09/09/2016 18:47 GMT+7 | Man United
(lienminhbng.org) - Chẳng mấy ai tranh luận khi tờ Guardian cho rằng trận derby Manchester vào cuối tuần này có thể sẽ làm định hình cuộc đua giành ngôi vô địch Premier League - cho dù đây mới chỉ là vòng 4. Điều đáng chú ý chỉ là: từ bao giờ trận derby Manchester lại có chỗ đứng quan trọng như thế, trong làng bóng Anh?
Từ năm 1973 đến năm 1991, Liverpool chỉ có 1 lần đứng ngoài 2 vị trí cao nhất ở giải Vô địch Anh. Cũng trong khoảng thời gian ấy, Liverpool còn có thêm 4 cúp C1 châu Âu, 3 cúp FA và cơ man danh hiệu khác. Chẳng phải bàn thêm về thế thống trị trên quê hương bóng đá của đội bóng này suốt 2 thập kỷ đầu tiên của kỷ nguyên hiện đại (một khái niệm hơi có tính ước lệ: bóng đá hiện đại tính từ thập niên 1970).
Tất nhiên là Everton không thể sánh được với Liverpool. Dù sao đi nữa, Everton cũng vẫn có thời hoàng kim trong giai đoạn 1984-1995. Họ có 2 lần vô địch Anh, 2 lần đoạt cúp FA và 1 lần đoạt cúp C2 châu Âu trong khoảng chục năm oanh liệt ấy. Như thế là đủ để trận derby vùng Merseyside trở nên vô cùng hấp dẫn về mặt chuyên môn trong những năm 1980-1990. Xin nhắc lại: số 1 về mặt chuyên môn, chứ về... tính chất derby thì cặp đấu Liverpool - Everton đã có một chỗ đứng riêng, luôn đặc sắc rồi.
Trước và sau thời thịnh vượng vừa nêu của cặp derby Merseyside thì Arsenal - Tottenham là cặp derby đáng chú ý nhất trong làng bóng Anh. Tottenham thành công nhất trong thập niên 1960. Arsenal lại thành công ngay sau "kỷ nguyên Liverpool". Cũng có thể nói, chính Arsenal là đội đã hạ bệ Liverpool sau khoảng thời gian thống trị đến mức gần như tuyệt đối của "Lữ đoàn Đỏ".
Xét trong khía cạnh kình địch thì Arsenal - Tottenham mới là cặp derby số 1 nước Anh
Thật ra, xét trong khía cạnh kình địch thì Arsenal - Tottenham mới là cặp derby số 1 nước Anh, bởi gốc rễ "thù hằn" vốn là chi tiết quan trọng nhất làm nên một cặp derby. Ngày xưa (năm 1919), khi giải vô địch Anh được mở rộng từ 18 lên 20 đội thì đáng lẽ Tottenham giành được suất chót. Rút cuộc, Arsenal bất ngờ phỗng đi suất ấy, sau một cuộc bỏ phiếu mà chắc chắn cứ hỏi bất cứ cổ động viên nào của Tottenham thì câu trả lời suốt hàng trăm năm chỉ là "nhờ mua chuộc". Sau này, cổ động viên Tottenham càng có lý do để căm hận Arsenal khi ngôi sao Sol Campbell mà họ gọi là "Judas" bỏ Tottenham, gia nhập Arsenal theo luật chuyển nhượng tự do. Từ năm 2005 đến nay, Arsenal chưa bao giờ vô địch Premier League (Tottenham lại càng không thể). Nhưng có hề gì. Cứ đến gần cuối mùa bóng là các "Pháo thủ" lại có lý do để ăn mừng "Ngày Thánh Totteringham" trọng đại. Đấy là cái ngày mà chiếu theo điểm số thì Tottenham không thể bắt kịp Arsenal trong bảng xếp hạng Premier League nữa. Đấy là sức sống của một cặp derby nói riêng, cũng như của môn bóng đá nói chung?
M.U tranh hùng với ai?
Từ khi ra đời vào năm 1992, Premier League chỉ có một đội "vô đối" - đó là M.U với 13 lần vô địch chỉ trong 24 mùa bóng - mức độ "độc diễn" còn cao hơn cả Bayern Munich ở giải Bundesliga. Mà đã nhắc đến M.U trong kỷ nguyên Premier League, dứt khoát cứ phải nói đến mùa bóng 1998-1999, với cú "ăn ba" hoành tráng, xen lẫn kịch tính. Manchester City làm gì trong mùa bóng ấy? Xin thưa: "Man Xanh" chơi bóng ở giải... hạng Ba. Kể ra thì cũng thành công, khi họ leo lên hạng Nhì sau loạt play-off. Trong suốt giai đoạn 1995-1996 đến 2002-2003, chỉ có một lần Man City "ổn định chỗ đứng" trong 2 mùa bóng liên tiếp. Đó là các mùa bóng 1996-1997 và 1997-1998, "Man Xanh" luôn chơi ở giải hạng Nhì.
Khi Wayne Rooney đá trận đầu tiên trong làng bóng đỉnh cao thì Man City vẫn còn lặn ngụp ở giải hạng Nhì. Tổng quát hơn, đối thủ chính của M.U trước đây hiếm khi là đội bóng cùng thành phố với họ. Trong khoảng chục năm đầu tiên của kỷ nguyên Premier League thì M.U chủ yếu tranh hùng với Arsenal. Sâu xa hơn thì Liverpool mới là đối thủ của M.U trong cuộc cạnh tranh danh hiệu đội bóng mạnh nhất trên quê hương bóng đá.
Man City bắt đầu trở thành thế lực đương đại của bóng đá Anh từ thời Carlos Tevez
Chỗ này lại có nguyên nhân quan trọng thuộc về xã hội, lịch sử. Giới doanh nhân tài trợ cho việc mở ra kênh đào Manchester (dài 58km) vào cuối thế kỷ 19, giúp tàu bè đi thẳng từ biển Ireland vào thành phố Manchester. Hàng hóa cứ thế dập dìu mà không phải thông qua cảng Liverpool. Thế là mối hiềm khích giữa hai cộng đồng xuất hiện, cùng lúc với sự phát triển mạnh mẽ của trò chơi bóng đá. Cũng vì bóng đá là môn chơi của cộng đồng, của đám đông, mà các thành phố công nghiệp như Manchester hoặc Liverpool phát triển bóng đá mạnh mẽ, lấn lướt hoàn toàn so với thủ đô London. Mãi đến tận bây giờ, dù chưa hề đăng quang vô địch Premier League và đã bị M.U qua mặt về tổng thành tích vô địch bóng đá Anh, Liverpool vẫn tự hào là đội có cúp C1 nhiều nhất trên quê hương bóng đá.
Derby Manchester lên ngôi
Nhắc lại để thấy thời thế đã thay đổi như thế nào khi mà bây giờ, derby Manchester mới được xem là trận đấu quan trọng nhất, đáng chú ý nhất trên quê hương bóng đá. Tất nhiên, đấy không hề là trận đấu xác định ngôi vô địch - nhưng chính vì vậy mới "ra vấn đề". Đấy không chỉ là một cuộc đụng độ thông thường giữa hai đội mạnh. Đấy là một sự va chạm "dữ dội" giữa hai thế lực khổng lồ trong kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của các "siêu CLB", khi các đội mạnh trước tiên so đọ với nhau về mức độ giàu có.
Bây giờ, derby Manchester mới được xem là trận đấu quan trọng nhất, đáng chú ý nhất
So với cả một lịch sử trước đó, những gì diễn ra trong thập kỷ hiện thời giữa Man City và M.U bỗng nhiên đồ sộ hơn hẳn. Nào là "Why Always Me?" - chiếc áo nói lên cả một câu chuyện của "con ngựa chứng" Mario Balotelli trong thành phần Man City, và trong trận thắng 6-1 có lẽ vẫn còn ám ảnh giới hâm mộ M.U đến tận bây giờ. Chuyện xảy ra đã 5 năm - khoảng thời gian đủ dài để làm nên hẳn một giai đoạn mới - giai đoạn mà Man City hoàn toàn không thua, nếu không muốn nói là nhỉnh hơn M.U ở Premier League. Nào là những cuộc chuyển nhượng kinh hoàng trong mùa hè 2016. Nào là cuộc đối đầu mới giữa Jose Mourinho và Pep Guardiola.
Bóng đá Anh xưa nay có 3 cặp derby chính (điều này đã được đưa vào từ điển) là Liverpool - Everton (Merseyside derby), Arsenal - Tottenham (North London derby) và Manchester City - M.U (không có tên gọi riêng). Brian Kidd, Paul Stewart, Paul Walsh, Nicolas Anelka và Louis Saha là những cầu thủ hiếm hoi từng thi đấu trong cả 3 trận derby vừa nêu. Những cặp derby đáng kể khác là Newcastle - Sunderland, Birmingham - Aston Villa và Swansea - Cardiff. Ngoài ra, nếu không nhất thiết phải là derby thì cuộc đối đầu đáng kể nhất trong làng bóng Anh xưa nay là M.U - Liverpool. |
Chẳng dám xem thường Chelsea, Arsenal, Liverpool hoặc Totteham. Thậm chí ngay cả đội Leicester khiêm nhường cũng đã làm được câu chuyện động trời ở Premier League trong mùa vừa qua. Dù sao đi nữa, mọi chuyện vẫn diễn ra cứ như hai đội thành Manchester phải diễn vai chính ở Premier League trong thời buổi này. Thành công của họ hẳn nhiên là đề tài lớn. Thất bại của họ cũng là đề tài. Và khi họ sắp gặp nhau - xin nhắc lại, chỉ ở vòng 4 của một cuộc đua marathon gồm 38 vòng - thiên hạ vẫn phải trông ngóng như đấy là trận quyết định. Đấy sẽ là một cuộc phân vai, xem gã khổng lồ nào sẽ rơi vào thế phải rượt đuổi. Còn có "võ mồm" không chừng. Và chắc chắn, sẽ còn rất nhiều câu chuyện thú vị nảy sinh từ trận derby thành Manchester cuối tuần này. Premier League đã thật sự có trung tâm mới, chưa biết sẽ bền vững đến bao giờ.
TÂN GIA
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất