13/01/2013 14:00 GMT+7 | Phim
(lienminhbng.org) - Năm nay, đề cử Oscar được công bố vào sáng 10/1, chưa đầy 4 ngày trước thời điểm diễn ra lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 70 vào tối 13/1 (tức sáng thứ Hai, 14/1, theo giờ Việt Nam). Liệu có phải đây là “chiêu” của Oscar nhằm làm giảm sức hút của đối thủ?
Hai MC của Quả Cầu Vàng năm nay: Tina Fey (trái) và Amy Poehler. Ảnh: NBC.
Các năm trước, giải Oscar công bố đề cử muộn hơn hẳn, khoảng cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2, trong khi Quả cầu vàng được trao trước đó khá lâu, vào trung tuần tháng 1. Nhờ vậy, đề tài lễ trao giải Quả cầu vàng 2012 trên truyền thông không bị sức nóng xung quanh Oscar “tranh sân”.
Một bữa tiệc không hơn?
Năm nay thì khác. Một khi đề cử Oscar được công bố với nhiều bất ngờ, thậm chí gây tranh cãi như trường hợp đạo diễn Kathryn Bigelow, sẽ là một bất lợi lớn cho Quả cầu vàng.
Tờ Houston Chronicle còn “phũ phàng” dự báo rằng với sức nóng đang tăng nhanh của Oscar sau khi công bố đề cử thì Quả cầu vàng năm nay sẽ lại chỉ là “một bữa tiệc”, không hơn (Quả cầu vàng luôn là lễ hội xôm tụ và hào nhoáng về hình thức).
Khá độc địa, cây bút Barry Koltnow viết trên Houston Chronicle rằng “Có chiến thắng tại Quả cầu vàng thì cũng vô nghĩa nếu như không được đề cử Oscar. Niềm vui đó sẽ chỉ tồn tại cho đến khi chủ nhân giải thưởng lấy xe limousine và ra về”. Tuy nhiên, Koltnow có vẻ có ác cảm với Hiệp hội Báo chí nước ngoài (tổ chức trao Quả cầu vàng) nên nhận định của cây viết này cũng đầy thành kiến.
Nhưng có thật là một khi Oscar “tung chiêu” thì sẽ chẳng ai thèm chú ý đến Quả cầu vàng? Thực tế thì Hiệp hội Báo chí nước ngoài, gồm 84 thành viên với quốc tịch đa dạng, cũng không phải là một tổ chức thực sự có uy tín lớn, mặc dù họ luôn tuyên bố “chúng tôi là những nhà báo vô tư”. Tờ New York Times đánh giá các nhà báo này chủ yếu viết cho những tờ báo không nổi danh lắm và hay quảng cáo cho các hãng phim, điều khiến họ bị chê cười.
Hạng mục Phim hài/ca nhạc hay nhất của Quả cầu vàng cũng thỉnh thoảng làm nảy sinh nhiều tình huống hài hước. Chẳng hạn, người ta đã cười lăn cười bò khi phim The Tourist (có hai ngôi sao Angelina Jolie và Johnny Depp) được đề cử ở hạng mục này năm 2010, dù đây chẳng phải là phim hài lẫn phim ca nhạc.
Bản thân Hiệp hội Báo chí nước ngoài cũng đứng trước thách thức làm sao để Hollywood chấp nhận họ và coi trọng giải thưởng của họ.
Quả cầu vàng cố tận dụng điểm yếu của Oscar
Quả cầu vàng chưa bao giờ được công nhận về tính nghệ thuật nghiêm túc như Oscar. Nhưng, sau một vài năm khó khăn (các đề cử vớ vẩn, bị hủy và thay bằng họp báo vào năm 2008 do cuộc đình công của các nhà biên kịch, kiện cáo…), Hiệp hội Báo chí nước ngoài đang nỗ lực tái sinh.
Nhà báo Brooks Barnes của New York Times nhận định chính tính chất “tiệc tùng” của Quả cầu vàng mang lại cho nó nét riêng bên cạnh Oscar của Viện Hàn lâm Điện ảnh – một tổ chức luôn tự quan trọng hóa vai trò của mình. Còn với Hiệp hội Báo chí, nhà báo Aida Takla-O’Reilly vừa trở lại cương vị chủ tịch và tự tin tuyên bố: “Biến động là biến động, và nó đã qua”.
Sự thực là Quả cầu vàng cũng đang tìm cách tận dụng điểm yếu của Oscar để tự nâng mình lên. Trong vòng 3 năm qua, mỗi năm có 17 triệu khán giả truyền hình Mỹ đã theo dõi Quả cầu vàng, theo dữ liệu của Nielsen, vẫn thua xa Oscar với 39 triệu (năm 2012) hay 38 triệu (năm 2011) khán giả. Nhưng Quả cầu vàng lại có lựa chọn sáng suốt hơn về người cầm trịch lễ trao giải. Trong suốt 3 năm qua, Hiệp hội đã thuê Ricky Gervais, người có lúc bị chê vô duyên nhưng đã tạo nên sức hút không nhỏ cho lễ trao giải. Còn Oscar lại lựa chọn cặp đôi MC thiếu hấp dẫn James Franco - Anne Hathaway năm 2011 và bị đánh giá là sai lầm.
Năm nay, Quả cầu vàng mời hai nữ diễn viên hài nổi tiếng Tina Fey và Amy Poehler làm MC, khiến tạp chí Vogue nhận định lễ trao giải năm nay rất đáng mong đợi. Đáng chú ý là Tina Fey đã từ chối lời mời tương tự từ Oscar, điều này khiến Oscar trông lép vế.
Viện Hàn lâm đã tìm nhà sản xuất truyền hình Seth MacFarlane - một cây hài, để thế chỗ. Nhưng lựa chọn này khiến Oscar bị chê là bắt chước Quả cầu vàng.
Lợi thế: truyền hình và… Adele
Nhận định này của nhà báo Brooks Barnes thoạt nghe có vẻ khó tin, bởi lâu nay người ta nghĩ truyền hình là điểm yếu của Quả cầu vàng, nhưng xét kỹ lại có lý. Hiện tại, ở Mỹ, truyền hình đang “nóng” hơn điện ảnh. Đến chính Oscar cũng phải cậy nhờ sức hút của một nhân vật truyền hình là Seth MacFarlane thì không dại gì Quả cầu vàng không tận dụng ưu thế sẵn có.
“Giải Quả cầu vàng đã nhìn thấy trước sự gắn kết mật thiết giữa điện ảnh và truyền hình” – Matti Leshem, một nhà sản xuất phim kiêm Giám đốc điều hành Công ty Protagonist, nói với New York Times - “Ngày nay, màn ảnh nhỏ là một sân khấu có thể phát những màn trình diễn xuất sắc đủ tầm lên màn ảnh lớn”.
Bên cạnh đó, việc mời được nữ ca sĩ nổi tiếng người Anh Adele lần đầu biểu diễn sau một thời gian dài nghỉ dưỡng giọng và sinh con, cũng khiến giải Quả cầu vàng nóng lên. Adele sẽ hát Skyfall, bài hát chủ đề bộ phim cùng tên.
Cùng với nữ ca sĩ thành công nhất thế giới năm qua, lễ trao giải sẽ có các minh tinh tài tử như George Clooney, Meryl Streep, Jennifer Lopez, Jessica Alba, Sacha Baron Cohen, Robert Downey, Sylvester Stallone, Catherine Zeta-Jones… sẽ có mặt.
“Quả cầu vàng 2013 sẽ sến chưa từng thấy” “Sẽ sến và hay hơn tất cả các lễ trao giải trước” là hứa hẹn của hai MC Fey và Poehler khi trả lời phỏng vấn Entertainment Weekly ít ngày trước đêm trao giải. Lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 70 được tổ chức tại khách sạn Beverly Hilton ở Beverly Hills, California (Mỹ) tối 13/1, đài NBC truyền hình trực tiếp. Giải thưởng này hằng năm được trao cho các cống hiến trong ngành nghệ thuật và giải trí, ở cả hai lĩnh vực truyền hình và điện ảnh, không chỉ ở Mỹ mà còn ở các nước khác. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất