Khủng hoảng vùng Vịnh: Qatar cân nhắc yêu cầu của các nước Arab

24/06/2017 11:00 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 23/6, Liên hợp quốc (LHQ) đã đề nghị đứng ra giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt giữa Qatar với các nước Arab sau khi Doha nhận được bản danh sách yêu cầu từ các quốc gia láng giềng.

Nữ phát ngôn viên LHQ Eri Kaneko nêu rõ LHQ hy vọng các nước có thể giải quyết tình hình thông qua đối thoại, đồng thời bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ nếu nhận được lời đề nghị của các bên. Bà khẳng định LHQ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình với sự quan tâm sát sao.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hồi đầu tuần này tuyên bố rằng Kuwait là nước phù hợp nhất với nhiệm vụ dẫn dắt các nỗ lực giải quyết căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh. Tuy nhiên, sau khi Bahrain, Ai Cập, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trao bản danh sách yêu cầu cho Qatar, căng thẳng giữa các bên vẫn leo thang.

Chú thích ảnh
Người dân mua lương thực, thưc phẩm tích trữ tại một siêu thị ở Doha, Qatar, ngày 6/6. Ảnh: THX/TTXVN

Theo kênh truyền hình Al-Jazeera, danh sách yêu cầu gồm 13 điểm, trong đó có yêu cầu Qatar đóng cửa kênh Al-Jazeera, hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran, và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này. Ngoài ra, danh sách này còn yêu cầu Qatar cắt mọi quan hệ với các "tổ chức khủng bố", trong đó có tổ chức Anh em Hồi giáo, "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và phong trào Hezbollah ở Liban.

Qatar xác nhận đã nhận được bản danh sách các yêu cầu trên. Trong một tuyên bố ra ngày 23/6, Bộ Ngoại giao Qatar cho biết chính phủ nước này đang xem xét bản danh sách cũng như cơ sở của những yêu cầu đó để chuẩn bị cách thức phản ứng thích hợp. Bộ này cũng đề cao những nỗ lực của Kuwait trong việc giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar với các nước Arab và vùng Vịnh.

Theo Bộ Ngoại giao Qatar, trong các cuộc điện đàm cùng ngày 23/6, Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani, Phó Tư lệnh Tối cao các Lực lượng vũ trang UAE Sheikh Mohammad bin Zayed Al-Nahyan và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Mohammad bin Salman bin Abdulaziz đã thảo luận những diễn biến mới nhất trong khu vực, nhất là mối quan hệ căng thẳng giữa Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập với một bên là Qatar.

Cùng ngày 23/6, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash cảnh báo Qatar nên thực hiện nghiêm túc các yêu cầu nêu trên hoặc phải chấp nhận "ly hôn" với các quốc gia láng giềng ở vùng Vịnh.

Ai là 'ngư ông đắc lợi' trong khủng hoảng ngoại giao Qatar?

Ai là 'ngư ông đắc lợi' trong khủng hoảng ngoại giao Qatar?

Các nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ ra quốc gia nào có thể hưởng lợi từ khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh hiện nay.

Liên quan đến căng thẳng ngoại giao ở vùng Vịnh, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer nhấn mạnh Nhà Trắng coi cuộc khủng hoảng sâu sắc này chủ yếu là một vấn đề nội bộ khu vực, đồng thời hối thúc các lãnh đạo khu vực đưa ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng này. Ông cũng bày tỏ Mỹ sẵn sàng giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng giữa các nước Arab vùng Vịnh.

Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh bùng phát ngày 5/6, sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, UAE, Bahrain cùng một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, vì cho rằng Doha ủng hộ khủng bố, can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước trong khu vực.

Qatar kịch liệt bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng các nước láng giềng đang tìm cách can thiệp vào chính sách đối ngoại của Doha. Nhiều nước, trong đó có Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, đang nỗ lực hòa giải nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện đã bước sang tuần thứ ba.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm