08/08/2012 14:21 GMT+7 | Hành tinh bóng đá
(TT&VH)- Ngôi sao mới của M.U và bóng đá Nhật Bản, Shinji Kagawa, thổ lộ anh đã trưởng thành trong cảm hứng của bộ truyện tranh nổi tiếng toàn cầu về một cầu thủ Nhật vươn lên tầm thế giới, đội trưởng Tsubasa.
Sự nghiệp của ngôi sao từ hạng hai J-League tới đội bóng số một Premier League này rất giống với nhân vật tiểu thuyết bắt đầu sự nghiệp vào năm 1981, gây ra cơn sốt với những chú bé yêu bóng đá trên toàn thế giới và vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay.
Tsubasa Ozora, chơi bóng đá trong trường học để rồi sau đó trở thành một ngôi sao của Barcelona, có nhiều tên gọi khác nhau, Flash Kicker ở Mỹ, Captain Majed ở Trung Đông, hay Supercampeones ở Nam Mỹ (và Subasa ở Việt Nam). Cho tới ngày nay, đó vẫn là một trong những nhân vật truyện tranh phổ biến và được yêu thích nhất trong thế giới bóng đá.
Và không chỉ mình Kagawa, nhiều siêu sao đẳng cấp quốc tế khác như Alessandro Del Piero hay Fernando Torres cũng từng thừa nhận đó là thần tượng của họ khi còn nhỏ. Không chỉ cuốn hút và hấp dẫn, bộ truyện tranh còn được cho là phản ánh văn hóa bóng đá và mang tính dự báo với nền bóng đá Nhật Bản.
Tsubasa (phải) là nguồn cảm hứng cho các thế hệ cầu thủ Nhật- Ảnh Internet
Tsubasa, nhân vật chính trong truyện, là một tiền vệ tổ chức, nhưng sau này chuyển sang chơi tiền đạo, khiến cả một thế hệ cầu thủ Nhật Bản đều chỉ sản sinh ra những ngôi sao ở tuyến giữa, nhưng lại cực kỳ thiếu các hậu vệ đẳng cấp. Thậm chí tới ngày nay, những cầu thủ đá trung vệ ở đội tuyển quốc gia Nhật Bản vẫn là những tiền vệ chuyển đổi, còn các đội ở J-League thường phải dựa vào các ngoại binh cho vị trí này.
Nhưng bù lại, bóng đá Nhật sản sinh ra những tiền vệ vào loại xuất chúng của châu Á và có tầm ảnh hưởng vươn tới châu Âu, như Hidetoshi Nakata, Shunsuke Nakamura, Keisuke Honda và giờ là Kagawa, tất cả đều mang dáng dấp lối chơi của Tsubasa, kỹ thuật, năng động, đầy nhiệt huyết và khát khao.
Tính cách của Tsubasa cũng rất điển hình cho người Nhật và góp phần quan trọng vào thành công của anh trong truyện, và của các cầu thủ Nhật ngoài đời thực, trong bối cảnh không có nhiều lính đánh thuê châu Á có thể thành công ở châu Âu, nhất là tại giải đấu khắc nghiệt như Premier League.
Theo cuốn sách Soccernomics (Kinh tế học bóng đá) của Kuper và Szymanski, trong bóng đá có một khái niệm gọi là năng suất tập thể, số lượng những đường chuyền chính xác, mong muốn và sự sẵn sàng hy sinh vì đồng đội, tổng số quãng đường chạy trên sân… Riêng ở Nhật, với một xã hội công nghiệp hóa từ lâu và coi làm việc chăm chỉ như một đức tính bắt buộc, điều này đã tạo ra lợi thế cho họ trên sân bóng.
Trong bộ truyện tranh yêu thích của Del Piero, Torres và Kagawa, Tsubasa cũng đã có những buổi tập đến khi không còn chút sức lực nào, rất điển hình không chỉ với bóng đá hay thể thao, mà với cả xã hội Nhật Bản.
T.T
20 năm J-League Mãi tới năm 1993, Nhật Bản mới có giải vô địch bóng đá quốc gia chuyên nghiệp, J-League, nhưng giờ đây giải này đã được coi là có chất lượng tốt nhất châu Á.
Giải đấu cấp CLB đầu tiên của Nhật Bản, Giải vô địch quốc gia Nhật Bản (JSL), hình thành trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng mạnh 1960-1980. Được thành lập năm 1965, giải gồm 12 đội nghiệp dư này chấm dứt sự tồn tại năm 1992, khi LĐBĐ Nhật Bản (JFA) quyết định thành lập giải chuyên nghiệp sau màn ra mắt thành công của đội tuyển quốc gia ở AFC Cúp năm đó.
Cho tới khi đó, golf và bóng chày là những môn thể thao chiếm ưu thế ở Nhật, hơn hẳn so với bóng đá, nhưng J-League đã mang tới một luồng sinh khí mới cho túc cầu với làn sóng các cầu thủ ngoại. Đầu tiên là siêu sao Zico, người đã giúp đội vô danh Kashima Antlers trở thành á quân trong mùa giải đầu tiên. Rồi tới Dunga, rồi Dragan Stojkovic, chơi cho đội Nagoya Grampus do Arsene Wenger dẫn dắt.
Tới nay thì J-League đã lớn mạnh lên thành 18 đội và thu hút nhiều ngôi sao lớn, đặc biệt là những người đến từ Brazil. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất