"Chỉ" tiêu 53 triệu bảng, Man City bỗng dưng thấy "nghèo"

05/09/2012 12:56 GMT+7

(TT&VH) - Lại thêm một kỳ chuyển nhượng nữa Man City đón về không ít tân binh, qua đó duy trì vị thế là một trong những đội bóng tiêu tiền nhiều nhất ở nước Anh. Tuy vậy, không khí mua bán ở sân Etihad đã mất đi phần nào sự náo nhiệt như cách đây 4 năm khi đội bóng này “đổi đời” dưới bàn tay của những ông chủ người Ả-rập. Chúng ta có thể lấy thương vụ Robinho năm 2008 và thương vụ tự do Richard Wright năm nay làm thước đo so sánh.

Cách đây 4 năm, Man City khi ấy còn mang danh một gã trọc phú vừa nổi, cần Robinho như một phương thức để thể hiện đẳng cấp của mình. Còn bây giờ, khi đã có vị thế là nhà ĐKVĐ Premier League, ưu tiên số 1 của họ lại là củng cố chiều sâu đội hình khi họ đã có đủ nguyên liệu cần thiết trong đội hình chính.

Những gì Man City cần và muốn là hai phạm trù hoàn toàn tách biệt. Nó cũng giống như việc những người Mancini muốn có trong đội hình và những người mà ông nhận được không hoàn toàn trùng khớp. Nếu không kể thương vụ Richard Wright, ông thầy người Italia đã thu nạp về những Maicon, Matija Nastasic, Javi Garcia và Scott Sinclair với khoản tiền bỏ ra là hơn 40 triệu bảng, chưa kể sự xuất hiện trước đó của tiền vệ Jack Rodwell.


"Chỉ" tiêu 53 triệu bảng, Man City bỗng dưng thấy "nghèo" - Ảnh Getty

Tuy vậy, đấy không phải là những gì Mancini trông đợi. Những cái tên mà cựu HLV Lazio muốn mang về là Robin van Persie, Eden Hazard, Daniele De Rossi và Javi Martinez. Để có được bộ tứ này, Man City cần phải chi khoản tiền chuyển nhượng lên tới 116 triệu bảng cùng mức lương tuần tổng cộng lên tới 700.000 bảng. Đây chắc chắn là điều khiến The Citizens phải đối mặt với rắc rối lớn trong nỗ lực đáp ứng yêu cầu từ Luật công bằng tài chính của UEFA.

53 Số triệu bảng mà Man City chi ra ở kì chuyển nhượng mùa Hè năm nay, cho các chữ ký của Richard Wright, Maicon, Matija Nastasic, Javi Garcia và Scott Sinclair và Jack Rodwell.

49 Đối thủ lớn nhất của Man City, đội bóng láng giềng M.U, đã chi 49 triệu bảng ở kỳ chuyển nhượng Hè 2012, cho các chữ ký của van Persie, Kagawa, Powell, Henrique và Buttner.

44 Dù thu về 39 triệu bảng từ hai thương vụ van Persie và Song, Arsenal chỉ chi ra 44 triệu bảng để mua Poldoski, Cazorla và Giroud.

Thay vì những con số điên rồ như thế, chênh lệch mua-bán của đội chủ sân Etihad trong kỳ chuyển nhượng năm nay chỉ là 25 triệu bảng. Số tiền này chắc chắn cao hơn nhiều so với Liverpool, nhưng vẫn thua kém một tân binh Premier League là Southampton. Qũy lương của nhà ĐKVĐ Premier League vẫn là ở mức hàng đầu xứ sương mù, nhưng nó đã không còn phình to như trước. Một trong những cầu thủ hưởng lương cao nhất của Man City, Emmanuel Adebayor, đã gia nhập Tottenham. Ít nhất, Mancini cần phải chấp nhận sự thật này, dù cho ông có phàn nàn thế nào về việc mình không còn được tự do trên thị trường chuyển nhượng. Mỗi khi có mục tiêu nào mà The Citizens muốn tiếp cận, họ luôn nhận được đòi hỏi từ 20 triệu hoặc hơn thế từ các đội bóng chủ quản.

Đã có những thời điểm với nhu cầu và khả năng chịu chi của mình, Mancini sẵn sàng thách thức những cảnh báo từ Luật công bằng tài chính của UEFA. Vấn đề của ông ở đây là sự thiếu kiên nhẫn. Ở Serie A, ông vốn là con người theo chủ nghĩa du mục, dù là ở Lazio, Fiorentina hay Inter. Trong mắt các vị Chủ tịch, Mancini được coi là người vốn có thói quen vung tay đốt tiền nhiều hơn là tích lũy cho tương lai. Thói quen mua những cầu thủ có tiếng tăm, hơn là những ngôi sao cho tương lai, là cách để giúp chiến lược gia 47 tuổi này tránh được những tráp sa thải lơ lửng trên đầu mình.

Khi Mancini không còn là người tự quyết

Trở lại với trường hợp của De Rossi và van Persie. Bộ đôi cầu thủ thành danh này sẽ ngốn của Man City số tiền lên tới 50 triệu bảng. Hơn nữa, nếu sau khoảng vài ba năm nữa, vì một lý do nào đấy, The Citizens muốn tống khứ họ đi, cái giá thu về chắc chắn sẽ là vô cùng rẻ mạt. Với bản hợp đồng mới 5 năm, cùng vị thế là người đưa đội bóng lên đỉnh cao vinh quang, Mancini hẳn cần phải tạo dựng một sự đảm bảo tốt hơn việc tung ra một câu nói đùa đại ý rằng Man City sẽ thay ông bằng một HLV khác tốt hơn nếu như Sergio Aguero không ghi bàn thắng quyết định vào lưới QPR ở vòng cuối cùng mùa giải năm ngoái.

Người ta có thể nhận ra sự đối lập trong quan điểm xây dựng đội bóng giữa Roberto Mancini và Giám đốc điều hành Brian Marwood. Khác xa so với ông thầy người Italia, Marwood ưa thích những cầu thủ trẻ bản địa như Jack Rodwell và James Milner. Trong suy nghĩ của ông, những cái tên như Maicon hay ở mùa trước là David Pizarro, sẽ chỉ hữu dụng trong một số thời điểm mà thôi.

Kể từ sau thời điểm chân sút Robinho gia nhập sân Etihad từ Real Madrid, Man City đã thay đổi cách tiếp cận về mặt nhân sự. Sự ngạc nhiên không còn đến từ việc họ sắm những siêu sao đẳng cấp như Aguero, David Silva hay Yaya Toure. Bây giờ, người ta đang bất ngờ với việc số tiền đội bóng này bỏ ra cho 5 tân binh mới của mình giảm mạnh như thế nào.

Đức Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm