11/10/2017 19:54 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Sau thời gian thực hiện thiên chức làm mẹ, pianist Trang Trịnh đã trở lại với âm nhạc bằng một chương trình hòa nhạc đặc biệt: Forest Recital được tổ chức vào 14h ngày 29/10 tại rừng thông, Flamingo Đại Lải, Vĩnh Phúc.
Trong một khung cảnh thiên nhiên, xung quanh là cây cối, như là “bị lạc” giữa rừng xanh, khán giả sẽ có dịp thưởng thức những âm thanh ngọt ngào và tinh tế của Bach, Mozart chỉ bằng tiếng piano thì có lẽ đây là lần đầu có một buổi hòa nhạc như thế.
Pianist Trang Trịnh đã có những chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) trước buổi biểu diễn.
Không gian biểu diễn chỉ cây và cây
* Vì sao không phải là thánh đường âm nhạc cổ điển: Nhà hát Lớn mà lại là một khu rừng yên tĩnh để âm nhạc được vang lên, Trang Trịnh nhỉ?
- Tôi cũng yêu các khán phòng lớn, và những nơi có âm thanh acoustic tuyệt vời lắm chứ (cười). Vì ở đó người nghệ sĩ có thể ngây ngất với vũ trụ bao la của âm thanh mà không bị bất kỳ thứ gì làm phiền nhiễu.
Nhưng tôi cũng yêu những khi được ngồi chơi nhạc trong rừng với bạn bè. Trong không gian này, tôi cảm giác mình được thoát khỏi áp lực phải “biểu diễn”, mà có thể cảm nhận và kết nối với người nghe và không gian một cách rất thật, rất gần, rất “người”.
* Cái khó là ý tưởng hay là sự tìm kiếm những khán giả có cùng mong muốn với mình?
- Ý tưởng không quá mới mẻ khi tôi đã có dịp diễn trong khung cảnh này ở Áo và Thụy Điển nhưng tại Việt Nam, tôi đã tin là ở đâu đó cũng có những người khao khát được vào rừng nghe nhạc như mình và tôi đã đúng.
So với con số 50 khách (được giới hạn) thì lượng đăng ký chờ nhiều hơn rất nhiều, và chỉ qua một lời chia sẻ trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, chương trình này tôi cũng đặc biệt chú ý tới đối tượng gia đình vì thấy trẻ nhỏ không được vào nghe các buổi hòa nhạc. Mà độ tuổi đó lại là lúc các bé biết tưởng tượng nhất, biết rung động tự nhiên nhất.
* Vậy chị sẽ mang đến một không gian đầy cảm hứng như thế nào để khơi gợi những điều đó cho những khán giả nhí của mình?
- Các bé sẽ ngồi với người thân, không bị ai làm phiền. Trẻ em dưới 6 tuổi ko bị cấm, ngồi ghế cũng được ngồi đất cũng được, nằm ra nhìn lên lá thì càng hay.
Lúc đi vào không gian biểu diễn, khán giả tha hồ len lỏi giữa những làn cây thông và sẽ ngồi xen kẽ giữa cây vì bốn mặt không gian biểu diễn sẽ chỉ là cây và cây.
* Còn âm nhạc thì sao?
- Cách trình diễn đối với nhạc cổ điển là do bản nhạc quy định và đòi hỏi nên trừ khi thay đổi bản nhạc, còn không, tôi chỉ có thể trình diễn như tôi vẫn diễn: nguyên bản với Bach - Prelude in C major, Liszt - Totentanz cho piano solo, Mozart - C major variations.
* Có nghĩa, buổi hòa nhạc này sẽ là “bình mới rượu cũ” ?
- Đúng thế! Vì rượu cũ ngon vô cùng! Tôi tự tin vào vẻ đẹp tự thân, không cần pha trộn của âm nhạc cổ điển. Tuy nhiên các bản nhạc được đặt trong một chương trình thế nào, và hình thức giới thiệu tương tác có gì khác không, thì mới là điểm đổi mới. Và đó sẽ là sự sáng tạo cá nhân của tôi!
Thay đổi khi làm mẹ
* Trở lại câu chuyện của khán giả nhí, trong các buổi hòa nhạc tại Nhà hát Lớn, trẻ con tuy bị cấm nhưng vẫn được vào và... làm ồn. Thậm chí, chính chị cũng từng là “nạn nhân” trong tiếng khóc của trẻ con. Chị nghĩ sao về điều này?
- Tôi vẫn đồng ý rằng ở một số chương trình hòa nhạc không dành cho trẻ nhỏ tại Nhà hát Lớn thì khán giả nên tuân thủ điều này.
Ở một khía cạnh khác, tôi cho rằng hình thức trình diễn truyền thống rất không thân thiện với trẻ nhỏ: chúng sẽ thật vất vả khi phải ngồi suốt một chỗ.
Tôi rất yêu từ “trật tự”, nhưng nó không có nghĩa là im lặng. Thời của Haydn, Mozart việc cười ở những đoạn nhạc hài hước, hay vỗ tay lớn ở những đoạn cao trào là bình thường.
* Sự ưu ái dành cho khán giả nhí ở chị trong thời điểm này, phải chăng còn là vì chị vừa bước sang một “trang mới” của cuộc đời: Thực hiện thiên chức làm mẹ ? Cuộc sống mới này có ảnh hưởng như thế nào đến tiếng đàn của một người nghệ sĩ?
- Tôi đã có một sự thay đổi lớn khi được làm mẹ. Có nhiều trạng thái cảm xúc phức tạp trong tôi khi cùng một lúc đón nhận một niềm vui sâu sắc và trách nhiệm bảo vệ nâng niu một ai đó.
Trong suốt lúc mang thai, tôi vẫn giữ thói quen viết nhật kí bằng âm nhạc và bây giờ, tôi nhận thấy mình trưởng thành cả về cảm xúc cũng như cách quản lý cảm xúc. Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tích cực đến cách tôi xử lý tác phẩm và tiếng đàn của mình!
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện !
Vài nét về Trang Trịnh Trang Trịnh tốt nghiệp xuất sắc cử nhân (2006) và thạc sĩ (2010) tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh, chuyên ngành biểu diễn piano. Cô đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế và biểu diễn tại nhiều khán phòng hòa nhạc lớn. Năm 2013, cô cùng chồng mình là nghệ sĩ opera Park Sung Min sáng lập Dàn Hợp xướng và Giao hưởng kỳ diệu (Miracle Choir & Orchestra), giảng dạy âm nhạc miễn phí hàng tuần cho hơn 50 trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội. Năm 2015, Trang Trịnh được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi đáng chú ý nhất tại Việt Nam. Tại Việt Nam, cô trở thành một hiện tượng khi thu hút được sự chú ý của khán giả nhạc cổ điển bằng phương pháp biểu diễn sáng tạo qua các dự án như Nhật ký dương cầm, Beethoven A Fantasy, The Preludes, Lễ hội muông thú… |
An Yên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất