặt tinh thần, với tư cách là nhà sản xuất văn hóa đại chúng Hàn Quốc thành công nhất, BTS và công ty quản lý đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc gia. Ngoài doanh thu bán đĩa nhạc, hàng hóa và vé xem các buổi hòa nhạc, việc thu hút số lượng khách du lịch tới Hàn Quốc bởi vì yêu thích nhóm nhạc này cũng tăng mạnh.
Theo thống kê, trong năm 2017, ước tính khoảng 800.000 du khách vào Hàn Quốc (chiếm 7% trong số lượt khách đến) chỉ bởi vì yêu thích ban nhạc BTS. Các thành viên trong nhóm nhạc BTS được mệnh danh là "Đại sứ du lịch danh dự" của Seoul khi giành được sự quan tâm lớn của du khách đến thành phố thông qua sáng kiến "Live Seoul Like I Do". Mặt khác, danh sách các địa điểm xuất hiện trong MV của BTS cũng trở thành điểm đến yêu thích của du khách.
Tháng 12/2018 (thời điểm đại dịch Covid-19 chưa hoành hành khắp thế giới), Viện nghiên cứu Hyundai (HRI) của Hàn Quốc cho biết giá trị kinh tế hàng năm mà nhóm nhạc BTS mang lại cho nước này ước tính vào khoảng 4.000 tỉ won (tương đương khoảng 3,5 tỉ USD). Trong khi đó, với mức doanh thu trung bình hàng năm 160 tỉ won của các công ty cỡ trung tại Hàn Quốc, giá trị kinh tế mà nhóm nhạc nam này mang lại tương đương doanh thu của 26 công ty như thế cộnglại.
Người Hàn đã làm gì để phát triển công nghiệp văn hóa?
Về mặt quản lý nhà nước, ở Hàn Quốc, Tổng cục Công nghiệp Văn hóa được thành lập, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch. Hàn Quốc đã tiến hành những đổi mới về thể chế và tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho việc phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, năm 1972 thông qua Luật Thúc đẩy nghệ thuật và văn hóa; năm 1999 ban hành Luật Xúc tiến công nghiệp văn hóa (sửa đổi năm 2002). Năm 1995, các tỉnh, thành cũng vận hành chính sách chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hoá cấp tỉnh.
Chính phủ Hàn Quốc cũng thành lập các tổ chức chuyên môn hỗ trợ sản xuất hàng hóa và dịch vụ văn hóa từ nguồn tài chính khởi nghiệp cho tới dịch vụ quảng bá sản phẩm; đồng thời cũng có chính sách giảm thuế, cải tiến, phát triển kỹ thuật và trang thiết bị công nghệ hỗ trợ ngành công nghiệp đặc biệt này.
Theo Luật Xúc tiến công nghiệp văn hóa năm 1999 nói trên, phạm vi của công nghiệp văn hóa gồm nghệ thuật nghe nhìn, game, âm nhạc, phát thanh truyền hình, quảng cáo, xuất bản, thiết kế, nghề thủ công, phim hoạt hình, các nội dung số hóa…
Nhờ có các quy định và hành lang pháp lý rõ ràng, công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đã bắt đầu mang về những nguồn lợi đáng kể từ những năm 2000. Theo số liệu của Viện Chính sách Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc, năm 2005, tỉ lệ tăng trưởng hàng năm của công nghiệp văn hóa Hàn Quốc là 10%. Cũng trong năm 2005, doanh thu từ phim đạt 3,8 tỉ USD. Sự thành công của ngành điện ảnh Hàn Quốc được các chuyên gia lý giải là do có những chính sách phù hợp và sự hội nhập nhanh chóng của các thế hệ làm phim Hàn Quốc.
Rõ ràng, lợi ích của công nghiệp văn hóa được thể hiện trên nhiều mặt: đóng góp lớn cho kinh tế quốc dân, tạo thêm nhiều việc làm, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, lan tỏa giá trị văn hóa trở thành “sức mạnh mềm” và biểu tượng quốc gia...Nhưng liệu chúng ta có học được gì từ bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc?
Công nghiệp văn hóa trên thế giới đóng góp không nhỏ vào GDP Theo Báo cáo của Mạng lưới chuyên gia châu Âu về văn hóa, năm 2008 tại châu Âu, công nghiệp văn hóa có tổng giá trị chiếm tới 4,5% GDP, với lực lượng lao động chiếm tới 3,9% lực lượng lao động trên toàn châu Âu. Tại Anh, công nghiệp sáng tạo là một trong những ngành có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế. Năm 2009, ngành công nghiệp sáng tạo chiếm khoảng 10,6% xuất khẩu của Vương quốc Anh và cung cấp khoảng 2 triệu việc làm. Nước Mỹ từ nhiều thập niên trước đã phát triển công nghiệp giải trí như một lĩnh vực kinh tế chiến lược, một công cụ hữu hiệu để khẳng định sự hiện diện của văn hóa Mỹ trên toàn cầu. |
Hằng Nga - Trường Chính trị Khánh Hòa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất