Đừng trách Chelsea tàn nhẫn, đừng chê Cole phản bội

17/10/2012 14:29 GMT+7

(TT&VH) - Vì lợi ích và kế hoạch lâu dài, Chelsea buộc phải quay lưng với các lão tướng. Vì quyền lợi của bản thân, Ashley Cole được quyền đến bất cứ đâu mà anh muốn. Ở đây không có chuyện tàn nhẫn hay phản bội.

Ashley Cole- Ảnh Getty

1. Từ Trung Quốc, Nicolas Anelka chỉ trích Chelsea quá "tàn nhẫn" trong việc đối xử với các công thần. Anelka bảo rằng có những cầu thủ đóng góp rất nhiều cho Chelsea, nhưng cứ đến trên 30 tuổi thì bị đưa vào danh sách cần thanh lý hoặc chỉ được ký hợp đồng từng năm một. Tóm lại là "không có chỗ cho người già".

Có lẽ, ai chỉ trích Chelsea cũng được, trừ... Anelka. Bản thân tiền đạo người Pháp gắn bó với Chelsea 4 năm, từ 2008 đến 2012. Chưa bao giờ Anelka đá cho một CLB lâu như thế. Trước đó, cứ 1 hoặc 2 năm là anh đổi CLB, từ PSG đến Arsenal, rồi Real, lại về PSG, trở lại nước Anh với Liverpool và Man City, sang tận Fenerbahce, lại trở về Premier League khoác áo Bolton, chuyển sang Chelsea và bây giờ là Thân Hoa Thượng Hải. Trong từ điển của Anelka không có khái niệm "trung thành". Cứ thấy lợi thì anh chuyển CLB. Một người như Anelka không thể đòi hỏi CLB phải "chung tình".

Việc Chelsea chỉ chấp nhận ký hợp đồng 1 năm với những cầu thủ trên 30 tuổi không có gì là "tàn nhẫn". Hàng loạt CLB áp dụng chính sách này từ lâu rồi, điển hình là M.U, dù họ luôn đề cao hình ảnh tượng đài. Xa hơn, Arsenal áp dụng từ thời Arsene Wenger mới cầm quân, cái thời mà cựu danh thủ bóng đá Hà Lan Dennis Bergkamp từng có hành động rất được lòng người hâm mộ: sẵn sàng giảm lương một nửa để được đá cho Pháo thủ. Về sau này, Arsenal càng hiếm cầu thủ trên 30 tuổi (trừ thủ môn). Robert Pires từng dứt áo ra đi vì chỉ được ký hợp đồng 1 năm.

2. Chelsea của Roman Abramovich "lột xác" chóng vánh nhờ sức mạnh tiền bạc. Nếu không có những cầu thủ "tham tiền", sẽ không có Chelsea hay Man City ngày nay. Cầu thủ đến đây để nhận được những mức lương kỷ lục trong khi Chelsea sở hữu một đội hình gồm toàn ngôi sao.

Mọi thứ ở Chelsea hay Man City rất rõ ràng. Tiền luôn là vấn đề "đầu tiên". Cũng chính nhờ sức mạnh tiền bạc, Chelsea mới lôi kéo được Ashley Cole từ Arsenal. Ở thương vụ này, HLV Jose Mourinho và GĐĐH Peter Kenyon lúc bấy giờ phải nộp khoản phạt lớn vì "ăn tối thân mật" với Cole trong một nhà hàng ở London.

Cole đã mang tiếng là kẻ phản bội, tham tiền trong mắt CĐV Arsenal từ sau khi anh gia nhập Chelsea. Nhiều cầu thủ Chelsea khác cũng bị mang tiếng như thế, mà gần nhất là Fernando Torres. Không thể không thừa nhận, Chelsea mạnh như hiện tại là nhờ xây dựng đội bóng từ những kẻ "phản bội", "tham tiền".

Ashley Cole đã không chịu chấp nhận lời đề nghị ký hợp đồng từng năm một với Chelsea. Anh nhiều khả năng ra đi ở mùa Đông tới hay mùa Hè sang năm. Trong trường hợp anh chọn M.U hay Man City, những đối thủ lớn của The Blues trong cuộc đua giành chức vô địch Premier League, Chelsea cũng không có quyền trách mắng anh là kẻ "phản bội", "tham tiền". Anh đơn giản là một cầu thủ chuyên nghiệp. Anh tôn trọng hợp đồng ký kết. Anh được phép không ký hợp đồng mới nếu thấy không hợp lý. Hay ngược lại, Chelsea được quyền "thanh lý" anh khi hợp đồng hết hạn và thấy anh không còn hữu ích.

3. BLĐ Chelsea vì lợi ích của đội bóng, vì kế hoạch trẻ hóa đội hình, hướng đến mục tiêu lâu dài. Ở chiều ngược lại, Cole đơn giản vì lợi ích của bản thân. Tất cả rất sòng phẳng, như khi anh đặt chân đến Stamford Bridge sau vụ chuyển nhượng từ Arsenal.

Như ở cái chợ, thuận mua vừa bán.

Đức Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm