08/12/2021 14:06 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nhạc sĩ Phú Quang nổi tiếng với hàng loạt ca khúc trữ tình, đặc biệt về Hà Nội, mùa thu và mùa đông.
Nhiều đồng nghiệp, bạn bè bàng hoàng trước tin buồn nhạc sĩ Phú Quang qua đời sáng 8/12. Nhạc sĩ Phú Quang quê gốc Hà Nội, sinh năm 1949 ở huyện Cẩm Khê, Phú Thọ.
Trong kho tàng hơn 600 bài hát của ông, đa số sáng tác viết về Hà Nội. Năm 2020, Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ở Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 13 do báo Thể thao & Văn hoá (TTXVN) tổ chức.
Mới đây, nhạc sĩ Phú Quang là một trong 37 tác giả được Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước thông qua hồ sơ, đăng tải trên trang web Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để lấy ý kiến của nhân dân về việc xét giải Nhà nước trước khi hoàn thiện danh sách vào ngày 1/7.
Nhạc sĩ Phú Quang được đề nghị vinh danh với năm tác phẩm: Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Chiều phủ Tây Hồ, Điều giản dị và khí nhạc Tình yêu của biển (Solo Fute et orchestre).
Hồ Trung Dũng hát "Điều giản dị"
Nhiều bài thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng như Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo)...
Cách đây ít ngày, trong chương trình Quán thanh xuân tháng 12 với chủ đề Những mùa đông yêu dấu, đã có một trích đoạn dành riêng để nói về tác phẩm nổi tiếng của Phú Quang Em ơi Hà Nội phố cũng như chia sẻ của nhạc sĩ về hoàn cảnh ông sáng tác ca khúc này.
Đoạn phim được ghi hình từ khi Phú Quang còn khỏe. Ông cho biết sau khi vào TP.HCM sống được nửa năm, ông ngày càng nhớ Hà Nội. Trong một buổi gặp gỡ ở TP.HCM, nhà thơ Phan Vũ đọc cho Phú Quang nghe bài thơ Em ơi, Hà Nội phố" gồm 443 câu thơ chia thành 24 đoạn và chỉ hai ngày sau đó ông đã viết ca khúc Em ơi, Hà Nội phố.
"Em ơi Hà Nội phố" - ca sĩ Tùng Dương
Sau này, nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận xét về Em ơi, Hà Nội phố: "Từ một bài thơ dài hơn 400 câu của Phan Vũ, Phú Quang chọn lấy 21 câu để phổ nhạc mà vẫn đảm bảo một ấn tượng nhất quán và thuyết phục, có thể coi như tái sinh trong hình hài mới".
Trong khi đó, bài hát Hà Nội ngày trở về được ông viết trong "ngày nỗi nhớ đã trở thành se sắt". Trong căn nhà ở Sài Gòn, ông bắt gặp những vần thơ của Doãn Thanh Tùng: "Vội vã trở về", "Vội vã ra đi" và "Chạm vai gầy áo mẹ" - cảm thấy nhớ những điều thiết thân, giống mình quá nên lập tức viết nên giai điệu.
Những sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Phú Quang còn có: Khúc mùa thu, Đâu phải bởi mùa thu, Biển của thời đã mất, Nỗi nhớ mùa đông, Trong miền ký ức, Mùa hạ còn đâu, Dạ khúc, Biển nỗi nhớ và em, Nỗi nhớ, Chiều hoang, Tình khúc 24…
Nếu mùa thu Hà Nội thành cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ, Phú Quang ấn tượng hơn hết thời khắc cuối thu đầu đông - đặc sản Hà Nội. Nhạc sĩ từng nói đó là quãng thời gian đẹp nhất, ai đã cảm nhận được vẻ đẹp của khoảnh khắc đó không thể nào quên.
"Nỗi nhớ mùa đông" - ca sĩ Ngọc Anh
Tinh thần "Thu rất thật thu là khi chớm đông sang" - tên bài hát cách đây vài năm của ông - xuất hiện trong nhiều ca khúc. Hà Nội của Phú Quang mang hơi se lạnh, chút hiu hắt của mùa: "Dường như ai đi ngang cửa gió mùa đông bắc se lòng/ Chiếc lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi" (Nỗi nhớ mùa đông), "Một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may" (Mơ về nơi xa lắm)...
Hà Nội trong nỗi nhớ của Phú Quang còn tạo nên một tuyệt phẩm nữa là ca khúc Nỗi nhớ mùa đông khiến khán giả yêu nhạc đặt cho ông biệt danh "ông hoàng nhạc tình mùa đông".
"Làm sao về được mùa đông? Chiều thu - cây cầu... đã gãy… Vờ như mùa đông đang về" - vì yêu thích những câu thơ, ông đã viết thêm ca từ tạo nên ca khúc hoàn thiện - Nỗi nhớ mùa đông. Bài hát cũng ra đời khi Phú Quang đang ở Sài Gòn, lòng da diết nhớ quê hương, Hà Nội, nhớ người thân, bạn bè, nhớ về mùa đông xứ Bắc...
Bên cạnh đó, nhạc sĩ Phú Quang có các tác phẩm khí nhạc tiêu biểu: Niềm tin, Khát vọng, Chuyện kể về tình yêu, Câu chuyện truyền thuyết, Cõi người… Bản thân anh làm nhạc cho nhiều bộ phim nghệ thuật hoặc ăn khách: Tình khúc 68, Bao giờ cho đến tháng Mười, Vị đắng tình yêu, Ai xuôi vạn lý, Hải Nguyệt, Có một tình yêu như thế, Băng qua bóng tối, Huyền thoại về người mẹ… Nhạc cho phim truyền hình dài tập ví dụ Ông cố vấn, Dốc tình... Nhạc cho sân khấu kịch của Hà Nội ví dụ Bài ca Điện Biên, Vòng tay anh vòng tay em, Trần Thủ Độ... Nhạc cho ballet ví dụ vở Sự ân hận muộn màng.
Ca khúc của Phú Quang chủ yếu là tình khúc - gồm tình ca và cả tự tình về Hà Nội - thành phố quê hương, trái tim yêu của cả nước. Cho nên Phú Quang được gọi là nhạc sĩ của Hà Nội, của tình yêu.
Ca sĩ Tấn Minh: '15-16 tuổi tôi đã yêu nhạc Phú Quang rồi' Ca sĩ Tấn Minh bảo mình gắn bó nên yêu và hiểu Hà Nội hơn cả nơi mình sinh ra. Anh cũng yêu nhạc Phú Quang bởi anh cảm nhận được những câu chuyện nhạc sĩ kể trong tác phẩm. Xem thêm chia sẻ của ca sĩ Tấn Minh TẠI ĐÂY |
Bảo Anh (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất