15/11/2019 22:26 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Ngày 15/11, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội (viết tắt là Công ty Tuần Châu) và bị đơn là Công ty Cổ phần đầu tư tổng hợp truyền thông DS (viết tắt là Công ty DS) do đạo diễn Nguyễn Việt Tú là Giám đốc.
Vụ kiện liên quan đến kịch bản “Ngày xưa” – vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam do đạo diễn Việt Tú xây dựng và Tuần Châu là chủ đầu tư. Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo của cả hai phía Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú.
Trước đó, tại phiên tòa bị hoãn vào ngày 10/10, đạo diễn Hoàng Nhật Nam (tác giả vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”) không được mời đến tòa, nhưng ông Nam vẫn có mặt và bày tỏ mong muốn được tham dự phiên tòa để bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình.
Trong phiên tòa ngày 15/11, Tòa án đã mời đạo diễn Hoàng Nhật Nam đến dự phiên tòa để tham gia tố tụng, cung cấp những thông tin cần thiết để giải quyết vụ án được khách quan, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại phiên tòa, đạo diễn Hoàng Nhật Nam mong được tòa xem xét để mình tham dự tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, để được quyền cung cấp các tài liệu liên quan, được mời luật sư bảo vệ quyền lợi. Về việc này, Hội đồng xét xử cho biết, sẽ xem xét yêu cầu của ông Nam trong quá trình xét xử.
Tại phiên tòa, đạo diễn Nguyễn Việt Tú giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Phía Công ty Tuần Châu rút kháng cáo đối với nội dung cấp sơ thẩm tuyên Tuần Châu bồi thường cho Công ty DS hơn 900 triệu đồng. Các nội dung kháng cáo còn lại, phía Tuần Châu giữ nguyên. Đối với đề nghị bác nội dung tuyên “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của vở diễn “Ngày xưa”, người đại diện Tuần Châu lý giải giữ nội dung kháng cáo này vì liên quan tới uy tín của doanh nghiệp và đối tác của họ là đạo diễn Hoàng Nhật Nam. Tuy nhiên, người đại diện Tuần Châu khẳng định luôn muốn hòa giải thiện chí.
Luật sư phía Công ty Tuần Châu trình bày thêm, khoản 8, điều 4, Luật Sở hữu Trí tuệ nêu rõ “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn”. Luật sư cho rằng cấp sơ thẩm đã căn cứ vào Điều 202, Điều 205 - Luật Sở hữu trí tuệ nhưng lại bỏ quên quy định tại Điều 4, khoản 8 cùng luật này khi tuyên “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh. Luật sư của nguyên đơn khẳng định, nếu theo quy định điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (định nghĩa về tác phẩm phái sinh), “Tinh hoa Bắc Bộ” không phải là tác phẩm phái sinh.
Ngoài ra, đại diện nguyên đơn nêu rằng, Tòa cấp sơ thẩm đã bỏ quên văn bản quan trọng mà họ đã nộp lên tòa đó là công văn 295 của Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Theo người đại diện này, công văn trên trả lời cho Công ty DS về việc đề nghị hủy giấy chứng nhận tác giả với Tinh hoa Bắc Bộ do không đáp ứng khoản 3 điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ nghĩa là sao chép. Nhưng Cục này trả lời căn cứ cho thấy chưa có đủ điều kiện hủy giấy chứng nhận tác giả với “Tinh hoa Bắc Bộ” của đạo diễn Hoàng Nhật Nam vì chưa đủ cơ sở cho rằng đây là tác phẩm phái sinh, có sao chép. Do vậy, phía Tuần Châu đề nghị Tòa cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty DS, tuyên tác phẩm “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm độc lập, không phải là tác phẩm phái sinh của vở “Ngày Xưa” của đạo diễn Nguyễn Việt Tú.
Phía Công ty DS cũng trình bày cụ thể các nội dung kháng cáo của mình. Theo đó, DS tiếp tục yêu cầu Tuần Châu Hà Nội thanh toán khoản thu nhập họ bị mất, chi phí luật sư…tổng cộng là hơn 7,6 tỷ đồng. Mặt khác, DS là đơn vị đang nắm quyền chủ sở hữu quyền tác giả. DS khẳng định chỉ chuyển quyền sở hữu kịch bản vở diễn Ngày xưa cho Tuần Châu khi Tuần Châu thanh toán đủ số tiền trên, hoàn tất thủ tục liên quan, có ghi nhận trên đăng ký quyền tác giả vở “Tinh hoa Bắc Bộ” nội dung: tác phẩm này là phái sinh của kịch bản vở diễn “Ngày xưa”.
Có mặt tại tòa, đạo diễn Hoàng Nhật Nam cảm ơn Hội đồng xét xử đã tạo điều kiện cho ông đến dự phiên tòa và được nói lên suy nghĩ của mình, đòi lại quyền độc lập của tác phẩm “Tinh hoa Bắc bộ”. Theo đạo diễn Hoàng Nhật Nam, vở “Tinh hoa Bắc Bộ” và “Ngày xưa” là hai tác phẩm có sáng tạo riêng, có nhịp đập, hơi thở riêng.
Để làm rõ nội dung này, Hội đồng xét xử đã dành nhiều thời gian để đạo diễn Hoàng Nhật Nam chỉ ra sự khác biệt giữa hai vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” và “Ngày xưa”.
Trong phần xét hỏi, thẩm phán Nguyễn Huyền Cường (chủ tọa phiên tòa) cho rằng, các bên ngay từ đầu đã không hiểu sâu về Luật Sở hữu trí tuệ mới dẫn đến tranh chấp ngày hôm nay. Sau khi dành nhiều thời gian, câu hỏi liên quan tới các điều khoản cụ thể trong hợp đồng, chủ tọa phiên tòa phân tích: “Nếu các bên khi ký hợp đồng với nhau chỉ đưa ra yêu cầu chung chung là vở diễn “chạm tim khán giả”, chúng tôi không biết xử thế nào. Ở đây đang xử tranh chấp hợp đồng. Nếu hợp đồng không quy định rõ yêu cầu thì khó xử. “Chạm đến trái tim khán giả” là chạm đến bao nhiêu người? Hai bên khi ký hợp đồng đã thực sự ổn hay chưa? Mục đích của Tòa án là hai bên biết không ổn, sẽ đứng ra thỏa thuận chứ đừng to tát làm gì”.
Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm. Đối với nội dung phía Tuần Châu rút kháng cáo không chấp nhận bồi thường hơn 900 triệu đồng, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị đình chỉ xét xử nội dung này. Về yêu cầu của phía đạo diễn Việt Tú đưa ra một số điều kiện buộc Tuần Châu phải thực hiện mới trả quyền sở hữu vở Ngày xưa, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, đây là yêu cầu vượt quá nội dung phản tố nên không có cơ sở chấp thuận.
Xét thấy cần phải có bản án chi tiết, Hội đồng xét xử quyết định nghị án kéo dài. Sáng 18/11, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất