Từ Premier League đến V-League: Đánh thuế giấc mơ

16/08/2014 15:09 GMT+7 | V-League

(lienminhbng.org) - Thật hoang đường, người ta không thể đánh thuế giấc mơ. Chỉ là khi giấc mơ ấy được cam kết bằng những lời hứa, cam kết của các yếu nhân, chúng ta phải xem lại vai trò của những người có liên quan dẫn đến sự tổn thương không nhỏ như hiện tại.

Thể thao & Văn hoá Cuối tuần sẽ lược lại quy trình làm bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, đặc biệt kể từ khi VPF ra đời, với những phác thảo vĩ mô và tưởng như đầy tính khả thi - Giống như một giấc mơ kiểu "Premier League" trên sân cỏ nội. Chỉ có điều…

Mới chỉ là... giỏi nói!

Tháng 9/2011, trong buổi tổng kết mùa giải, bầu Kiên (cựu chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội, Nguyễn Đức Kiên – PV), bất ngờ cướp diễn đàn, vạch ra rất nhiều những ung nhọt của nền bóng đá, cũng như các giải đấu, như một “thuyết âm mưu”. Một trong số đó là các nghi án tiêu cực trọng tài, nạn đi đêm và mua điểm giữa các đội bóng, mà cụ thể là trận “chung kết ngược” ĐT.Long An – HP.Hà Nội ở V-League 2011.

Hai tháng sau, tại TP.HCM, bàn tròn về các ông bầu làm bóng đá và hướng đi mới cho bóng đá Việt Nam (gọi nôm na là Hội nghị thượng đỉnh các ông bầu) diễn ra, do báo Pháp Luật TP.HCM chủ trì. Một lần nữa, bầu Kiên (và đồng cấp của ông) nói rất nhiều. Từ ông Võ Quốc Thắng của ĐT.Long An, đến ông Lê Tiến Anh từ K.Khánh Hoà vào, rồi ông Đoàn Nguyên Đức…, nói như chưa bao giờ được nói.

Cuối cùng, VPF được thành lập vào cuối năm 2011 với tôn chỉ hướng tới là sự minh bạch trong hệ thống các giải đấu do đơn vị này tổ chức. VFF ban đầu phủ quyết, nhưng khi nhận được sự cam kết là cổ đông chính, họ đã gật. VPF trở thành thành viên hợp pháp của VFF và nói như cựu Phó chủ tịch phụ trách truyền thông của Liên đoàn, ông Nguyễn Lân Trung, bất cứ lúc nào VFF cũng có thể “phế quyền" của VPF.

Việc tiến đến chuyên nghiệp hoá và chuyên nghiệp của nền bóng đá, cũng như các giải đấu là lộ trình bắt buộc. Hơn một thập niên, kể từ khi V-League ra đời và trước khi VPF được thành lập, có thể nói là VFF đã thất bại với bản thiết kế mang tên “bóng đá chuyên nghiệp” thiếu trước hụt sau. Bóng đá thuộc về xã hội, nên để cho xã hội làm, thay vì “quy về một mối” như cách hiểu lệch lạc của một bộ phận các quan chức Liên đoàn.

Ông Kiên là người “phất cờ khởi nghĩa” và cũng chính ông cam kết rằng, sẽ có ít nhất 10 nhà bảo trợ cho bóng đá Việt Nam, với kinh phí 10 tỷ đồng/đơn vị/mùa giải. Ông bầu của CLB bóng đá Hà Nội (với tiền thân là Hà Nội.ACB) đồng thời đảm bảo luôn lợi nhuận từ bản quyền truyền hình cho các đội bóng, các chế độ thù lao cho đội ngũ Giám sát – Trọng tài sẽ được nâng lên, nhằm giảm thiểu tiêu cực, chuyện hợp tác chặt chẽ với giới truyền thông và Cơ quan điều tra…

Khán phòng vỗ tay rần rần và trên các trang báo thể thao nhiều ngày sau đó, những dòng tít lớn được giật ra bìa. Được lời như cởi tấm lòng, lần lượt đến bầu Thắng, bầu Lê Tiến Anh, bầu Đức, bầu Thuỵ…, cũng vào hội. Chỉ duy nhất bầu Hiển của Hà Nội.T&T gần như im hơi lặng tiếng,  bầu Trường của V.Ninh Bình ngồi rung đùi ở Hoa Lư. Họ không phản đối, nhưng khó thể nói là đã “vỗ tay vào”.

Bất luận thế nào, V-League 2012 đã khởi đi với sự hứng khởi của tất cả. Những kỳ vọng vào làn gió mới mang tên các ông bầu bước đầu gặt hái những tín hiệu lạc quan.  Các trọng tài ít sai sót hơn, sân bóng cũng đông khán giả hơn và đặc biệt, sự bùng nổ về số lượng bàn thắng khiến trận đấu đáng xem hơn.

Giấc mơ một giải bóng đá "tự nuôi sống được mình", thậm chí còn làm giàu nhờ bóng đá như kiểu Premier League tưởng thật gần. Tiếc rằng, đó lại là khởi đầu cho sự kết thúc.

Chứ chưa giỏi làm

Sự ra đời của VPF, như đã nhắc, đem đến những tín hiệu lạc quan, song  không thể ngăn được mạch các ông bầu vẫn lũ lượt rủ nhau bỏ cuộc chơi. Kết thúc V-League 2011, bầu Tuấn, bầu Long của HP.Hà Nội chia tay, trước đó cái tên Thể Công cũng được "đưa vào tủ kính"; năm 2012 đến lượt bầu Thọ (N.Sài Gòn), sau đó là bầu Tiến Anh (K.Khánh Hoà), các ông chủ của K.Kiên Giang, bầu Thuỵ ở XMXT.Sài Gòn…

Người ta ví rằng, chỉ sau 1 đêm, có đến 6 – 7 ông bầu bị "quét" khỏi các giải đấu V-League và hạng Nhất. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có ít nhất 2 lý do cơ bản: Những thất vọng với cung cách điều hành giải đấu và cuộc khủng hoảng kinh tế diện rộng đè lên địa hạt bóng đá chưa có hồi kết. Và như tất cả đều đã biết, bầu Kiên cũng đã không còn tại vị, sau những bê bối kinh doanh…

Ít ai còn nhắc đến “những nhà bảo trợ bóng đá Việt Nam” nữa, tiền bản quyền truyền hình (quyền lợi chính đáng cho những đội bóng tham gia cuộc chơi) cũng không còn được bàn tới, khi trên sóng của nhà đài, nó được quy đổi bằng những gói quảng cáo cho Eximbank, HA.GL group, các sản phẩn của Đồng Tâm group, Ngân hàng Kiên Long…, suốt thời gian dài. VPF bỗng chốc phải ăn đong và ăn cả vào nguồn kinh phí.

Đằng sau sự thành công, phải là tinh thần lao động. Song dám hỏi, bao nhiêu thành phần ban bệ thuộc VPF, thậm chí cả VFF, lao động thực sự vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam, cũng như các giải đấu, thay vì mối lo sợ về một trận đấu (hay giải đấu) có nguy cơ bể vì những sai số khó lường ?

Trả lời phỏng vấn trên Thể thao & Văn hoá Cuối tuần mới đây, ông Tổng giám đốc VPF, Phạm Ngọc Viễn, kết luận: “Nhìn chung, giải đã cán đích an toàn, mặc dù không thể nói là thành công trọn vẹn nhưng đã đạt được một số kết quả nhất định”. Quá mông lung, nhưng lại rất quen tai. Suy cho cùng, VPF hay VFF là nhà tổ chức, thì bản chất vẫn thế. Người trong cuộc đã rất cố gắng, nhưng là cố gắng gói ghém miếng bánh cắn dở.

Đã, đang và sẽ rất khó để giấc mơ về một nền bóng đá chuyên nghiệp, với các giải đấu hàng đầu như mô hình chuẩn EPL (giải Ngoại hạng Anh), trở thành hiện thực, khi tất cả đều rất nghiệp dư. Những nhà tổ chức bắt đầu hướng ánh mắt về phía mặt trời mọc, Nhật Bản, nhưng thổ nhưỡng khó cho phép hoa anh đào nở ở xứ nhiệt đới. Cố gắng cấy ghép, nhưng chẳng ai dám nói chắc, bao giờ và sẽ là sản phẩm kiểu gì?

Giấc mơ một giải bóng đá "tự nuôi sống được mình", thậm chí còn làm giàu nhờ bóng đá như kiểu Premier League đã tưởng thật gần. Tiếc rằng, đó lại là khởi đầu cho sự kết thúc.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm