06/08/2019 11:36 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Năm 2019, với nhiều phương thức xét tuyển đa dạng, các trường đại học đã tạo thêm nhiều cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.
Trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi, thông qua xét tuyển, nhiều thí sinh ở thành phố Vinh (Nghệ An) đã nhận được kết quả tuyển thẳng vào các trường đại học thuộc tốp đầu của cả nước. Đơn cử như em Nguyễn Văn Hùng, học sinh lớp 12 chuyên Hóa, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh, điểm tổng kết ba năm trung học phổ thông đều loại giỏi nên em được tuyển thẳng vào Học viện Tài chính.
Thầy giáo Lương Văn Tường, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chuyên Hóa, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh cho biết: Với cơ chế tuyển sinh hiện nay, học sinh trường chuyên rất thuận lợi để trúng tuyển vào đại học thông qua hình thức xét tuyển. Như ở lớp 12 chuyên Hóa, hầu hết học sinh đăng ký tuyển thẳng đều trúng tuyển.
Nếu như các năm trước, việc xét tuyển đại học bằng kết quả học tập trong những năm Trung học phổ thông thường chỉ thực hiện ở các trường tốp dưới thì năm nay rất nhiều trường đại học tốp đầu cũng ưu tiên tuyển sinh đối tượng này, nếu học sinh có học lực giỏi liên tục trong ba năm Trung học phổ thông (hoặc theo tổ hợp môn xét tuyển) hoặc là học sinh ở các trường chuyên.
Bên cạnh đó, nếu thí sinh có một trong các chứng chỉ Anh ngữ quốc tế như ELTS, TOEFL PBT hoặc TOEFL iBT thì việc trúng tuyển càng thuận lợi hơn. Đây cũng là lý do trong vài năm trở lại đây, nhiều học sinh Trung học phổ thông đã dành thời gian để thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và xem đây là một giấy “thông hành” hết sức quan trọng để có một suất chắc chắn vào các trường đại học.
Cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học cũng không quá khó nếu căn cứ vào điểm xét tuyển đầu vào của các trường đại học trong năm nay. Nếu tính điểm trúng tuyển là 14 điểm trở lên thì Nghệ An có hơn 54.000 lượt thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào đại học (tính theo tổ hợp khối A, B, C, D1). Ngoài ra, hàng nghìn thí sinh khác có thể trúng tuyển nếu xét tuyển bằng học bạ.
Việc các trường đại học tốp đầu hạ thấp điểm xét tuyển đầu vào, cộng với nhiều cơ chế tuyển thẳng thuận lợi cũng khiến cho các trường tốp dưới đã khó càng thêm khó trong tuyển sinh đầu vào cả về số lượng và chất lượng. Tại Trường Đại học Vinh, trong đợt 1 có khoảng 12.000 nguyện vọng đăng ký. Cũng như các năm trước, nhà trường xác định số lượng hồ sơ ảo là rất lớn, chỉ có khoảng hơn 600 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. Để thuận lợi cho thí sinh, năm nay trường dành khoảng 30% chỉ tiêu tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển học bạ. Trong những ngày tuyển sinh, đại diện các Viện cũng đã trực tiếp ngồi tại khu vực tuyển sinh để tư vấn cho thí sinh đăng ký vào các ngành.
Ông Trần Bá Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cũng thừa nhận: Năm nay, Bộ Giáo dục và đào tạo tăng điểm ngưỡng xét tuyển đầu vào ngành sư phạm lên 18 điểm (cao hơn 1 điểm) so với các năm trước, khiến cho việc tuyển sinh của nhà trường càng khó khăn. Riêng các ngành khác, dù mức điểm xét tuyển đầu vào chỉ dao động từ 14 – 15 điểm, nhưng không dễ để tuyển đủ chỉ tiêu, đặc biệt là các ngành như xây dựng, kinh tế nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khoa học môi trường...
Thực tế cũng cho thấy, trong vài năm trở lại đây, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Vinh chỉ đạt khoảng 70%. Đáng lo ngại là thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm đang ngày càng giảm. Riêng mùa tuyển sinh năm 2018, các ngành sư phạm Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý, Tin học chỉ tuyển được vài thí sinh và nhà trường đã không mở được mã ngành này.
Tương tự, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cũng không tuyển đủ chỉ tiêu trong mấy năm gần đây, thậm chí nếu đạt 60% chỉ tiêu đã là thành công lớn. Để “hút” thí sinh, nhà trường mở rộng tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ với yêu cầu khá khiêm tốn là điểm tổng kết 3 môn năm lớp 12 thuộc một trong các tổ hợp xét tuyển đạt từ 15 điểm trở lên. Đến thời điểm này, nhà trường đã nhận được khoảng 300 hồ sơ đăng ký xét tuyển bằng học bạ trong tổng số 1.100 chỉ tiêu của nhà trường.
Ông Nguyễn Mạnh Hưng, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế Nghệ An nói thêm: Năm nay, thí sinh chủ yếu đăng ký vào các ngành như kế toán, quản trị kinh doanh. Riêng các ngành như nông, lâm, ngư, thú y tuyển được rất ít thí sinh và mỗi năm chỉ đạt từ 20–25% chỉ tiêu. Năm nay, nhà trường cũng phải giảm chỉ tiêu các ngành khối kỹ thuật nông nghiệp để tăng chỉ tiêu cho một số ngành có ưu thế tuyển sinh hơn như lữ hành, quản trị khách sạn...
Tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, mặc dù có 21 ngành đào tạo với hơn 600 chỉ tiêu nhưng nhà trường chỉ tuyển sinh thuận lợi đối với bậc trung cấp (đối tượng học sinh). Riêng với bậc cao đẳng, hiện nhà trường chỉ đạt khoảng 50% chỉ tiêu, tập trung chính vào các ngành năng khiếu nghệ thuật. Còn lại các ngành như Quản lý văn hóa, Khoa học thư viện, Hướng dẫn du lịch... mỗi ngành chỉ tuyển được 10–15 thí sinh. Ông Lê Vũ Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nếu như trước đây, chúng tôi tuyển sinh một mùa thì nay thực hiện tuyển sinh quanh năm để thuận lợi hơn cho thí sinh khi đăng ký vào trường; đồng thời mở rộng hình thức xét tuyển để thu hút được nhiều thí sinh.
Theo kế hoạch đến ngày 8/8, các trường đại học trên toàn quốc sẽ công bố điểm chuẩn vào các trường. Sau thời gian này, các trường tốp dưới mới chính thức vào mùa tuyển sinh và để thành công hay không, còn rất nhiều khó khăn.
Bích Huệ/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất