Aletico Madrid: Ngân sách bằng 1/5 Real, quỹ lương thấp hơn QPR, vẫn mơ ngôi vương

23/05/2014 10:06 GMT+7

(lienminhbng.org) - Tiền mua danh hiệu, tiền mua thành công. Thế giới bóng đá đã thừa nhận đấy là một quy luật bất thành văn, và ngay cả các nghiên cứu về bóng đá cũng cho đấy là một định luật.

Chỉ những kẻ bướng bỉnh như Atletico Madrid mới ngang nhiên bác bỏ.

Tiền là yếu tố quyết định thành công

Trước khi Roman Abramovich đến, Chelsea đã 50 năm không vô địch Anh. Trước khi được tỷ phú Nga Dmitry Rybolovlev mua, Monaco còn đá ở giải hạng Nhì Pháp. PSG thì đã không vô địch Pháp 18 năm cho đến mùa trước. Man City trải qua 43 năm không danh hiệu, cho đến chiếc Cúp FA năm 2011 nhờ tiền của giới chủ Qatar, trái ngược với Malaga: Lập tức khốn đốn khi ông chủ Abdullah Bin Nasser Al-Thani không vung tiền đầu tư.

Có một trích dẫn từ các chuyên gia, giám đốc và những nhà quản lý bóng đá: 92% thời gian, vị trí xếp hạng các CLB tại các giải đấu theo đúng thứ tự tiền lương họ chi trả. Đội trả tiền nhiều nhất sẽ đứng trên tốp đầu thường xuyên hơn đến 90%.

Bóng đá không chỉ được quyết định trên sân cỏ, mà còn được quyết định từ bản cân đối tài chính là điều rút ra từ cuốn “Soccernomics" của tác giả Simon Kuper và Stefan Szymanski, dựa trên những cuộc nghiên cứu rộng khắp: “Các trận đấu thực ra đã có kết quả từ trước. Bóng đá luôn là câu chuyện của tiền bạc, nhưng bây giờ, chúng ta không còn thấy nó là “một trong rất nhiều yếu tố ảnh hưởng” nữa, mà là YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH. Sự cạnh tranh của các giải đấu lớn đang sụt giảm, khi các đội bóng hàng đầu ít bị đánh bại bởi những đội bóng yếu”.

Atletico - Những anh hùng áo vải

Atletico Madrid có ngân sách hoạt động chỉ bằng 1/5 Real Madrid và Barcelona. Họ đang oằn mình dưới gánh nặng nợ nần, di chấn của những năm quản lý yếu kém, và họ có một hóa đơn tiền lương chỉ là 54 triệu bảng (66 triệu euro) -  thấp hơn không chỉ QPR, mà còn 13 đội bóng ở Premier League. Atletico trả lương cho cầu thủ bằng Bolton năm 2012!

Bolton xuống hạng năm đó. Atletico thì đánh bại đội giàu nhất hành tinh Real Madrid, và một đội mà vài năm trước là vĩ đại nhất lịch sử Tây Ban Nha - Barcelona. Họ đang đi trái quy tắc vàng của bóng đá thế kỷ 21: Danh hiệu nằm lại ở nơi ít tiền.

Đội bóng của Diego Simeone không phải đội nhà nghèo đầu tiên VĐQG trong 2 thập kỷ đổ lại. Ở Pháp, Montpellier vô địch Ligue 1 vào năm 2012 là một cú sốc, trước khi giải đấu có PSG của các ông chủ Qatar. Stuttgart và Wolfsburg cũng đã vô địch Bundesliga trong 10 năm qua. Tuy vậy, thành công của Atletico vẫn khác biệt. Bundesliga là một trường đua mở bất cứ khi nào Bayern hỗn loạn. Montpellier vô địch vào giai đoạn đội thống trị Lyon thoái trào, còn Monaco và PSG chưa xuất hiện. Atletico thì đã qua mặt đội Barcelona 3 năm trước đây được đánh giá là mạnh nhất lịch sử và Real Madrid đắt giá nhất hành tinh. Đó là kỳ tích quá sức ấn tượng.

Barcelona và Real Madrid mùa này đều giành 87 điểm ở La Liga. Đấy dĩ nhiên không phải mức điểm tốt nhất của họ, nhưng không phải thảm họa. Số điểm ấy đủ để vô địch hầu hết các năm. Barca đã đi đến tứ kết Champions League và chỉ bị đánh bại bởi chính Atletico, còn Real Madrid đã vào chung kết. Không có cuộc đại khủng hoảng nào ở hai đế chế ấy.

Nếu bạn cần thêm bằng chứng thì Atletico đã vô địch Europa League, Siêu cúp châu Âu và Cúp Nhà Vua TBN các năm trước với Simeone. Họ không phải kẻ ăn may, và thành công mùa này có nền tảng từ các mùa trước đó, sau khi thậm chí phải bán Radamel Falcao để trả nợ. Simeone gửi một thông điệp giản dị nhưng hùng hồn đến với thế giới bóng đá mùa giải này: Tiền không phải là tất cả.

66 Quỹ lương của Atletico Madrid mùa 2012-13 là 66 triệu euro so với 180 và 190 triệu euro của Barcelona và Real Madrid. Mùa 2013-14, quỹ lương của Atletico là 72 triệu euro, so với 195 triệu euro của Barca và 220 triệu euro của Real Madrid.

48% Barcelona và Real Madrid sở hữu 48% miếng bánh bản quyền truyền hình Liga. Atletico Madrid cũng như 17 đội khác, chia nhau 52% số tiền bản quyền truyền hình.

92 Cuốn “Soccernomics" về kinh tế bóng đá đã đi đến kết luận: 92% thời gian, vị trí xếp hạng các CLB tại các giải đấu theo đúng thứ tự tiền lương họ chi trả. Đội trả tiền nhiều nhất sẽ đứng trên tốp đầu thường xuyên hơn đến 90%.


Đỗ Hiếu (theo ESPN)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm