06/03/2014 08:30 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Mấy ngày gần đây, một số tờ báo phương Tây lớn tiếng chỉ trích, cho rằng Nga đã đưa một lực lượng quân sự tiến vào vùng Crimea của Ukraine. Điều họ ít biết là Nga đã có sự hiện diện lâu dài ở vùng đất này và đó là điều hoàn toàn hợp pháp.
Đài truyền hình Russia Today cho biết binh lính Nga đã ở Crimea kể từ cuối những năm 1990, theo các thỏa thuận giữa chính quyền Nga và Ukraine.
Được phép đóng tới 25.000 quân
Đầu tuần này, Đại sứ Nga ở Liên hợp quốc Vitaly Churkin cũng nhắc lại rằng thỏa thuận trên liên quan tới Hạm đội Biển Đen, và Nga được phép đóng tới hơn 20.000 lính đồn trú ở Ukraine. Tuy nhiên báo chí Anh và Mỹ đều lờ đi thực tế này.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng quân đội Nga chỉ thực hiện các thỏa thuận cho phép sự hiện diện của họ ở Ukraine. Vậy nội dung cụ thể các thỏa thuận này như thế nào? Russia Today cho biết Hạm đội Biển Đen đã là vấn đề gây tranh cãi giữa Nga và Ukraine kể từ khi Liên Xô sụp đổ trong năm 1991.
Lính thủy đánh bộ Ukraine nhìn về phía một con tàu Nga đang di chuyển trong vịnh Sevastopol vào ngày 4/3
Mỗi năm Mátxcơva cũng xóa cho Kiev số tiền nợ lên tới 97,75 triệu USD để có quyền được sử dụng hải phận Ukraina và tần số sóng vô tuyến. Hoạt động xóa nợ còn để đền bù việc Hạm đội Biển Đen gây ra các tác động bất lợi cho môi trường Ukraine.
Theo thỏa thuận ban đầu, Hạm đội Biển Đen sẽ ở lại Crimea cho tới năm 2017. Tuy nhiên thỏa thuận sau đó được kéo dài thêm 25 năm nữa. Thỏa thuận năm 1997 còn cho phép Hải quân Nga điều 25.000 lính, 24 hệ thống pháo với nòng nhỏ hơn 100 mm, 132 xe bọc thép và 22 chiếc máy bay quân sự tới các địa điểm nằm trên lãnh thổ Ukraine, nhằm đảm bảo cho hoạt động của Hạm đội Biển Đen.
Sử dụng vũ lực là giải pháp cuối cùng
Để tuân thủ với các thỏa thuận này, hiện Nga đã điều 5 đơn vị Hải quân tới đóng tại thành phố cảng Sevastopol ở Crimea. Các đơn vị này gồm: Sư đoàn tàu nổi số 30, hình thành dựa trên Lữ đoàn chống ngầm số 11. Sư đoàn này có soái hạm của Hạm đội Biển Đen là tuần dương hạm tên lửa Moskva. Nó cũng có các tàu khu trục Kerch, Ochakov, Smetlivy, Ladny và Pytlivy, ngoài Lữ đoàn tàu đổ bộ số 197, gồm 7 tàu đổ bộ cỡ lớn.
Thứ 2 là Lữ đoàn tàu tên lửa số 41, gồm Đội tàu tấn công cao tốc số 166, có trong trang bị các tàu đệm khí Bora và Samum bên cạnh tàu chiến mang tên lửa cỡ nhỏ Mirazh và Shtil. Lữ đoàn cũng có các tàu của Đội tàu tên lửa số 295.
Kế tiếp là Hải đội tàu ngầm độc lập số 247, gồm 2 tàu ngầm diesel B-871 Alrosa và B-380 Svyatoy Knyaz Georgy. Thứ 4 là Lữ đoàn tàu bảo vệ cảng số 68, hình thành từ Tiểu đoàn tàu chống ngầm số 400 gồm 4 tàu và Tiểu đoàn tàu săn mìn số 418, cũng gồm 4 tàu.
Cuối cùng là Sư đoàn tàu đo đạc thủy văn số 422, gồm 4 tàu khảo sát Cheleken, Stvor, Donuzlav và GS-402, bên cạnh các tàu đo đạc khác.
Ngoài các đơn vị hải quân, Mátxcơva còn có 2 căn cứ không quân ở Crimea, vốn nằm ở các thị trấn Crimea và Gvardeysky. Lực lượng bảo vệ bờ biển của Nga ở Ukraina gồm Trung đoàn tên lửa đối không 1096 ở Sevastopol và Trung đoàn Lính thủy đánh bộ số 810, vốn có khoảng 2.000 quân nhân.
Đó là chưa kể tới vài đơn vị khác của Hạm đội Biển Đen nằm ở vùng Krasnodar của Nga, ngay gần Ukraine, gồm Trung đoàn tên lửa bờ biển số 11 ở Anapa và Tiểu đoàn Lính thủy đánh bộ số 382 ở Temryuk.
Tuần trước, Hội đồng Liên bang Nga đã thông qua việc cho phép Tổng thống Nga Vladimir Putin có quyền sử dụng lực lượng vũ trang của nước này trên lãnh thổ Ukraine, để đảm bảo giữ hòa bình và ổn định khu vực, cho tới khi tình hình chính trị xã hội ở đất nước láng giềng ổn định trở lại. Tuy nhiên tới nay ông Putin vẫn chưa đưa ra một quyết định nào về việc điều binh, và nói rằng dùng vũ lực quân sự chỉ là giải pháp cuối cùng cho tình hình Ukraine.
Tường Linh (Theo Russia Today)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất