03/04/2018 07:24 GMT+7
(lienminhbng.org) - Trong hai ngày 1 và 2/4/2018, trên báo chí chính thống đăng tải khá nhiều vụ việc coi thường pháp luật. Như hai cô gái trẻ không đội mũ bảo hiểm phóng xe máy ngược chiều trên cao tốc Thăng Long - Nội Bài. Vụ giải quyết hiểu lầm giao thông bằng dao rựa, súng trên tỉnh lộ 25C, Đồng Nai, khiến một người nhập viện cấp cứu. Hoặc vụ hai đứa trẻ 11 tuổi xích mích do chơi đá banh khiến người nhà vác súng bắn một phụ nữ trọng thương ở Hải Phòng. Và còn khá nhiều vụ việc coi thường pháp luật khác nữa. Nguồn cơn của những chuyện này là gì?
Câu trả lời đơn giản là do văn hóa ứng xử, do giáo dục nhân văn, do tinh thần thượng tôn pháp luật… đang suy vi, khiến hành vi ứng xử của nhiều người đang lệch chuẩn. Cũng có nhiều ý kiến từ góc độ xã hội học cho rằng xã hội kim tiền - nơi lấy đồng tiền làm trung tâm các hệ giá trị - dễ khiến nhiều người chỉ biết chăm lo đến lợi ích cá nhân, xem thường lợi ích chung, xem thường các giềng mối văn hóa, các giá trị đạo đức, tinh thần. Nói nôm na là lối sống vị kỷ đang lên ngôi.
Vậy thì vì đâu sự vị kỷ ấy lên ngôi? Và thời này thì xã hội nào cũng bị như vậy hay sao?
Nhìn lại lịch sử, giai đoạn chuyển tiếp từ xã hội nông nghiệp sang công nghiệp - thị trường thường có mặt trái là sự thực dụng thái quá. Xã hội nông nghiệp thường phổ biến khái niệm nhàn nhã: nông nhàn, nên nơi ấy thường dễ duy tình, trong khi xã hội công nghiệp – thị trường thường phổ biến khái niệm bận rộn nên nơi ấy thường dễ duy lý. Xã hội nông nghiệp thường trọng tính cộng đồng, trong khi xã hội công nghiệp – thị trường thường trọng cá nhân, nên sự vị kỷ cũng dễ phổ biến hơn.
Chúng ta thường viện cớ những thói hư tật xấu hoặc việc coi thường pháp luật là do giáo dục yếu kém. Điều này đúng, nhưng chỉ một phần, phần còn lại là do xã hội đang chuyển hướng sang lối sống công nghiệp. Chúng ta nói giáo dục bây giờ thực dụng, điều đó đúng, nhưng tự ngành giáo dục không thể chủ động thực dụng, nếu cỗ máy công nghiệp kia không yêu cầu hoặc tác động trực tiếp. Để có con người công nghiệp phải cần phương thức giáo dục mới, đôi khi giáo dục phải hơi thực dụng. Và công cuộc đào tạo “con người mới” ấy đã làm cho sự vị kỷ leo thang. Mà sống quá vị kỷ thì dễ coi thường pháp luật.
Không có một công cuộc chuyển đổi nào là hoàn toàn thuận lợi, những thách thức sẽ luôn đi kèm. Trước bối cảnh như vậy, lý tưởng thì tự mỗi người phải nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, phải cố gắng gìn giữ các giềng mối văn hóa tốt đẹp. Nhưng đó là lý tưởng, còn thực tế thì phải hoàn thiện pháp luật với các chế tài minh bạch, công bằng sẽ buộc mọi người và mọi ngành phải thượng tôn pháp luật.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất