08/08/2019 20:22 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Ông Phan Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, cho biết sáng 8/8, khi đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh để cưỡng chế phá dỡ ụ bê tông đổ trái phép trên đường dẫn vào Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển thỏ Hòa Phát ở khu Lịch 2, xã Hương Cần, ba nữ chiến sỹ của Công an huyện Thanh Sơn đã bị một đối tượng nữ nhiễm HIV lao vào cắn.
Cụ thể, khi tổ công tác tiến hành cưỡng chế phá dỡ các ụ bê tông do một số đối tượng tự ý đổ lên đường dẫn vào Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển thỏ Hòa Phát, với mục đích không cho xe ô tô vào Công ty, thì hàng chục người dân kéo đến phản đối.
Khi lực lượng Công an lập hàng rào bảo vệ, đảm bảo an ninh, ba nữ chiến sỹ Công an huyện Thanh Sơn đã bị đối tượng nhiễm HIV là Đinh Thị Châm (sinh năm 1982, trú tại khu Lịch 2, xã Hương Cần) lao vào cắn. Ngay sau khi sự việc xảy ra, các nữ chiến sỹ đã được đưa đi tiêm phơi nhiễm HIV, đối tượng Châm được đưa về cơ quan điều tra.
Năm 2015, trên vùng đất này, Công ty đầu tư dự án chăn nuôi lợn đã gây ô nhiễm môi trường bị chính quyền địa phương xử phạt. Đến năm 2016, Công ty này chuyển sang nuôi thỏ thì bị một số đối tượng quá khích, kích động người dân vào đập chết thỏ, gây mất an ninh trật tự tại địa phương khiến Công ty bị thiệt hại nặng nề.
Sau thời gian hoạt động thua lỗ, Công ty đầu tư dự án chăn nuôi lợn đã bán lại cơ sở vật chất cho Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển thỏ Hòa Phát để thực hiện dự án trồng nấm. Ông Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển thỏ Hòa Phát chia sẻ: Ngoài việc chuyển hết số nước thải ở 3 bể chứa phân lợn trước đây, khi chuẩn bị lắp đặt hệ thống để trồng nấm, tôi đã trực tiếp trao đổi với 179 hộ dân ở khu Lịch 2, đồng thời giải thích trồng nấm sẽ không gây ô nhiễm môi trường, đường vào Công ty cũng sẽ được mở trên phần đất của Công ty. Tuy nhiên, một số đối tượng tuyên bố không cho Công ty hoạt động, đồng thời có hành động hủy hoại tài sản của Công ty, dùng súng cao su, gạch đá ném vào Công ty và các công nhân viên của Công ty.
Cũng theo ông Long, với tư tưởng "lấy dân làm gốc", khi họp dân, Công ty đã cam kết khi trồng nấm sẽ không gây ô nhiễm, đồng thời hứa hỗ trợ khu Lịch 2 số tiền 300 triệu đồng và những năm tiếp theo sẽ hỗ trợ 100 triệu đồng/năm để người dân trong khu có nguồn quỹ công ích thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Ông Long cũng khẳng định, ngoài việc làm đường đi riêng trên đất của Công ty, chúng tôi sẽ không đi trên con đường cũ dẫn ra đồng, mặc dù đường bê tông này do Công ty đầu tư thi công. Công ty cũng cam kết giai đoạn đầu đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 100 lao động địa phương, tiến tới Công ty mở rộng mô hình liên kết trồng nấm với người dân.
Trung Kiên - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất