Góc nhìn: Rất nhiều Rodgers, rất hiếm Mourinho

28/12/2013 08:34 GMT+7

(lienminhbng.org) - Áp lực ngày một lớn có thể khiến các HLV phản ứng hơi thái quá, nhưng không làm họ sợ hãi. Tại Premier League lúc này, tấn công là chiến thuật phổ biến, và phòng ngự đồng nghĩa với tự sát.

1. Một trong những đội phòng ngự ấn tượng nhất mùa này là Southampton (chỉ 18 bàn thua, bằng với Arsenal và Chelsea), nhưng sau vài vòng đầu tiên được coi là hiện tượng, giờ họ đã tụt xuống giữa bảng xếp hạng và có thể tiếp tục lún sâu hơn. West Ham đã thủng lưới 25 bàn, chỉ nhiều hơn 4 bàn so với đội nhì bảng Man City, nhưng hiện đang đứng… áp chót.

Sau 10 vòng, Tottenham sở hữu hàng thủ cực kỳ ấn tượng, chỉ thủng lưới đúng 5 lần, nhưng chỉ sau đó hai vòng, họ nhận thêm đến 7 bàn thua. Từ vòng 12 đến 16, Tottenham nhận đến hai thảm bại, 0-6 trước Man City và 0-5 trước Liverpool, hai đội có hàng công mạnh nhất giải. Kết luận: Phòng ngự luôn là giải pháp tạm thời. Sẽ đến lúc, những hàng rào chắc chắn nhất sẽ bị kéo sập.

Liverpool của HLV Brendan Rodgers là đội tấn công hay nhất mùa này, nhờ hai sự thay đổi: 1) Luis Suarez trở lại; 2) Rodgers chuyển từ hệ thống phòng ngự bốn người sang ba người. Khi có bóng, Liverpool chỉ còn chơi với ba hậu vệ, là Toure, Sakho và Skrtel, trong khi Glen Johnson dâng cao bên cánh phải.

Kết quả? Họ tạo ra số cơ hội gấp rưỡi như khi chơi bốn hậu vệ, chuyền bóng tốt hơn và tạt bóng thành công nhiều gấp đôi. Khả năng gây sức ép của họ là cực kỳ ấn tượng, và Luis Suarez luôn có đủ bóng để gây nguy hiểm cho đối phương, nhờ một đội hình chơi rất gần nhau và dâng cao, áp sát nhanh.

2. HLV Manuel Pellegrini của Man City thì gây ấn tượng với cách sắp xếp linh hoạt ở tuyến tiền vệ. Với cặp tiền đạo Sergio Aguero – Alvado Negredo chơi ăn ý, họ tạo ra rất nhiều cơ hội trong 30 mét cuối cùng. Nhưng động lực thực sự nằm ở phía sau: Cặp tiền vệ Yaya Toure – Fernandinho được phép chơi tự do, càn quét khắp sân và thường xuyên dâng cao.

Với cặp tiền vệ “quái vật” ấy và ba hộ công, nhân lực tấn công Man City huy động khi áp đặt thế trận được đối thủ có thể lên đến… 7-8 người. Đó là một sơ đồ liều lĩnh và chỉ có Man City, với nhân lực hùng hậu, mới có thể chơi được như thế. Thành tích kém cỏi của họ ở sân khách cũng có thể được lý giải bằng lối chơi liều lĩnh này: Khi các cầu thủ không có tinh thần đạt trạng thái lý tưởng, họ khó có thể chơi như thế mà không bộc lộ sơ hở.

3. HLV Arsene Wenger cũng áp dụng một hệ thống rất thiếu cân bằng cho Arsenal: Họ thường xuyên ra sân mà không có một tiền vệ phòng ngự đích thực, trong khi cầu thủ con thoi Aaron Ramsey cũng thường xuyên dâng cao và lãnh trách nhiệm ghi bàn. Quan trọng hơn cả là tinh thần tấn công của họ: Trận gặp Man City, Arsenal đã lao lên một cách quá vô tư và nhận đến 6 bàn thua rất dễ dàng.

Đến Chelsea của HLV Jose Mourinho cũng không thể cưỡng lại được xu hướng tấn công ở Premier League trong quá nửa lượt đi, và đó có thể xem như nguyên nhân khiến họ mất phương hướng và chơi không thực sự thành công. Sau khi Chelsea bị loại khỏi Cúp Liên đoàn bởi Sunderland, ông mới tuyên bố rằng “Chelsea phải củng cố lại tuyến sau”. Kết quả? Chelsea trở lại với 4-3-3 ở trận gặp Swansea, với ba tiền vệ ở giữa sân, và thắng 1-0, “điệp khúc” quen thuộc của Mourinho trong nhiệm kỳ đầu tại Chelsea.

Về nghệ thuật phòng ngự, có lẽ Mourinho là giỏi nhất hiện nay và cũng chỉ có ông “dũng cảm” chơi như thế lúc này. Tốc độ và tinh thần tấn công của Premier League đã khiến các HLV nhận ra rằng thụ động chờ đợi có nghĩa là tự sát. Và họ phải lao lên.

Ban Cầm
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm