Premier League đã mất chất Anh truyền thống

18/10/2023 14:38 GMT+7 | Bóng đá Anh

Những xôn xao xung quanh bộ phim về David Beckham xuất hiện trên ứng dụng Netflix chỉ ra một vấn đề: Premier League, trong quá trình toàn cầu hóa thành giải đấu hay nhất thế giới, đã mất đi chất Anh truyền thống.

Trong nhiều năm gắn bó với Premier League, Thierry Henry không làm được điều Alan Shearer vẫn làm cho đến tận năm 2012, cụ thể là giai đoạn lần thứ hai thi đấu cho Arsenal dưới dạng bản hợp đồng cho mượn ngắn hạn. Henry tái lập tình huống dứt điểm của Shearer trong trận đấu gặp Leeds tại Cúp FA.

Những ấn tượng từ bộ phim của Beckham

Nhắc đến Shearer, có gì liên quan đến câu chuyện đang đề cập? Nó gợi nhớ đến một giai đoạn những cầu thủ Anh tỏa sáng ở Premier League. Có thể kể ra những cái tên như Shearer, Robbie Fowler, Steven Gerrard, Jamie Carragher của Liverpool, John Terry của Chelsea, Matt le Tissier của Southampton cùng thế hệ những cầu thủ 92 của MU. Trong số này không thể bỏ qua cái tên David Beckham, gương mặt đang gây xôn xao khi bộ phim về anh đang tạo cơn sốt ở nhiều ngóc ngách. Nó như gợi lại một thời thanh xuân cho những CĐV yêu Premier League từ những năm đầu tiên.

Beckham sớm tạo ra thương hiệu cho riêng mình ngay từ lúc còn thi đấu. Không ai không biết đến một trong những cầu thủ chuyền bóng hay nhất Premier League giai đoạn 1999 từ 2001 nhờ những quả tạt bóng chất lượng miễn chê. Những đường chuyền như đặt của anh đạt tiêu chuẩn ở mọi phương diện từ khoảng cách, việc đảm bảo độ cao cần thiết, chính xác và tốc độ vừa tầm cho các đồng đội.

Quay ngược thời gian một chút, sức hút của Beckham còn đến từ bước ngoặt diễn ra năm 1997. Đó là thời điểm MU vừa mang về Teddy Sheringham. Dẫu mong ước của Beckham là được giữ chiếc áo số 10, Sir Alex khi ấy khẳng định số áo đó dành cho Sheringham. Tưởng như đó là nỗi thất vọng vô bờ bến thì vị tướng người Scotland đã dành cho anh món quà đặc biệt: Chiếc áo số 7, số áo từng tạo ra những huyền thoại ở Old Trafford như George Best hay Eric Cantona. Nếu không phải chiếc áo số 7, sẽ không còn nhiều người định danh được Beckham là ai kể cả khi anh đã rời xa sân cỏ từ khá lâu. Ngoài những chi tiết về thời gian ở MU, bộ phim cũng không quên phác họa thời điểm Beckham rời MU để tìm đến những màu áo khác nhau bao gồm Real Madrid, AC Milan, PSG và cuối cùng là LA Galaxy.

Vấn đề: Premier League đã mất chất Anh truyền thống - Ảnh 1.

Sự tiến hóa của Premier League đã lấy đi vai trò của những cầu thủ Anh như thời điểm Beckham vẫn còn thi đấu

Vai trò suy giảm của những cầu thủ người Anh

Sau khi xem xong các tập phim, nhiều người không chỉ liên tưởng đến một thời bùng nổ của Premier League, mà còn là giai đoạn những cầu thủ Anh thống lĩnh các đội bóng hàng đầu. Ngoài Beckham, Gerrard, Terry đã nói ở trên, không thể bỏ qua những cầu thủ người Anh ở Arsenal bao gồm Tony Adams, Martin Keown và Ray Parlour. Chính những cái tên này đã tạo ra sự đam mê cuồng nhiệt cho những CĐV đến xem các trận đấu tại Premier League khi họ được chứng kiến những cầu thủ sinh trưởng ở quê hương mình trở thành một phần quan trọng của những MU, Arsenal, Liverpool hay Chelsea. Bóng đá thời điểm ấy thật ra đã có những ngoại binh xuất chúng như Dennis Bergkamp, Patrick Vieira hay Henry, nhưng những ngôi sao này được hưởng lợi từ sự ăn ý với dàn cầu thủ Anh đã nhắc đến ở trên.

Khi thế hệ của Beckham dần rời đi, MU kỳ vọng vào lứa cầu thủ như Wayne Rooney. Đáng tiếc, những gì Rooney làm được dù ấn tượng nhưng không đủ để cứu vãn thực tế những tài năng trẻ người Anh ngày càng mất dần chỗ đứng. Đó là hệ quả từ sự tiến hóa của những học viện quốc tế với chế độ ăn uống khoa học, nghiên cứu dữ liệu tỉ mỉ và những người phiên dịch đa ngôn ngữ thay thế cho các trường học cổ điển.

Điều này khiến không ít CĐV bắt đầu hoài nhớ về những ngày tháng cũ với mong ước lớn lao. Họ muốn thấy lại hình ảnh Gary Neville ăn mừng bằng cách chạy theo chiều dài sân để hôn logo của MU trước mặt những CĐV của kình địch Liverpool. Rồi còn đó hình ảnh những đối thủ ồn ào, những chiếc pizza bay, thứ gợi nhớ hình ảnh trận Arsenal-MU năm 2004 hay việc John Terry nâng cao danh hiệu Champions League 2012 cùng Chelsea trong bộ đồ thi đấu đúng nghĩa dù anh phải làm khán giả ở trận chung kết vì án treo giò.

Premier League vẫn có được sức hút, sự hào nhoáng và yếu tố quốc tế hóa ngày càng rõ rệt. Mặt khác, hành trình trở thành giải đấu có sức hút hàng đầu thế giới của hạng đấu cao nhất nước Anh đang vắng bóng dần ảnh hưởng của những cầu thủ bản địa. Harry Kane, cái tên mới nhất được kỳ vọng nâng tầm vai trò của các cầu thủ bản địa, đã chạy theo tiếng gọi của Bayern Munich. 

Đức Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày

Không tìm thấy bài viết phù hợp!

Đọc thêm