Quan điểm của tôi: HLV mới là rủi ro lớn nhất

05/09/2016 18:38 GMT+7 | Bóng đá Anh

(lienminhbng.org) - Khi Paul Pogba phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng để đến Man United, nhiều người đã đặt ra câu hỏi rằng “liệu đó có phải là một phi vụ đầu tư ẩn chứa đầy rủi ro và những gì tiền vệ người Pháp mang lại có bù đắp nổi chi phí Man United bỏ ra hay không?”.

1. Đó là một câu hỏi thú vị. Ở thời đại giá cầu thủ tăng chóng mặt như hiện nay; ở giai đoạn bóng đá đã chuyển mình thành một ngành công nghiệp với những nhà đầu tư, mỗi thương vụ đều được đặt lên bàn cân để đánh giá hết. Man United đã thất bại ở thương vụ Schweinsteiger và điều đó kéo theo nghi ngại rằng cầu thủ càng đắt giá, khả năng rủi ro càng lớn.

Tương tự là trường hợp John Stones ở Man City. Một trung vệ giỏi như Stones đắt giá là chuyện đương nhiên. Nhưng ở mức giá gần 50 triệu bảng thì hình như hơi đắt quá. Man City sẽ thu lại được gì với một cá nhân như Stones? Đó vẫn còn là câu hỏi rất lớn.

Chắc chưa ai quên trường hợp của David Luiz, một hậu vệ đắt giá nhất thế giới. Luiz làm được nhiều cho PSG nhưng người ta vẫn nhớ anh nhiều hơn ở hai lần bị Suarez xỏ háng trong một trận cầu ở Champions League. Và chuyện Chelsea mua lại Luiz mà PSG sẵn sàng bán ngay, để sử dụng hậu vệ trẻ Kimpebe thay thế, có thể cho thấy rằng với PSG, đó là một phi vụ đầu tư suýt nữa thì mất trắng.

2. Trước trận derby Manchester, thị trường chuyển nhượng cũng kịp khép lại, để đánh dấu một kỳ chuyển nhượng kỷ lục của Premier League. Man City không mua cầu thủ đắt nhất thế giới như Man United nhưng họ lại chi tiền nhiều hơn hẳn đối thủ. Nếu Man United bỏ ra 157 triệu bảng để tăng cường lực lượng thì Man City bỏ ra tới 181 triệu bảng Anh. Và Man City thu lại được gì từ những đợt thanh lý? 18 triệu bảng, không hơn không kém. Họ bán Dzeko, Rulli và cầu thủ trẻ Lejeune. Phần còn lại, 14 cầu thủ bị mang cho mượn; 1 cầu thủ không được gia hạn hợp đồng (Demichelis) và 1 giải nghệ. Trong số 14 cầu thủ bị mang cho mượn, có những người dư sức là ngôi sao ở CLB khác mà điển hình là Joe Hart, Nasri và Bony.

Trước khi tới Sevilla theo dạng cho mượn, Nasri tiết lộ Pep Guardiola thuyết phục anh ở lại để cạnh tranh vị trí. Chắc là Pep đã đổi ý khi thấy Nasri lợi hại thế nào sau khi ông tung anh vào sân từ băng ghế dự bị trong trận gặp West Ham. Mấy tháng không chơi bóng nhưng Nasri vẫn có khả năng “đùa” với quả bóng một cách nhuần nhuyễn. Đó không phải là một Nasri mà Pep từng chê “béo” và có ý gạt khỏi danh sách của Man City ở mùa giải mới.

3. Câu chuyện Nasri, Joe Hart ở Man City cho thấy rõ ràng rằng chính HLV mới là mối rủi ro lớn nhất của một CLB chứ không phải là một cầu thủ đắt giá.

Tuy rằng hoạt động chuyển nhượng thời hiện đại không còn là quyết định của riêng HLV hay GĐTT nữa mà đã được đẩy lên thành việc của một hội đồng nhưng mua ai đi nữa thì hội đồng đó cũng đều phải thông qua ý kiến của HLV trưởng, người sẽ sử dụng cầu thủ với mục đích đã được vạch ra về chiến thuật cũng như chiến lược cả mùa giải. Và chỉ cần ông HLV không mang lại kết quả mong đợi để dẫn đến việc chia tay CLB, mớ hàng đắt giá ông ta mua về rất nhiều khả năng sẽ thành hàng thải mà nếu CLB muốn thanh lý, giá sẽ rất bèo.

Van Gaal vứt 150 triệu bảng của Man United vào thị trường chuyển nhượng và gần như những món đắt giá nhất (trừ Martial) đều không thể được dùng bởi Mourinho. Bởi thế, Mourinho đến và chi tiếp 157 triệu bảng khác. Rõ ràng, bài học Van Gaal cho thấy HLV có thể mang lại thua lỗ rất lớn cho CLB nếu ông ta không sử dụng hiệu quả các món hàng mình mang về. Và bài học ấy giờ rõ rệt hơn với Pep. Trong khi Mourinho khôn ngoan lựa mình cho vừa với văn hóa Man United (bằng cách giữ lại Mata, dùng Martial và Rashford) thì Pep phá tan nền văn hóa mới mẻ của Man City bằng cách loại những công thần lớn nhất.

Bởi vậy, Pep sẽ chính là nhân vật ẩn chứa rủi ro lớn nhất của Man City ở giai đoạn này, đặc biệt là khi trận derby Manchester có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình cuộc đua Premier League.

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm