Quẩn quanh xe máy cũ

11/07/2019 06:50 GMT+7

(lienminhbng.org) - Việc xử lý xe máy cũ, quá niên hạn sử dụng lại được nhắc tới trong phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ngày 9/7. Theo lời lãnh đạo công an Hà Nội, đây là vấn đề khó giải quyết do thiếu những quy định cần thiết.

Cấm xe máy cũ: Khó khả thi

Cấm xe máy cũ: Khó khả thi

Xung quanh chủ trương của UBND TPHCM giao Công an thành phố xây dựng “quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành xe môtô hai, ba bánh, xe gắn máy” tiến tới cấm lưu hành xe cũ, nhiều chuyên gia cho rằng không khả thi.

Cần nhắc lại, 2 năm trước, thành phố Hà Nội đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sớm xây dựng và thực hiện lộ trình cụ thể để rà soát, thu hồi, thải loại xe máy cũ nát và không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để lưu hành. Đây được cho là giải pháp cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn giao thông.

Ý tưởng ấy nhận được sự đồng tình từ nhiều phía. Thậm chí, ngành giao thông Hà Nội còn đề xuất cần có lộ trình để thực hiện điều này từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản khi bắt tay vào thực hiện. Rất nhiều những phát sinh, những vướng mắc chưa thể tháo gỡ ngay được khiến cho đề xuất thu hồi xe máy không đủ tiêu chuẩn chưa thể triển khai.

Cần nhắc lại, theo các thống kê của các cơ quan chức năng, trên toàn quốc hiện có hơn 50 triệu chiếc xe máy, trong đó riêng tại Hà Nội có khoảng 5,7 triệu chiếc. Và lượng xe máy này chiếm đến 86% lượng phương tiện giao thông đang tham gia ở Hà Nội. Riêng số lượng xe đăng ký trước năm 2000 hiếm khoảng 25% tổng số xe. Và, trong đó có rất nhiều xe vẫn còn lưu hành trong tình trạng cũ nát, không còn đủ các tiêu chuẩn an toàn.

Chú thích ảnh
Xe máy cũ. Ảnh: Internet

Thậm chí, như chia sẻ của ngành công an, khi vi phạm và bị thu giữ xe, chủ nhân của nhiều chiếc xe có tuổi thọ 30, 40 năm đã... bỏ luôn, không đi nộp phạt do giá trị của những chiếc xe này quá thấp. Từ đó, ngành công an đề nghị sớm được tiêu hủy số xe này.

***

Chúng ta đều hiểu, “xe máy cũ nát”nôm na là những chiếc xe đã sử dụng vượt quá “tuổi thọ” mà nhà sản xuất cho phép. Loại xe ấy tất nhiên không đảm bảo an toàn khi lưu thông, đồng thời làm ô nhiễm môi trường bởi lượng khí thải xả ra cao hơn những chiếc xe bình thường.

Như nhiều chuyên gia phân tích, để tính niên hạn sử dụng cho xe máy sẽ có hai mốc: đó là căn cứ vào năm sản xuất và thời điểm đăng ký lần đầu. Còn lượng khí thải thì phải dựa vào các tiêu chuẩn, các quy định tùy theo quốc gia. Về nguyên tắc, khi có đủ những điều này, chúng ta có thể cho dừng lưu hành một phương tiện giao thông không đủ tiêu chuẩn. Nhưng hiện tại,chưa có những quy định và thông số cụ thể, việc này chưa thể triển khai.

Đó chỉ là một phần câu chuyện. Thực tế, phần đông người dân hiện nay vẫn sử dụng xe máy làm phương tiện sinh hoạt hàng ngày. Việc thu hồi xe máy cũ là vấn đề xã hội lớn, nhạy cảm, phức tạp vì liên quan đến việc mưu sinh của đa số người dân với đủ mọi đối tượng, thành phần, lứa tuổi và có nhận thức rất khác nhau.

Ở góc độ khác, phương án xử lý các xe cũ đã thu hồi như thế nào cũng là điều cần phải quan tâm. Như ở các nước phát triển mà tôi biết, việc tiêu hủy đầu tiên phải có bãi tập kết xe để rã phụ tùng và phân loại các bộ phận khi tiêu hủy. Bởi, một số phụ tùng của xe máy như là ắc quy, dầu thải nếu như không tiến hành phân loại xử lý ngay có thể gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến con người rất nẵng. Và, nếu chuẩn bị không tốt, sẽ rất nguy hiểm nếu những khu vực tập kết xe máy cũ nát lại trở thành những bãi rác đặc biệt.

Tôi, cũng như rất nhiều người, đều mong việc thu hồi những chiếc xe máy cũ nát sớm được luật hóa.Nhưng, đó chỉ là mong muốn của một bộ phận trong cộng đồng. Chắc chắn, chủ nhân của những chiếc xe cũ ấy sẽ không bằng lòng, nếu chúng ta không có một hành lang pháp lý minh bạch, thuyết phục và có tình có lý.

Người Việt có câu: “Có mới nới cũ” với hàm ý phụ bạc, không coi trọng cái cũ. Trong câu chuyện ứng xử với xe máy cũ này, có lẽ chúng ta phải tư duy cả về góc độ tình cảm.

Trước khi cũ nát, những chiếc xe ấy đã là phương tiện gắn với cuộc sống của cả một thế hệ. Việc loại bỏ chúng chỉ dễ dàng khi cộng đồng thay đổi cả những thói quen, lối sống hàng ngày,cũng như những nhận thức về bảo vệ môi trường và an toàn giao thông chung.

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm